ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỮA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP TOÀN CẦU
(Phát biểu nhân ngày truyền thống doanh nhân GBN Việt Nam do Viện Doanh nhân APEC tổ chức ngày 15 tháng 01 năm 2017 tại Bảo tàng Hà Nội)
TS. Trần Duy Khanh
Viện trường Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC
1. Thế kỷ 21, nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và nền kinh tế tri thức
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất năm 1784 sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 năm 1870 sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 năm 1969 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất.
Bắt đầu vào đầu thế kỉ 21, tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 này đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Khả năng hàng triệu người kết nối với nhau qua điện thoại di động, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có tiền lệ, là không giới hạn. Thậm chí, những khả năng đó còn được nhân lên gấp bội nhờ vào những đột phá về công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng Internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử.
Trí thông minh nhân tạo đã luôn tồn tại quanh chúng ta, từ những chiếc xe hơi và thiết bị bay không người lái cho tới những trợ lý ảo trên mạng và phần mềm giúp biên dịch tài liệu. Trong những năm qua, đã có nhiều bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, nhờ sự gia tăng ở cấp số nhân của sức mạnh điện tử và sự tiếp cận nguồn dữ liệu rộng lớn, từ phần mềm được sử dụng để tìm ra các loại thuốc mới tới những thuật toán được sử dụng để tiên đoán về những sở thích văn hóa của con người. Trong khi đó, công nghệ chế tạo số đang từng ngày tương tác với thế giới sinh học. Các kỹ sư, nhà thiết kế và kiến trúc sư đang kết hợp việc thiết kế qua máy tính với gia công thêm, chế tạo vật liệu và sinh học tổng hợp để khám phá ra sự cộng sinh giữa các vi sinh, cơ thể con người, các sản phẩm chúng ta tiêu thụ và thậm chí là những tòa nhà chúng ta đang ở.
Giống như các cuộc cách mạng trước đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4 hứa hẹn sẽ giúp gia tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Hiện nay, những người được hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận và sử dụng thế giới số. Công nghệ đã giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tăng hiệu quả và thỏa mãn cuộc sống cá nhân của mỗi con người. Gọi xe taxi, đặt vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hay chơi trò chơi… tất cả đều có thể được thực hiện từ xa.
Trong tương lai, sáng tạo công nghệ cũng sẽ đổi thay kỳ diệu lĩnh vực cung cấp, với những lợi ích lâu dài về tính hiệu quả và năng suất. Chi phí vận chuyển và liên lạc giảm, dây chuyền hậu cần và cung cấp toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại được giảm thiểu. Tất cả những yếu tố đó sẽ mở ra những thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
2. Việt Nam hội nhập, cơ hội và thách thức
Việt Nam đã ký kết 12 FTA (Dự kiến Việt Nam ký 15 Hiệp định thương mại với các nước) bao gồm:
- 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (gồm AFTA, 5 FTA giữa ASEAN và các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Niu Dilân)
- 4 FTA đàm phán với tư cách là một bên độc lập (gồm FTA với các đối tác: Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu)
- 2 FTA vừa ký cuối năm 2015 và đầu tháng 2 năm 2016: Gồm FTA với Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP.
- Đang tiếp tục đàm phán 3 FTA, gồm: FTA ASEAN - Hồng Công (Trung Quốc), FTA với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Cơ hội: - Giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và tiến tới là thị trường toàn cầu.
- Dỡ bỏ hàng rào thuế quan (sau khi có các FTA hầu hết là về 0%, còn lại là dưới 5%), hàng hóa của các doanh nhiệp Việt Nam có điều kiện xuất khẩu ra thị trường quốc tế. .
- Các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư quốc tế dễ....
- Các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới;
- Các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các doanh nghiệp lớn trên thế giới...
- Các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội để tranh thủ được vốn đầu tư, tri thức, công nghệ và các nguồn lực quan trọng khác của thế giới để phát triển...
Thách thức : - Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tác động của các FTA còn hạn chế...nặng tư tưởng ỷ nại, coi đó là công việc của nhà nước... và năng lực hội nhập quốc tế còn rất hạn chế...
- Năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế.
- Năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhiều nước trong khu vực;
- Khả năng giành lợi thế cạnh tranh theo qui mô kinh tế chưa cao.
