Bamboo Airways dự kiến cung cấp cho thị trường hàng không 200-300 phi công mỗi năm
(Chinhphu.vn) – Ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways cho biết dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ đào tạo 3.500 học viên/năm.
Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Quy Nhơn (Bình Định) chính thức được khởi công xây dựng. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Chiều 28/7, Tập đoàn FLC tổ chức khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Quy Nhơn (Bình Định).
Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có quy mô 10 hecta, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển. Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện này sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung trong các chuyên môn nghiệp vụ ngành như: phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất, điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…
Trong khuôn khổ lễ khởi công, Bamboo Airways đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển đào tạo hàng không với Học viện Hàng không New Zealand (New Zealand Aviation Academy) - một trong những học viện uy tín hàng đầu châu Úc có ngành vận tải du lịch hàng không rất phát triển để đào tạo phi công theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bamboo Airways cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển đào tạo hàng không với trường Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho sinh viên Trường Đại học Quốc gia tiếp cận cơ hội việc làm của Bamboo Airways cũng như tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai bên.
Ngoài ra, Viện đào tạo sẽ liên kết với Trường Đại học FLC để thực hiện đào tạo các chuyên ngành như quản trị vận tải, vận hành hàng không quốc tế, quản trị cảng hàng không và hoạt động bay, quản trị marketing và quảng cáo hàng không… liên kết với các hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới như Boeing, Airbus,… để đào tạo nhân sự trong ngành hàng không.
Đại diện Bamboo Airways khẳng định, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways được xây dựng đồng bộ, hiện đại theo định hướng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Quy hoạch dự án bao gồm khu giảng đường, khu hành chính, nhà xưởng thực hành, thư viện, ký túc xá sinh viên và các công trình phụ trợ. Trường có mật độ xây dựng thấp, sử dụng nhiều diện tích cho cảnh quan, sân vườn tạo không gian xanh mát trong Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội.
Đặc biệt, tất cả thiết kế cảnh quan, nội thất của trường đều đảm bảo lấy người học làm trung tâm. Khu giảng đường với quy mô lên đến 2 hecta với các phòng học 30 - 150 chỗ ngồi được thiết kế linh hoạt, tương tác cao; áp dụng công nghệ hiện đại để phục vụ kỹ thuật giảng dạy.
Viện đào tạo chú trọng đầu tư vào các hệ thống E-learning, thư viện điện tử, trung tâm thực hành lái máy bay, phòng công nghệ, bảo tàng khoa học kỹ thuật … đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Thư viện Hàng không Bamboo Airways là một công trình trọng điểm của Viện đào tạo với thiết kế 3 tầng hiện đại, có khả năng chứa được lượng tài liệu học tập và nghiên cứu lớn. Đây cũng là nơi áp dụng những công nghệ mới nhất trong khoa học thư viện và quản lý thông tin học liệu nhằm hướng tới việc sử dụng hiệu quả nguồn thông tin phục vụ cho việc học tập.
Khu vực ký túc xá, nhà ăn sinh viên, khu dịch vụ sinh viên quy mô 37.000 m2 được xây dựng tiện nghi, hiện đại nhằm đảm bảo không gian dành cho sinh viên thư giãn, nghỉ ngơi, sinh hoạt sau giờ học.
Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Bình Định là cơ sở quy mô lớn đầu tiên được triển khai trong chuỗi các cơ sở đào tạo mà Bamboo Airways đang lên kế hoạch, dự kiến sẽ đặt tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Vĩnh Phúc.
“Bamboo Airways kỳ vọng sau khi đưa vào hoạt động, Viện đào tạo này sẽ trở thành trung tâm đào tạo về nhân sự ngành hàng không dẫn đầu Việt Nam, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhân sự ngành, tham gia phát triển các nguồn lực quốc gia, giảm lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của ngành hàng không Việt Nam” ông Đặng Tất Thắng cho biết.
Trao đổi với báo chí về việc “tăng tỉ lệ nội địa hoá nhân sự ngành”, ông Đặng Tất Thắng cho biết: “Tuỳ thuộc vào hạ tầng của sân bay Phù Cát, máy bay huấn luyện và SIM, chúng tôi kỳ vọng từ 2021 trở đi mỗi năm sẽ đào tạo được 200 – 300 phi công. Việc tuyển sinh dự kiến sẽ bắt đầu ngay trong thời gian tới”.
http://baochinhphu.vn
Ý kiến của bạn