Chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp tạo động lực cho chị em phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
30/09/2022 Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị sơ kết Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938) và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) sáng 30/9, đã diễn ra Tọa đàm “Phụ nữ khởi nghiệp: Cơ hội và thách thức” nhằm tiếp tục thảo luận, nghiên cứu các giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả của Đề án 939.
Để đánh giá sâu hơn về các kết quả cũng như những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân chủ quan, khách quan trong 5 năm thực hiện Đề án 939, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phụ nữ khởi nghiệp: Cơ hội và Thách thức” với 2 phiên thảo luận nhằm tiếp tục thảo luận, nghiên cứu các giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả của Đề án 939.
“Trong khuôn khổ của tọa đàm, nhóm nghiên cứu độc lập thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện đề án 939 giai đoạn 2017 - 2021, có các minh chứng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thành công, các tổ chức Hội làm tốt vai trò hỗ trợ kết nối khởi nghiệp và có thảo luận mở về cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để Đề án thực sự tạo động lực, tinh thần cho chị em phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, kết nối giữa những tổ chức, cá nhân cùng chung mục tiêu hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu mở đầu tọa đàm.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu mở đầu tọa đàm
Cơ hội, thách thức và bài học thành công
Bà Trần Thị Như Hoa, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh may mặc (tỉnh Nghệ An) chia sẻ, nhờ Hội LHPN các cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đã giúp cơ sở của chị vượt qua và đứng vững trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đảm bảo công ăn việc làm và tiền lương cho chính chị và người lao động là chị em khuyết tật. Hơn nữa, chị cũng bày tỏ lòng biết ơn vì những hỗ trợ, động viên vô cùng to lớn của Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã giúp chị nâng cao năng lực về khởi nghiệp, kết nối mạng lưới và hướng dẫn chị thành lập Hợp tác xã Sen Vàng, để chị tự tin theo đuổi ước mơ trên con đường xây dựng một doanh nghiệp tạo tác động xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng người khuyết tật và môi trường mình đang sống.
Đối với Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Ngô Thị Hồng Hảo cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất chủ trương và được Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để Hội phối hợp với UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Theo đó, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã được cấp nguồn kinh phí ổn định là 1,2 tỷ đồng để triển khai thực hiện các hoạt động.
Đại diện Hội LHPN TP. Hà Nội chia sẻ cách thức triển khai hoạt động của Hội hỗ trợ chị em phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương
Thực sự quan tâm đến những vấn đề thiết thân của phụ nữ, tăng quyền năng kinh tế cho chị em, Hội LHPN TP. Hà Nội đã xác định mục tiêu rõ ràng, các hoạt động cụ thể hỗ trợ chị em, tập trung cụ thể hóa từ đề án của TW Hội phù hợp với đặc thù của thành phố Hà Nội. Phối hợp, làm rõ vai trò của các sở, ngành chức năng liên quan để tạo ra cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động của Hội. Khi triển khai, Hội đã có hướng dẫn cụ thể từng địa bàn để có lộ trình rõ ràng và đã hỗ trợ được 2.560 chị em phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp.
Cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chia sẻ tại phiên thảo luận, TS. Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Doanh nhân Apec đánh giá cao việc thực hiện triển khai đề án 939 của Hội LHPN Việt Nam. Ông nhận định, trong tất cả các lĩnh vực nghề, tổ chức Hội phụ nữ đã triển khai bài bản nhất từ cấp TW đến cơ sở và cho rằng sự thắng lợi trong triển khai đề án 939 của Hội so với các lĩnh vực khởi nghiệp khác là vô cùng thiết thực, phù hợp với thực tiễn. “Việt Nam chưa có trường dạy làm doanh nghiệp nhưng đề án 939 được đánh giá như một trường đào tạo doanh nghiệp cho phụ nữ”, theo đánh giá của TS. Trần Duy Khanh.
Phiên 2 của tọa đàm là sự chia sẻ về cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các khách mời
Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra một số đề xuất về những vướng mắc trong chính sách cần khắc phục như: cần chú trọng nguồn nhân lực, tài chính để có thể áp dụng công nghệ, thiết bị trong quá trình triển khai thực hiện ý tưởng khởi nghiệp; cần có ngân sách, chính sách tín dụng riêng cho phụ nữ khởi nghiệp để nhân rộng các sản phẩm đạt chất lượng cao của các doanh nghiệp, HTX... do chị em phụ nữ làm chủ, bắt đầu khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, TS. Trần Duy Khanh cũng mong muốn Hội LHPN các cấp tiếp tục là những “bà đỡ” cho các chị em có mong muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bà Phạm Hoài Giang, chuyên gia của Hội đồng Doanh nhân nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ, để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế cần có sự tham gia của các chuyên gia, xây dựng mạng lưới các chuyên gia để có sự hợp tác rộng rãi và cung cấp nguồn lực tài nguyên có sẵn hỗ trợ chị em tiếp cận bộ công cụ, các kỹ năng khi mới bắt đầu khởi nghiệp. Đặc biệt là các khóa đào tạo liên quan đến kỹ năng, kiến thức để thương mại hóa và triển khai hoạt động kinh doanh một cách có hiệu quả.
Ý kiến của bạn