- Những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp như: tỷ lệ sử dụng lao động cao, giá nhân công thấp, đang phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực; việc sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên sẽ dần mất đi …
- Đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt.
- Với các FTA mới thì các quy tắc xuất xứ hàng hóa đều theo định hướng là gia tăng giá trị tại Việt Nam trong khu vực các nước có FTA. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công hàng xuất khẩu, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra, các quy định kỹ thuật như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu Việt Nam, hàng nông sản của Việt Nam có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Những quy định này nằm trong tay các nước nhập khẩu và hoàn toàn có thể bị lạm dụng để trở thành rảo cản không cho hàng Việt Nam xâm nhập.
Khi Việt Nam ký kết tham gia các FTA có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tham gia thị trường thương mại có quy mô lớn, được hưởng nhiều ưu đãi, nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nếu không khai thác tốt, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường khu vực, mà mất thị trường trong nước bởi các doanh nghiệp, các tập đoàn xuyên quốc gia thâm nhập thị trường Việt Nam.
- Công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics chưa thể phát triển nhanh nên chí phí đầu vào và đầu ra của nền kinh tế sẽ còn cao so với một số nước trong khu vực.
- Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng quản trị quốc gia của Chính phủ, về môi trường cạnh tranh quốc gia và một số vấn đề an sinh xã hội v.v
3. Việt Nam xây dựng "Chính phủ kiến tạo", đồng hành cùng doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập – Phát triển” diễn ra tối 11/10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.
Hiện Việt Nam có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng qua có hơn 91.000 doanh nghiệp mới thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh.
“Chúng ta phải phấn đấu để đến năm 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp và không chỉ tăng lên về số lượng, mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.
Với phương châm “Doanh nghiệp và người dân được kinh doanh ngành nghề, lĩnh vực mà luật pháp không cấm” được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp 1999, đã “cởi trói” cho người dân và DN, thu hút được hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư của các tầng lớp dân cư, khơi dậy tinh thần lập nghiệp để làm giàu cho cá nhân và góp phần làm giàu cho đất nước.
Ba đồng hành và 5 hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các cấp với doanh nghiệp:
1. Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.
2. Đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
3. Đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được Thủ tướng lắng nghe thường xuyên.
Năm hỗ trợ với doanh nghiệp:
1.Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo;
2.Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động;
3.Hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội;
4. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp;
5. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Như vậy từ cuối 2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước được "cởi trói" đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mở rộng sx và phát triển...
4. Một số khuyến nghị với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập
Trước sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hóa thì chỉ có các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mới có thể trụ được. Đây chính là thời điểm thanh lọc các doanh nghiệp yếu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, hiệp định mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ. Để kịp thời nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức, doanh nghiệp Việt nam cần tăng cường sự nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của Nhà nước. Các hình thức sản xuất theo kiểu kêu gọi “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” không còn là điểm mạnh khi thuế quan được tháo dỡ, hàng hóa tự do mậu dịch giữa các nước tràn vào. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước yếu sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp trong nước không nâng cao chất lượng sản xuất thì sẽ không xâm nhập vào thị trường các nước. Các nước EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, nếu không “chuẩn hóa” thì sản phẩm của chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, dù hiệp định có mở ra cơ hội, chúng ta cũng không nắm bắt được.
Sáng tạo ra các giá trị độc lập
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn hẹp, thường lo sợ lợi thế về quy mô và sức mạnh tài chính của các doanh nghiệp lớn. Thực ra, ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng luôn tránh được cuộc cạnh tranh đối đầu về giá. Bản chất hoạt động kinh doanh là tạo ra giá trị cho cộng đồng, cụ thể là cho khách hàng. Giá trị được tạo ra càng lớn thì phần thưởng (lợi nhuận, uy tín, sự trung thành của khách hàng, nguồn lực...) mà công ty nhận được từ khách hàng càng lớn. Vì thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập trung tìm hiểu nhu cầu của xã hội, khách hàng, phải có chiến lược kinh doanh riêng, bảo đảm tạo ra những giá trị cao, độc đáo cho khách hàng.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã nổi lên trong việc tạo ra chỗ đứng riêng như bưởi Năm Roi, tranh cát, hoa đất sét... Hiệu quả này xuất phát từ việc nắm bắt những nhu cầu của khách hàng, từ đó tạo ra giá trị làm thỏa mãn những nhu cầu cụ thể của khách hàng.
