Katelyn Gleason - nhà sáng lập của Eligible
Tuy nhiên, hiện tại, Gleason đã là nhà sáng lập, CEO của Eligible – công ty tận dụng các APIs (tạm dịch: giao diện lập trình ứng dụng) để liên kết các hệ thống chăm sóc sức khỏe với việc thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân.
Eligible đã giúp hàng chục triệu bệnh nhân nắm được thông tin chi tiết về bảo hiểm cá nhân của mình và biết được cụ thể chi phí mà họ sẽ phải trả cho các dịch vụ y tế, phòng khám... là bao nhiêu.
Và dĩ nhiên, hành trình dẫn đến thành công này của Eligible không hề bằng phẳng. Katelyn Gleason đã phạm phải nhiều sai lầm, nếm trải nhiều thất bại và phải học hỏi từ đó để tiếp tục tiến lên phía trước. Dưới đây là 4 sai lầm và cũng là 4 bài học quan trọng nhất mà Katelyn Gleason đã tiếp thu được trên hành trình đầy gian nan đó:
1. Nghĩ rằng mình cần phải có một kế hoạch xuất chúng để giới thiệu sản phẩm/dịch vụ
Ngay trước khi khởi động Eligible, Gleason đã chuyển đến một căn hộ nhỏ để ở và nghiên cứu trong vòng 9 tháng về mọi thứ cần thiết trên kênh trực tuyến hoặc trong thư viện để tìm ra cách tốt nhất nhằm xây dựng nên một POC (Proof of concept - tài liệu để làm chứng cứ cho một sản phẩm hay dịch vụ tiềm năng có khả năng thành công).
Nghĩa là, Gleason phải tìm ra những giải pháp để tự động hóa các thông tin điều kiện bảo hiểm, giúp giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác so với các giải pháp đã có. Và hóa ra, việc tìm tòi nghiên cứu, các ý tưởng và kỹ năng tự học của Gleason đã đủ để hoàn thành quá trình này mà không cần phải tổ chức đến những buổi họp hội đồng hoành tráng.
Sau giai đoạn nghiên cứu đó, Katelyn Gleason chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng. “Cuối cùng, thứ tôi đưa ra là một ứng dụng "siêu đơn giản" trên iPhone, giúp một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể kiểm tra điều kiện bảo hiểm của bệnh nhân, và thực hiện mọi thao tác trong thời gian thực.
Là bệnh nhân, bạn cũng có thể truy cập vào thông tin bảo hiểm của mình, sau đó, ứng dụng sẽ đưa ra phản hồi về các khoản tiền bạn phải bỏ ra để chia sẻ với hãng bảo hiểm về chi phí của dịch vụ y tế, đối với từng nhà cung cấp bảo hiểm cụ thể, chẳng hạn như mức co-pay (khoản tiền cố định phải trả cho dịch vụ y tế hoặc thuốc men mỗi lần sử dụng dịch vụ), deductible (mức tiền phải tự đáp ứng trước khi hãng bảo hiểm can thiệp, tính theo từng năm), coinsurance (chi phí “đồng bảo hiểm”, tính theo tỷ lệ phần trăm, thường là 80/20, 70/30 hoặc 60/40)…”, Gleason nói.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà đầu tư đầu tiên là Harj Taggar, khi Taggar tình cờ nói rằng ông vừa bất ngờ nhận được một hóa đơn khấu trừ từ bệnh viện mà ông sử dụng dịch vụ cách đó vài tuần, ngay lập tức Gleason đã “trình diễn” thành công ứng dụng của mình. Bằng cách kiểm tra điều kiện bảo hiểm của Taggar, Gleason đã cho ông biết chính xác những nghĩa vụ của ông đối với những giao dịch y tế tương tự trong tương lai.
“Chỉ với một chiếc điện thoại trong tay, tôi đã chứng minh được mình đã xây dựng nên một thứ có giá trị và giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại trong thế giới thực", Gleason tự hào.
Đây là một bằng chứng thực tế cho thấy, không phải lúc nào startup cũng cần phải có một kế hoạch quá phức tạp. Đôi khi chỉ cần một thư viện, một laptop và sự lao động chăm chỉ là đủ.
2. Nghĩ rằng cần phải có một nhà đồng sáng lập chuyên về công nghệ
Katelyn Gleason là nhà sáng lập duy nhất của Eligible. Tuy nhiên, đó không phải là kế hoạch ban đầu.
Sau khi gặp gỡ nhà đầu tư, Gleason đã cố gắng tuyển dụng thêm 2 kỹ sư cộng sự, vì nghĩ rằng mình không thể một mình làm được mọi thứ vì không có chuyên môn kỹ thuật.
