p/Giới trẻ xếp hàng bên ngoài Vincom Đồng Khởi chờ H&M Việt Nam khai trương.

Giới trẻ xếp hàng bên ngoài Vincom Đồng Khởi chờ H&M Việt Nam khai trương.

Thị trường béo bở cho DN ngoại

Mới đây, đúng như đã hứa trước, hãng thời trang H&M đã chính thức tham gia thị trường VN. Đây là thương hiệu thời trang bình dân bán lẻ của Thuỵ Điển sở hữu hơn 1.000 cửa hàng trên thế giới. Chính vì chiến lược "giá rẻ nhưng bán khối lượng nhiều vẫn có lãi" đã nhanh chóng trở thành tiền đề thúc đẩy sự thành công của H&M.

Đặt chân vào VN, CEO của H&M, ông Fredrik Famm nói rằng, H&M không tham vọng là nhãn hàng đầu tiên, mà vào theo cách riêng, để giữ khách.

“VN là thị trường rất tiềm năng của thời trang khi dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh. Nhưng quan trọng hơn, đây là thị trường được nhận định có chuẩn thời trang khá tốt, người trẻ rất quan tâm và yêu thích thời trang” - ông Fredrik Famm chia sẻ.

Điều ông Fredrik Famm nói cũng phần nào lý giải vì sao chỉ trong ngày đầu mở bán, đã có hơn 12.000 khách hàng Việt xếp hàng từ sáng sớm đến đêm khuya chờ mua cho được các sản phẩm của nhãn hàng thời trang này.

Theo đánh giá của các chuyên gia thời trang, từ năm 2017, thị trường thời trang Việt sẽ cạnh tranh quyết liệt với sự có mặt của các thương hiệu quốc tế ở phân khúc trung bình. Đây cũng được cho là phù hợp với xu hướng chuộng hàng thời trang nhanh hiện nay.

Trước H&M, hàng loạt thương hiệu thời trang bình dân như: Zara, Gap, Old Navy, Mango, Nine west… đã vào VN kinh doanh. Ngoài ra, các thương hiệu như: Uniqlo, Forever 21… cũng đang ráo riết chuẩn bị chính thức “tham chiến” trong nửa cuối năm nay và năm 2018 để phân chia “miếng bánh” béo bở này.

DN nội “mặc kệ”

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tcty May Hưng Yên, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may cho rằng, thực chất đây là sự phân công thị trường. Không phải DN Việt không quan tâm tới thị trường thời trang nội địa lên tới 4,5 tỷ USD/năm mà hiện nay, việc các DN Việt tham gia các thị trường XK đang có hiệu quả cao nên dành nguồn lực cho XK. Còn phân khúc thị trường nội địa, các tổ hợp dệt may tư nhân, các làng nghề… đang chiếm lĩnh.

Theo phân tích của ông Dương, các làng nghề, tổ hợp may nhỏ thường sẵn sàng làm gia công với giá rẻ, dành cho phân khúc hàng bình dân, các DN nội cũng rất khó để cạnh tranh. Mặt khác, thị hiếu “sính ngoại” của giới trẻ trong nước, và các DN thời trang quốc tế có thương hiệu đã gặp nhau ở “điểm chung”. Đó cũng là lý do vì sao các DN nước ngoài đã tham gia thị trường Việt để tận dụng nhưng lợi thế đó.

Hơn nữa, các DN VN cũng không đủ năng lực cạnh tranh với với DN ngoại trong tất cả các khâu từ thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu, phân phối… nên việc các DN nội “mặc kệ” thị trường nội cũng là điều dễ hiểu.