Theo ông Hiếu, nền kinh tế không thể tăng trưởng bền vững nếu từng doanh nghiệp gặp hạn chế trong khả năng cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng.
- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp vẫn đang là một vấn đề thời sự. Doanh nghiệp có nên “sốt ruột” về vấn đề này không, thưa ông?
Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp ở nước ta được đánh giá là thấp, khi so sánh với doanh nghiệp các nước xung quanh. Điều này thể hiện qua một số kết quả điều tra gần đây. Chẳng hạn, xét về khía cạnh quản trị doanh nghiệp, theo báo cáo thẻ điểm Quản trị công ty Asean, thì quản trị doanh nghiệp Việt Nam luôn được xếp ở mức thấp nhất và có khoảng cách xa so với các nước xung quanh, bao gồm Thái Lan, Phillipines, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Báo cáo năm 2015, mức độ quản trị công ty nước ta đạt 36,75/100 điểm; thấp hơn nhiều so với nước nước ngay trên là Indonesia, đạt 62,68/100 điểm và nước cao nhất là Thái lan 87,53/100 điểm. Báo cáo điều tra doanh nghiệp của Ngân hàng thế giới, chỉ số sáng tạo ra sản phẩm mới của nước ta thấp nhất so với 6 nước Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Lợi thế nhân công giá rẻ không còn nữa.
Rõ ràng năng lực cạnh tranh thấp là một bất lợi cho doanh nghiệp khi tham gia vào công cuộc cạnh tranh thế giới cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thậm chí, năng lực cạnh tranh thấp còn làm thui chột ngay cả chính doanh nghiệp. Một số khủng khoảng doanh nghiệp gần đây trong lĩnh vực cà phê, tín dụng,… cũng có nguyên nhân từ quản trị doanh nghiệp yếu kém.
- Bản thân doanh nghiệp cũng nhận ra điều này, nhưng tại sao việc nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn gần như “dẫm chân tại chỗ”, thưa ông?
Có hai nguyên nhân cơ bản của sự trì trệ cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trước tiên là chất lượng môi trường kinh doanh, mặc dù có những cải thiện trong thời gian gần đây nhưng vẫn đang tạo ra tác động làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Những quy định bất hợp lý và kém chất lượng đã làm gia tăng chi phí kinh doanh, tăng rủi ro và giảm sáng tạo của doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, cạnh tranh là trái tim của nền kinh tế, tạo động lực cho doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh và kinh doanh bằng trí tuệ, tài năng. Tuy nhiên, chính sách cạnh tranh kém đã không thúc đẩy và duy trì được cạnh tranh lành mạnh, không kiểm soát hiệu quả độc quyền và lũng đoạn. Do đó, làm giảm động lực phát triển của doanh nghiệp và không khuyến khích doanh nghiệp phát triển bằng nâng cao năng lực cạnh tranh, mà là tạo thói quen kinh doanh bằng quan hệ.
Nhận thức thì có, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa có nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng trong đổi mới, sáng tạo và quản trị tốt, chưa ý thức xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Nhiều công ty lớn vẫn quản trị theo thói quen, tập quán, gia đình và kém minh bạch.
- Theo xếp hạng môi trường cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới (WB), thứ hạng của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90. Ông đánh giá thế nào về sự tăng bậc này?
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 cũng tăng 5 bậc cho Việt Nam so với năm ngoái, xếp thứ 55/137 quốc gia. Đây là những cải thiện đáng kể. Điều này cũng phần nào phù hợp với Báo cáo kinh doanh 2018 vừa công bố, theo đó môi trường kinh doanh nước ta tăng 14 hạng, xếp hạng 68/189 quốc gia.
Tuy nhiên, nhìn chi tiết vào các chỉ số cụ thể thì vẫn còn nhiều vấn đề cấp thiết cần phải cải thiện. Ví dụ, quyền tài sản xếp hạng 90/137; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ xếp hạng 99/137; chính sách kiểm soát độc quyền xếp 94/137; khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp xếp hạng 93/137, sẵn có của công nghệ mới nhất xếp hạng 112/137; số lượng và chất lượng của nhà cung cấp là doanh nghiệp trong nước xếp hạng 105/137 và 116/137.
Thứ hạng và điểm số của Việt Nam theo Báo cáo năng lực cạnh tranh được công bố trong giai đoạn 2012-2017
Tóm lại, mặc dù có sự cải thiện về môi trường kinh doanh và môi trường cạnh tranh nói chung, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề còn rất yếu. Đặc biệt, nhiều vấn đề mang tính trọng yếu như nâng cao năng lực cạnh tranh, công nghệ, quản trị doanh nghiệp…
- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ảnh hưởng năng lực cạnh tranh quốc gia. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để làm sáng lên “bức tranh” cạnh tranh của Việt Nam?
Xét từ phía Chính phủ, cần tiếp tục duy trì được quyết tâm cải cách và phải thực hiện được đầy đủ và nhất quán mục tiêu và giải pháp cải cách đã đề ra trong 2 năm gần đây. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện những cải cách mới, đặc biệt là chính sách cạnh tranh tốt và thực thi hiệu quả; nâng cao bảo vệ quyền tài sản và giảm rủi ro cho doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị tốt; đẩy mạnh xây dựng và phát triển thị trường; bãi bỏ quy định can thiệp vào thị trường, làm méo mó thị trường.
Đối với doanh nghiệp, cần nhận thức sâu sắc rằng năng lực cạnh tranh tốt quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Phải thay đổi và từ bỏ việc kinh doanh bằng thói quen, luộm thuộm và thiếu chiến lược dài hạn; chú trọng đến quản trị doanh nghiệp, tạo dựng thói quen kinh doanh chuyên nghiệp và xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
- Từ 1 số vụ việc rộ lên trong thời gian gần đây như vụ Khaisilk, liệu tính minh bạch trong cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam có bị đánh giá thấp đi? Doanh nghiệp Việt cần làm gì để vực dậy niềm tin, thưa ông?
Có lẽ đây nên coi là một bài học sâu sắc cho nhiều doanh nghiệp nói chung. Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, sáng tạo,.. thì trung thực, giữ chữ tín trong kinh doanh và thiết lập khung khổ quản trị tốt, hiện đại là yếu tố quan trọng.
- Xin cảm ơn ông.
Ý kiến của bạn