ACV lỏng tay trong quản lý dịch vụ cảng hàng không
Hàng loạt góc khuất vừa được hé lộ trong công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại 5 cảng hàng không trọng yếu do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.
Động đâu sai đấy
Phải mất gần 8 tháng (1/6/2016 - 16/2/2017), Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) mới có thể hoàn tất kết luận thanh tra công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại một số cảng hàng không. Đây là đợt thanh tra chất lượng dịch vụ hành khách tại các cảng hàng không có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Bộ GTVT thực hiện tại Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và 5/21 chi nhánh cảng hàng không trực thuộc (gồm Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Côn Đảo).
Ngoại trừ Cam Ranh, Côn Đảo là sân bay cấp 2, cấp 3, các sân bay còn lại là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đều là các cảng hàng không quốc tế cấp I hoặc cấp 4D theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO). Nói cách khác, 5 sân bay này chính là những “khuôn mặt” đặc trưng cho lĩnh vực cung cấp các dịch vụ hàng không mặt đất tại Việt Nam.
Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động dịch vụ của các cảng hàng không. Trong ảnh: Khu dịch vụ ăn uống của Sân bay Nội Bài. |
Ghi nhận những nỗ lực của ACV trong việc không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ cho hành khách, song trong bản Kết luận thanh tra gồm 17 trang A4, Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra rất nhiều “hạt sạn” lớn, nhỏ tại tất cả các khâu trong chu trình vận hành khai thác tại 5 cảng hàng không bị đưa vào tầm ngắm.
Sai sót đầu tiên được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra chính là những khiếm khuyết liên quan đến việc bố trí mặt bằng các khu vực chức năng cung cấp dịch vụ hành khách tại nhà ga hành khách.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, việc quản lý mặt bằng tại các sân bay của ACV là chưa chặt chẽ. Tại thời điểm thanh tra, còn một số vị trí doanh dịch vụ phi hàng không có diện tích thực tế lớn hơn diện tích xác định trong hợp đồng đã ký kết. Trong đó, tại Cảng hàng không Đà Nẵng, quầy bán hàng lưu niệm Taseco (ký hiệu DV 46) có diện tích khai thác thực tế là 20,57 m2, nhưng trong Hợp đồng xác định diện tích là chỉ là 14,52 m2.
Tại Cảng hàng không Cam Ranh, nhà hàng Uban Market - khu cách ly quốc tế vượt 17,4m2; quầy bán ngọc trai trong khu cách ly nội địa vượt 6,9m2; quầy Anex Tour tại sảnh trệt gần cửa ra số 4 và quầy coffee vị trí D3 vượt 8,88 m2; quầy coffee fastfood Phát Quyết vị trí C3 vượt 10,7 m2 (tổng số diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong hợp đồng là 48,38m2).
Cũng tại Sân bay Cam Ranh, đơn vị khai thác đã bổ sung thêm một số quầy dịch vụ phi hàng không trong khu cách ly nội địa và quốc tế đi làm giảm diện tích phục vụ hoạt động kinh doanh hàng không dẫn đến khách đi quốc tế phải xếp hàng làm thủ tục lên tàu bay kín giữa các quầy hàng và ghế đợi, không còn không gian lưu thông chung.
ACV được kinh doanh dịch vụ hàng không và phi hàng không, bao gồm 11 ngành nghề kinh doanh chính và 45 ngành nghề kinh doanh liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính, có vốn điều lệ là 21.771 tỷ đồng.
Tại thời điểm thanh tra, phần lớn diện tích bổ sung tại 5 cảng hàng không được đưa vào kinh doanh khai thác trước khi xin phép Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt, có một số diện tích mặt bằng kinh doanh dịch vụ phi hàng không chưa có trong tài liệu khai thác được phê duyệt theo quy định.
Cụ thể, Cảng hàng không Côn Đảo có 19 vị trí cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại khu vực ga đi, đến (bao gồm cả khu vực cách ly); Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có diện tích mặt bằng phi hàng không tại nhà ga quốc nội bổ sung tăng thêm 2.586 m2, nhà ga quốc tế giảm 914 m2; Cảng hàng không Đà Nẵng có 15 vị trí mặt bằng kinh doanh dịch vụ phi hàng không (tổng diện tích khoản 211,89 m2); Cảng hàng không Cam Ranh có 5 vị trí không có trong sơ đồ mặt bằng được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt. Trong đó, các trung tâm hỗ trợ khách hàng tại sảnh công cộng được chia cho các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh, theo Thanh tra Bộ GTVT, là không đúng mục đích sử dụng.
