Dưa lưới nhập từ Pháp được trồng thành công tại Đà Lạt của Công ty TNHH Sinh học Sạch.
Thủ tục hành chính làm “nản lòng” nhà đầu tư
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn rất hạn chế mặc dù Nghị định 210/2013/NĐ-CP (NĐ 210) về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2014. Theo ông Cường tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước mới chỉ có chưa đến 5000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số DN cả nước. Quy mô của DN nông nghiệp chủ yếu là nhỏ, 50% DN dưới 10 lao động.
Lí giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, chính các thủ tục hành chính đang làm nản lòng các nhà đầu tư, khiến DN “ngại” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp để tiếp cận được chính sách theo Dự thảo Nghị định 210 vẫn phải thực hiện khoảng 16 bước (có khoảng 40 văn bản có liên quan, nhất là các thủ tục liên quan đến công tác công nhận phân bón mới, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi…); để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ, nhất là thủ tục hành chính (xây dựng, đất đai, môi trường, cấp phép xây dựng, thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/500…
Hơn nữa, “điều kiện được thụ hưởng chính sách khó khả thi, các “giấy phép con” vẫn còn nhiều. Đơn cử, để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ thì DN phải đáp ứng điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; Quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương … Trên thực tế hầu hết các dự án rất khó đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên 2 lần; DN phải sử dụng cả nguyên liệu của các địa phương khác và lao động tại địa phương chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chuyên môn, tay nghề”, ông Ngọc phân tích.
Dẫn nguồn một khảo sát do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) thực hiện, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Isard cho biết, các DN đang gặp khó với chính sách. “Phần lớn DN đầu tư vào nông nghiệp đang gặp khó với chính sách. Kết quả khảo sát của Ipsard cho thấy có 63,5% DN cho rằng tiếp cận đất đai gặp khó khăn bởi chính sách chưa tạo ra được thể chế hợp lí. Có đến 70,1% DN cho rằng gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Có tới 49,7% số DN cho biết gặp khó khăn trong việc thực thi các chính sách thuế phí. Có tới 65,4% DN gặp khó khăn trong việc triển khai các chính sách thương mại và thị trường, ông”, ông Tuấn cho biết.
Đất đai vẫn là “nút thắt lớn nhất”
Ông Dương Văn Trí, giám đốc Tập đoàn Mặt Trời cho rằng, các thủ tục hành chính về đất đai đang làm khó DN, khiến DN tốn thêm chi phí và thời gian. “Khi DN thông qua chính quyền thuê lại đất của nông dân thì chỉ cần cấp giấp chứng nhận một lần để DN không phải xin đi xin lại nhiều lần, rất tồn tiền và thời gian. DN tôi muốn cần đất thì mất 1 lần 1 lần trả cho nông dân 1 trả cho nhà nước, số tiền này theo tôi chỉ nên trả 1 lần mà thôi”, ông Trí nói.
Về vấn đề này, ông Ngọc, nút thắt về mặt đất đai chính là nút thắt lớn nhất cản trở DN đầu tư vào nông nghiệp.
“Các chi phí về chuyển nhượng đất nông nghiệp, vướng mắc về các loại thuế, phí như thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí địa chính, lệ phí thẩm định… làm tăng chi phí đầu tư cho DN.
Thêm vào đó, trên thực tế hiện nay đất công không còn. Khi có nhu cầu sử dụng, nhà nước hay DN đều phải “mua” lại quyền sử dụng đất của người dân, nhưng lại né tránh khi dùng cụm từ “đền bù, bồi thường”. Chính sự “lửng lơ” này đã khiến cho việc tích tụ, tập trung đất đai gặp nhiều khó khăn”, ông Ngọc nói và phân tích.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam:Không nên “cơi nới chính sách” Chúng ta vẫn làm theo kiểu cơi nới chính sách khi sửa đổi chính sách không còn phù hợp. Cần giảm bớt những cái “cho”, hạn chế tối đa các chính sách hỗ trợ bằng tiền vốn cho DN, nông dân trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp. Trong điều kiện thị trường, chúng ta phải thay đổi căn bản các chính sách về thuế, đất đai, các thủ tục hành chính. Cách làm hiện nay của chúng ta mang tính “ban phát” nên không giải quyết được vấn đề. Thay vì “cho thêm đất”, “cho thêm vốn”… thì chính sách phải làm cho DN cảm thấy mình là động lực chính, động lực quan trọng… của quá trình phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc chính sách phải tạo nên cơ chế để DN có thể yên tâm làm ăn. Hiện nay nút thắt của tích tụ ruộng đất nằm ở DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chứ không phải nông dân, bởi nông dân không có điều kiện để tích tụ, tập trung đất đai. Rào cản về pháp lý đã trói DN không được chuyển nhượng đất nông nghiệp. Do vậy, cần phải cho DN quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm cả đất lúa. Và nên xóa bỏ hạn điền, thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất. Chuyện khuyến khích DN, cấu trúc chủ thể DN phải thay đổi, các tiếp cận chỉ dựa vào nông dân và hộ gia đình đến nay đã hết tác dụng, nó không phải là cấu trúc thị trường, khuyến khích doanh nghiệp phải thể hiện DN là lực lượng chủ đạo để nền nông nghiệp Việt Nam, cách tiếp cận phải tạo ra một lực lượng chủ đạo trong nông nghiệp. |
Ý kiến của bạn