Chú trọng hơn nữa đến các yếu tố dịch vụ
Các nền kinh tế lớn hiện nay đều là nền kinh tế dịch vụ. Xu thế này cũng được thể hiện rất rõ khi Việt Nam hội nhập. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế ngày càng gia tăng. Vì vậy, đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể khai thác cho tương lai lâu dài và bền vững của mình. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ biết khai thác tốt hơn nữa các dịch vụ kèm theo sẽ mang lại hiệu quả nhân đôi, nhân ba.
Do gần gũi và hiểu rõ nhu cầu cụ thể của khách hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi thế rất lớn trong việc tạo ra các dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu đó. Khi đáp ứng dịch vụ tốt, không ai có thể cạnh tranh được với họ.
Có tầm nhìn dài hạn về sự phát triển
Không ai lớn lên mà không bất đầu từ tấm bé, thậm chí bắt đầu từ số 0. Thành công vang dội của Google, Yahoo, Microsoft đi từ 0 đến "có nhiều” và trở thành người khổng lồ. Trong quá trình này, họ cũng không ngần ngại sự có mặt của những công ty lớn trước đó. Vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tự tin vào giá tri và sự tồn tại của bản thân, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội và khách hàng. Để làm tốt điều này doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có tầm nhìn cho sự phát triển.
Chẳng hạn như Henry Ford đã có một tầm nhìn "dân chủ hóa thị trường xe hơi". Ông muốn mỗi người lao động bình thường với thu nhập trung bình, cũng có thể sở hữu một chiếc xe hơi. Tầm nhìn này đã biến Ford Motor từ một công ty gia đình trở thành Tập đoàn hùng mạnh như ngày nay.
Tầm nhìn dài hạn sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành được hệ thống sản xuất kinh doanh phù hợp, từng bước chuyên nghiệp hóa trong sự phát triển. Từ đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có thể bảo đảm năng lực quản lý các hệ thống lớn trong tương lai không xa. Thường xuyên học tập và phát triển năng lực, chuẩn bị cho tương lai tươi sáng hơn là nhiệm vụ cáp bách của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.
Tìm những phân khúc thị trường phù hợp
Khi quy mô và tiềm lực còn nhỏ, chiến lược thường được sử dựng của doanh nghiệp vừa và nhỏ là chui vào các ngách nhỏ của thị trường - nơi các "ông lớn" không thể chui vào. Vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chú ý những ngành nghề, ngóc ngách trên thị trường mà các công ty lớn không khai thác hoặc khó thâm nhập.
Chiến lược thiết lập những "an toàn khu” hoặc "bám thắt lưng địch mà đánh" cũng có thể được áp dụng một cách sáng tạo trong kinh doanh ngày nay, nếu phải đương đầu với những người khổng lồ.
Cạnh tranh dựa trên yếu tố tốc độ
Các doanh nghiệp lớn luôn có bộ máy cồng kênh, các quy trình và thủ tục phức tạp nên thường gặp nhiều khó khăn và chậm chạp trong quá trình chuyển đổi sản phẩm hoặc dịch vụ. Trong khi đó, với lợi thế nhỏ, gần gũi khách hàng, SMEs có ưu thế hơn ở khía cạnh này.
Trong thời đại toàn cầu hóa và số hóa hiện nay, phần thắng luôn thuộc về các công ty kịp thời thỏa mãn nhu cầu và yêu cầu của khách hàng. Ai gần với khách hàng hơn, nắm bắt nhanh hơn, phản ứng tốt với sự thay đổi này và làm khách hàng thỏa mãn sẽ được lựa chọn.
Phát triển thông qua liên minh chiến lược
Vấn đề khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ là thiếu nguồn lực. Để thu hút nguồn lực từ thị trường trước hết họ cần có tư duy "hệ thống mở” trong quá trình phát triển. Toàn cầu hóa không chỉ làm biên giới giữa các quốc gia mờ đi mà còn làm cho biên giới của các tổ chức kinh doanh dần được xóa bỏ. Vì thế, một hệ thống mở, tương tác và khai thác tốt hơn những nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển là rất cần thiết.