Thực tế là, kế hoạch đó đã thất bại. Cả 2 kỹ sư được tuyển dụng để trở thành những nhà đồng sáng lập đều không thể gắn bó lâu dài. Một tháng trước Demo Day (sự kiện giới thiệu sản phẩm), Gleason cảm thấy suy sụp vì sẽ phải một mình làm tất cả mọi thứ, thậm chí còn nghĩ sẽ không tham gia sự kiện. Nhưng sau khi nhận được lời khuyên và sự cổ vũ của một người bạn là nhà đầu tư mạo hiểm Paul Graham, nhà sáng lập Eligible quyết tâm tiếp tục hành trình.
Gleason thuê ngoài những dịch vụ cần thiết và một thân một mình đến Demo Day – sự kiện giúp startup Eligible huy động được số vốn 1,6 triệu USD. Đó là thời điểm cách đây 5 năm.
3. Đánh giá thấp những kỹ năng phi kỹ thuật
Katelyn Gleason không phải là một chuyên gia về code, nhưng cuối cùng, chính những kỹ năng phi kỹ thuật đã giúp Gleason vượt qua nhiều thử thách. “Tôi tin rằng sự kiên cường và quyết tâm là các đặc tính quan trọng nhất ở những người thành công, bất kể họ làm trong lĩnh vực gì. Tôi đã dồn hết tâm sức để biến tầm nhìn và công ty của mình thành hiện thực. Hành trình này nhiều lúc rất cô đơn và đáng sợ, nhưng niềm tin vào bản thân đã cho tôi thấy được thành quả ngày hôm nay”, CEO Eligible khẳng định.
Bên cạnh đó, Gleason còn rất xem trọng khả năng đồng cảm. “Tôi xây dựng Eligible để giải quyết vấn đề cho khách hàng và các đối tác. Tôi tìm hiểu những điều họ cần bằng cách lắng nghe họ, học hỏi về họ và về doanh nghiệp của họ. Tôi luôn được truyền cảm hứng để cố gắng giúp đỡ mọi người. Tôi được bảo rằng mình giỏi bán hàng, nhưng tôi tin rằng những gì tôi làm là chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi quan tâm đến việc giúp đỡ họ. Và với Eligible, tôi có thể và tôi sẽ giúp họ, không chỉ là khách hàng, mà còn các nhà cung cấp, nhà đầu tư, nhân viên của tôi nữa”, Gleason chia sẻ.
4. Đánh giá thấp tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng ngôn ngữ kỹ thuật với các kỹ sư
Truyền thông, giao tiếp là yếu tố quan trọng giúp một đội ngũ, một công ty phát triển. Nghĩa là dù không có các kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ, nhà sáng lập vẫn nên hiểu và sử dụng hiệu quả các thuật ngữ giúp cho các kỹ sư có thể hiểu được.
Gleason thừa nhận rằng phải mất một thời gian dài để nhận ra điều đó: “Tôi nghĩ rằng tôi chỉ cần nói những điều mình muốn đạt được, bằng ngôn ngữ phi chuyên môn, và đội ngũ của tôi sẽ nắm bắt hoàn toàn những ý tưởng đó và biến nó thành hiện thực”.
Dĩ nhiên sau đó, cách làm này đã được chứng minh là không hiệu quả. Cả 2 bên gần như có những mục tiêu trái ngược nhau, trong khi trên thực tế, họ thực sự muốn cùng một kết quả.
Cuối cùng, Gleason nhận ra: “một tầm nhìn cần phải được truyền đạt chính xác, trước khi nó biến thành một nhiệm vụ, và sự giao tiếp hiệu quả không được đo bằng những điều chúng ta nói, mà bởi mức độ chính xác khi thông điệp được tiếp nhận”.
“Khi tôi nhận ra mình đang phải quản lý vi mô để đảm bảo rằng tầm nhìn đã đặt ra đang được mọi người bám sát, tôi biết rằng cả vấn đề và giải pháp đều nằm ở mình”, Gleason thừa nhận.
Khi đó, Gleason đã chủ động sửa chữa sai lầm bằng cách đầu tư thời gian để tìm hiểu và học hỏi vốn từ vựng chuyên môn của các nhân viên kỹ thuật. Cách làm này đã giúp nữ CEO trẻ và đội ngũ kỹ sư Eligible tin tưởng và gắn kết với nhau hơn, vì họ biết rằng họ đang làm việc cho cùng một mục tiêu và có những ưu tiên giống nhau.
“Chúng tôi đã gặt hái được những thành quả vượt xa mọi tưởng tượng ban đầu. Từng là một vấn đề rắc rối, bây giờ, nó đã trở thành một phần thưởng”, Katelyn Gleason nói.
Ý kiến của bạn