Trong bối cảnh diện tích các nhà ga là hữu hạn, đều thuộc dạng “tấc đất, tất vàng”, thì việc ACV “lỏng tay” quản lý như trên, không những làm mất một khoản doanh thu đáng kể, mà còn lấn chiếm diện tích tiện ích chung, làm giảm chất lượng dịch vụ.
Lờ việc đấu thầu
“Hạt sạn” lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của hành khách tại các sân bay do ACV quản lý, nằm ở khâu quản lý dịch vụ phi hàng không.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, các cảng hàng không chưa thực hiện đầy đủ, thống nhất quy định về lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh, chống độc quyền.
Trên thực tế, các cảng hàng không đã có nhiều cách khác nhau để lách luật trong việc lựa chọn đơn vị cho thuê mặt bằng và nhượng quyền khai thác kinh doanh dịch vụ phi hàng không. Bên cạnh đó, ACV cũng chưa kịp thời triển khai thực hiện công tác lựa chọn đơn vị để cho thuê mặt bằng, cung cấp dịch vụ phi hàng theo lộ trình được Bộ GTVT quy định đến các cảng hàng không. Hậu quả là, mỗi cảng hàng không tổ chức lựa chọn đơn vị thuê mặt bằng, cung ứng dịch vụ phi hàng không theo một cách khác nhau dù có cùng “một mẹ” là ACV.
Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, việc ACV khi cho phép các cảng hàng không ký hợp đồng ký với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi theo hình nhượng quyền kinh doanh vận tải taxi là chưa phù hợp với quy định.
Tại thời điểm thanh tra, Bộ GTVT phát hiện, Cảng hàng không Nội Bài không kịp thời thu hồi diện tích cho Công ty NASCO thuê tại Nhà ga hành khách T2 từ năm 2015 đến nay chưa khai thác, sử dụng; Cảng hàng không Cam Ranh chưa yêu cầu một số đơn vị tuân thủ các điều kiện của pháp luật khi kinh doanh thu đổi ngoại tệ.
Trước đó, kết quả thanh tra, kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam tiến hành năm 2016 cho thấy, vẫn còn có đơn vị kinh doanh dịch vụ tại 5 sân bay vi phạm các quy định. Trong đó nổi lên là vi phạm về chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo quy định về tem, nhãn hàng hoá; niêm yết tỷ giá đồng tiền tại các quầy kinh doanh thu đổi ngoại tệ; bố trí mặt bằng; chất lượng cung cấp dịch vụ…
Mặc dù làm ăn lãi lớn, nhưng ACV chưa đầu tư mạnh cho thiết bị phục vụ hành khách. Tại Cảng hàng không Côn Đảo, ACV chỉ duy trì 1 máy soi an ninh hành lý xách tay. Nếu thiết bị trên gặp sự cố không vận hành được, thì cảng này sẽ gặp khó khăn, phải sử dụng biện pháp kiểm tra an ninh thủ công hoặc phải đưa sang soi qua máy soi hành lý ký gửi.
Cần phải nói thêm rằng, năm 2016, ACV đạt tổng doanh thu 14.504 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 13.394 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 4.075 tỷ đồng.
Được biết, cùng với việc chỉ đạo các cảng hàng không khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế theo kết luận thanh tra, Bộ GTVT yêu cầu ACV tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ mặt bằng trong, ngoài nhà ga hành khách tại các cảng hàng không, trường hợp sử dụng mặt bằng chưa phù hợp với quy hoạch, tài liệu khai thác được phê duyệt phải chấm dứt ngay, không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách.
ACV cũng được yêu cầu phải thực hiện đấu thầu lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phi hàng không (bao gồm cả dịch vụ taxi) tại các sân bay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước. “Tổng công ty cũng phải báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, quyết định về việc đã thu nhượng quyền kinh doanh phi hàng không trong khi chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn