Sau những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp làn thứ nhất, thứ 2 và thứ 3, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây. Đó là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh với các thành tựu của trí tuệ nhân tạo với máy móc tự động như ô tô tự lái, in ấn 3D, kết nối vạn vật, công nghệ sinh học và công nghệ nano,… trên nền rảng là các đột phá của công nghệ số.
Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế, các ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người. Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang coi đó là ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới trải dài từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục,…
Câu hỏi đặt ra cho những người đứng đầu doanh nghiệp là bạn sẽ phải làm gì để có thể ứng dụng những thành tựu công nghệ đó cho doanh nghiệp, đồng thời, giải quyết đúng đắn bài toán nhân sự, bài toán phát triển.
Tại hội thảo: “Cách mạng 4.0 và Chiến lược mở đường tăng trưởng cho doanh nghiệp Việt Nam” do tổ chức Giáo dục PTI, Cộng đồng Doanh nhân PTI cùng các đối tác và đơn vị bảo trợ phối hợp tổ chức, Ông Đỗ Cao Bảo - Phó Tổng giám đốc FPT cho biết: "Hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn bị động với các xu thế mới, họ không hiểu bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghêm hệ thống hạ tầng, quy trình không sẵn sàng, không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng được xu thế công nghệ."
"Để các doanh nghiệp có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải bắt đầu ngay từ hạn tầng đến các ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, cần quy trình hóa, số hóa được các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn từ đó mới áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn của internet vạn vật, đám mây, robot."
Ông Nguyễn Trung – Công ty CP Sao Việt Nam chia sẻ: "CMCN 4.0 là thách thức lớn với DN nhưng trong thách thức sẽ có cơ hội, nhưng quan trọng người đứng đầu DN phải có định hướng, có cảm nhận về DN, thế mạnh của DN thì câu chuyện phát triển không phải là khó khăn. Và để tạo giá trị cần định hướng công ty về chiến lược, công nghệ, đào tạo, tái cấu trúc DN, nhân sự con người."
DN Việt ứng phó ra sao?
Từ trái sang: Ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Đào Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Vihajico; ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT; ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó TGĐ, GĐ Học vụ Tổ chức PTI
Ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng CMCN 4.0 cũng có những thách thức lớn về bất bình đẳng xã hội, vấn đề việc làm, căng thẳng xã hội,...Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Các Doanh nghiệp sáng tạo áp dụng nền tảng công nghệ số có thể đánh bại những doanh nghiệp danh tiếng.
"Là DN phải có ước vọng, phải có giá trị lớn hơn đồng tiền, là cống hiến cho đất nước, cho nhân loại như các tập đoàn lớn như Mcrosoft, Facebook,… Không thể kinh doanh trên sự chộp giật hay làm hại môi trường.", ông Dũng nhấn mạnh.
GS. TS. Đinh Văn Nhã thì cho rằng cho rằng, thực sự cách mạng 4.0 đã đi đến từng nhà, từng người, từng DN nên chúng ta không thể chần chừ được nữa. Thậm chí có những cái hôm nay đúng ngày mai sai, bởi vạn vật chuyển động rất nhanh, rất linh hoạt.
“Chúng ta đang nhìn cách mạng 4.0 bằng nhiều góc nhìn khác nhau nhưng không nên quá sợ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này. Vì nếu như nghe để biết, để hiểu về nó mà lại sợ nó thì chúng ta thất bại hoàn toàn”.
Từ đó, ông Nhã gợi ý về vấn đề công nông nghiệp sạch, công nghệ cao thì thế giới không thể cạnh tranh với nước ta một cách quyết liệt được, chúng ta nên đi từ đó. "Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên hướng về du lịch, than sạch và công nghệ sẽ được thay thế những chất đốt mà khoảng 20-30 năm nữa sẽ cạn kiệt. Đó là lý do mà không phải ngẫu nhiên chiến tranh biển Đông hay Trung Đông xảy ra liên miên", vị GS. TS. này giải thích.