Giải pháp cho vấn đề này, cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, đào tạo, quảng bá tiếp thị... Bên cạnh đó là việc thuê các chuyên gia giỏi theo giờ hoặc dự án. Vai trò của các hiệp hội, tổ chức quốc tế phi Chính phủ cũng được nhấn mạnh...
Trong điều kiện tư duy hệ thống mở, mạng lưới và liên minh chiến lược (Strategic Alliance) luôn là việc làm quan trọng. Liên minh hợp tác để hỗ trợ, giúp đỡ cũng như bù đắp những mặt mạnh, yếu của nhau cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi tiến hành liên minh chiến lược, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hiểu rõ lý thuyết về nguồn lực tối thiểu. Thuyết này cho rằng, để tối đa hóa lợi ích, các "ông nhỏ" nên tụ tập lại với nhau chứ đừng "chơi" với "ông lớn” vì lợi ích thu được sẽ phân chia theo nguồn lực đóng góp.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ
Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội mà sự phát triển của thời đại ngày nay mang lại. Đó là lợi thế của công nghệ lnternet, giải pháp phần mềm, vận tải, bưu điện... Cụ thể là thông qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể tiếp cận được thị trường, kể cả ở những nơi xa xôi nhất.
Lời kết. Như vậy, toàn cầu hóa không những không phải là mối đe dọa mà còn mang lại những cơ hội to lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm đa số trong nền kinh tế. Những đóng góp cho sự phát triển của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào việc doanh nghiệp vừa và nhỏ có nắm bắt được cơ hội của thị trường và phát huy lợi thế hay không. Nếu làm tốt điều này, chuyện "bó đũa", "châu chấu đá xe", "o du kích nhỏ" sẽ trở thành hiện thực trong hoạt động kinh doanh hiện đại.
- Doanh nghiệp trước hết phải biết tự bảo vệ mình trước cơn lốc hội nhập: Lựa chọn ngành hàng, mặt hàng, phân khúc thị trường, chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng.....
- Đổi mới tư duy theo cơ chế kinh tế thị trường.: Chỉ sx những sản phẩm khi thị trường có nhu cầu. tra nhu cầu trước khi sản xuất; không sản xuất chạy theo phong trào...
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp: Tuyển dụng, thu hút được người giỏi tham gia doanh nghiệp; loại bỏ tư duy quản trị gia đình, cảm tính: Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực ...
- Ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, quản trị, tổ chức, hành chính....để nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm...
- Xây dựng chiến lược để có bước đi phù hợp...
- Hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các Hội, hiệp hội, câu lạc bộ...
- Nâng cao năng lực cạnh tranh (quản trị, quy trình, công nghệ, tổ chức, chất lượng sản phẩm, dịch vụ...).
- Tận dụng các cơ hội hội nhập để nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó có thể tồn tại và phát triển được trong thời gian tới khi Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.
5. Viện Doanh nhân APEC đồng hành cùng doanh nghiệp
Thuyết về nguồn lực tối thiểu. Trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh quyết liệt, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và hội nhập thành công, cần có sự liên kết, hướng đi riêng, phù hợp cho từng doanh nghiệp. Câu lạc bộ Doanh nhân GBN Việt Nam (thuộc Viện nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC) ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng của các Doanh nhân, là nơi để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại..
Tiến sĩ Trần Duy Khanh, Viện trưởng viện doanh nhân APEC phát biểu tại Hội nghị
Câu lạc bộ Doanh nhân GBN Việt Nam lấy nền tảng Tư vấn - Đào tạo làm giá trị cốt lõi; lấy trang bị những kiến thức tiên tiến, kỹ năng hiện đại và môi trường đẳng cấp để các CEO rèn luyện theo hướng hội nhập quốc tế làm mục tiêu...
Với phương châm: Hỗ trợ - Chia sẻ - Hợp tác và Đồng hành cùng Doanh nhân thông qua Câu lạc bộ GBN Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC luôn sẵn sàng sát cánh cùng doanh nghiệp Việt để vươn ra biển lớn.
Ngoài đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thông qua Câu lạc bộ GBN Việt Nam, săp tới Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các trung tâm, như: Tư vấn xây dựng chiến lược; Tư vấn hỗ trợ pháp lý; tư vấn xúc tiến thương mại; tư vấn hỗ trợ thông tin, thị trường...nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức vươn ra biển lớn, hội nhập thành công...
Ý kiến của bạn