6 giải pháp kiến ghị dựa trên cơ sở giám sát thực tế, nghiên cứu tài liệu, làm việc trực tiếp tại cơ sở được giám sát; tổng hợp các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của 30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, báo cáo giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các tài liệu có liên quan.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định
 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Nhiều bất cập tồn tại

Qua việc thực hiện giám sát, ông Định đánh giá, với tổng số 266 văn bản của Trung ương mà Đoàn đã giám sát, gồm 02 bản Hiến pháp, 06 luật, 176 nghị định, 55 thông tư và 27 nghị quyết, quyết định, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn còn phức tạp, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Một số chủ trương, chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và kịp thời, nhiều văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhưng vẫn quy định làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Tổ chức bộ máy của Chính phủ còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, TTHC còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm. Về Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều đầu mối. Vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất, vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu.

Ngoài ra, ở chính quyền địa phương, một số nội dung tuy đã phân cấp cho cấp dưới nhưng sau một thời gian ngắn, cấp trên lại thu về. Tình trạng T.Ư có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn là phổ biến (có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở T.Ư)…

Còn mô hình tổ chức quản lý ở cấp xã thì, thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương. Nhiều công việc của cấp xã giải quyết phải thông qua thôn, tổ dân phố. Số lượng người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng nhanh (từ 729.509 người giai đoạn tháng 8/2011 lên 837.657 người tại thời điểm tháng 12/2016, tăng 108.148 người), trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2 - 0,3 mức lương cơ sở…

Đặc biệt, về biên chế công chức vẫn còn 11 địa phương sử dụng quá số biên chế. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu... Tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 02 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%).

Bên cạnh đó, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên và chưa có xu hướng giảm,“năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính, trong đó chỉ có 1.114 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 3,7%), 10.827 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%) và 18.278 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 60,5%)). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở địa phương tăng (năm 2011 là 1.971.577 người, đến năm 2016 là 2.093.313 người, tăng 121.736 người (5,8%). Thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà…” ông Định nói

 

6 giải pháp cần khắc phục

Nhìn nhận những kết quả và bất cập, hạn chế trên, ông Định đưa ra 6 giải pháp, kiến nghị để tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết về tổ chức bộ máy và văn bản liên quan nhằm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở T.Ư và của mỗi cấp chính quyền địa phương; không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước. 

Năm 2017, Chính phủ khẩn trương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc UBND; văn bản hướng dẫn liên quan đến Hội đồng nhân dân; ban hành nghị định về tiêu chí thành lập và thống nhất mô hình tổ chức phòng, vụ, cục, tổng cục thuộc Bộ và phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan cùng cấp trong bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm thực hiện có hiệu quả hơn nguyên tắc một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; giảm tối đa tình trạng một việc phải qua nhiều cấp xử lý mới quyết định được; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp. Rà soát chuyển những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho xã hội đảm nhận…

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng xác định hợp lý số đầu mối trực thuộc, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước. Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.

Từng bước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiêu chí quy định và xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp. Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy là Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy là Chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã... Đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính, xác định cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế… phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại địa phương. Rà soát lại tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động để thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư.

Nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại… Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc…

Giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả T.Ư và địa phương... Từ năm 2018, việc thành lập mới tổ chức liên ngành phải có thời hạn. Kiên quyết không thành lập mới các tổ chức phối hợp liên ngành... Khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đẩy mạnh việc xã hội hóa, mở rộng tự chủ của các đơn vị…

Thứ tư, xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động quản lý, quy mô phát triển,... để xác định tổng biên chế của các Bộ, ngành, địa phương, tránh việc áp đặt bình quân đồng loạt. Thực hiện việc khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố gắn với xây dựng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015…

Thứ năm, tiếp tục thực hiện cải cách TTHC, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện bảo đảm cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, người giữ chức vụ chủ chốt do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.