"DN nên tìm chiến lược ngách để đi trên vai những người khổng lồ, nhìn và kết nối mọi nguồn lực mà mình có và có kế hoạch hành động, thực hiện thế mạnh. Muốn thành công thì phải có tầm nhìn, đào tạo, khuyến khích, nguồn lực, kế hoạch hành động." TS Nhã cho biết.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Vihajico cho rằng, doanh nghiệp phải có tầm nhìn, công việc và hướng tới tương lai của DN theo hướng riêng của mình.
“Không có sự chắp vá nào thành công cả, phải có đầu óc tò mò một chút, nếu cứ nghe cách mạng công nghiệp 4.0 rồi sợ robot nên không muốn đầu tư phát triển gì là không được. Đây là thách thức nhưng cũng là điều tạo nên sự sáng tạo”, ông nói.
Do đó, doanh nghiệp Việt chúng ta nên tiếp cận với công nghệ mới, tập trung vào những tinh hoa, những người có kinh nghiệm để dẫn dắt doanh nghiệp.
Ông Thanh cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt nên tìm chiến lược ngách, không đi theo những cái thế giới đã đi qua vì chúng ta đã bị bỏ quá xa.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, dù là cách mạng công nghiệp lần thứ mấy thì cũng không có cách nào khác để phát triển DN ngoài tăng trưởng.
Chính vì vậy, trước cuộc CM công nghiệp 4.0, DN nếu chưa có khả năng tạo được công nghệ hiện đại, quy mô trong sản xuất thì phải áp dụng tốt công nghệ quản lý để tinh giảm. DN nhỏ ngày càng có nhiều cơ hội, nhỏ thông minh, hữu ích, nhỏ mà nhanh thì sẽ không còn cảnh "cá lớn nuốt cá bé" như trước đây nữa.
"Bên cạnh đó, đã là người lãnh đạo DN cũng cần nhớ đó là: Sức khỏe; gia đình tốt; tầm nhìn tốt: hướng tương lai trong nền tảng chung của xã hội; tò mò: tìm hiểu câu chuyện và tiền đề tạo ra sự sáng tạo; đồng đội: sử dụng cán bộ, con ng là điều cốt lõi dựa trên luật chơi là sự thỏa thuận và cống hiến.", ông Thanh kết luận.
Về vấn đề tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT cho rằng, đầu tiên DN phải có triết lý kinh doanh, quản trị một cách đúng đắn và nhất quán.
Bên cạnh đó, ngoài việc phát triển không giới hạn ở trong nước thì phải có khát vọng toàn cầu hóa, ra nước ngoài kiếm ngoại tệ, làm giàu cho công ty, cho đất nước.
“DN chúng ta chỉ được tôn trọng khi đất nước chúng ta thực sự giàu. Đi cùng với đó, phải giữ được giá trị bất biến là đạo đức, khả năng ứng xử, đối nhân xử thế, trung thực, trung tín, yêu thương và nhân từ”, ông Bảo nói.
Ông Triệu Văn Dương, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục PTI
Còn theo ông Triệu Văn Dương, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục PTI: Khái niệm M&A đã rất phổ biến trên thế giới hàng trăm năm nay. Tại Việt Nam, khoảng 10 năm trở lại đây, rất nhiều DN thay vì mở rộng kinh doanh thì đầu tư vào 1 DN tiềm năng nào đó đang có sẵn thị phần mà không cần phải nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên M&A không phải xu hướng cũng không phải giải pháp thay vì M&A chúng ta nên chọn đối tác là partner. Thay vì bỏ tiền ra để sở hữu, chúng ta mua lại 1 phần hoặc khách hàng hoặc đối tác chiến lược ở một mảng nào đó.
Với cuộc CM khoa học 4.0 DN nhỏ và siêu nhỏ là lợi thế, DN vừa và chuẩn bị lớn gặp khó khăn và DN lớn thì cực kì khó khăn bởi các DN nhỏ dễ thay đổi hơn, linh hoạt hơn, dễ chọn đối tác hơn, dễ chuyển hướng hơn.
"DN nhỏ và siêu nhỏ nên tinh gọn lại trong sản xuất, sử dụng công nghệ dễ nhất, giảm chi phí về nhân sự, bến bãi, cảng biển và chọn đối tác hợp tác một khâu, một mảng nào đó.", ông Dương chia sẻ.
Ý kiến của bạn