Để năng suất lao động Việt Nam không 'đội sổ' Đông Nam Á?
Năng suất lao động của Việt Nam chênh lệch nhiều so với thế giới và ngay cả trong khu vực ASEAN. Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân do tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng và trình độ còn quá thấp
Năng suất lao động của Việt Nam chênh lệch nhiều so với thế giới và ngay cả trong khu vực ASEAN. Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân do tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng và trình độ còn quá thấp.
Chỉ 22,37% lao động đã qua đào tạo
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng hiện nay năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực.
"Theo số liệu thống kê mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo gửi quốc hội hồi tháng 10.2019, năng suất lao động của ta chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines, 68,9% của Brunei. So với Myanmar, Việt Nam chỉ bằng 90% và khá bất ngờ khi chúng ta chỉ bằng 88,7% Lào. Trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia", ông Trường nêu và lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam chỉ chiếm 22,37%.
Ông Trường dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Tính đến quý 2/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%). Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%. Cụ thể, lao động có trình độ ĐH trở lên chiếm 10,82%, CĐ chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp là trên 3,08%.
"Điều đó đồng nghĩa với việc còn đến 77,63% lao động chưa qua đào tạo (chưa có văn bằng chứng chỉ), chưa được công nhận trình độ. Nếu những năm tới không có giải pháp, công cụ hữu hiệu nào làm giảm nhanh số liệu về tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo này xuống, phản ánh đúng thực tế chất lượng của lực lượng lao động quốc gia thì sẽ càng làm suy giảm uy tín của lực lượng lao động Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà sản xuất kinh doanh dịch vụ, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia. Trong khi đó, chính người lao động sẽ bị mất lợi thế khi tham gia thị trường lao động, thiếu tự tin, suy giảm động lực phấn đấu, rèn luyện kỹ năng, học tập suốt đời, từ đó cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cũng bị suy giảm", ông Trường nhìn nhận.
Hiện vẫn có không ít doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông, thường trong lĩnh vực may mặc, xây dựng, nhà hàng khách sạn dưới 3 sao... Ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Festo Việt Nam, cũng cho rằng lao động mà chưa qua đào tạo sẽ không có kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.
Bạn trẻ không được đào tạo nghề nghiệp bài bản sẽ thất nghiệp hoặc có việc thì lương thấp, ở những việc nặng nhọc thì dễ gặp rủi ro về an toàn lao động, khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ thì dễ bị sa thảiTrương Ngọc Hoàng - Giám đốc Công ty Festo Việt Nam |
Ông Hoàng khẳng định: "Bạn trẻ không được đào tạo nghề nghiệp bài bản sẽ thất nghiệp hoặc có việc thì lương thấp, ở những việc nặng nhọc thì dễ gặp rủi ro về an toàn lao động, khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ thì dễ bị sa thải".
Chuẩn hóa bằng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia
Bộ LĐ-TB-XH phối hợp các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, công bố được 193 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 193 nghề và hiện đang tiếp tục xây dựng, công bố cho các nghề còn lại theo danh mục nghề nghiệp. Ngoài ra, để tiến tới việc chuẩn hóa kỹ năng người lao động, bộ này cũng đã ban hành dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: "Những nội dung của dự thảo là mục tiêu mà chúng tôi dự kiến thực hiện từ lâu. Chúng tôi mong muốn lao động Việt Nam dần được chuẩn hóa và muốn doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng nên nhắm tới lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng. Như vậy mới làm tăng chất lượng, năng suất lao động và thương hiệu của chính doanh nghiệp".
Học nghề bằng mô hình đào tạo và làm việc song song Một số nước tiên tiến đào tạo nghề theo mô hình vừa học vừa làm. Theo đó, học sinh đi học nghề thì chỉ sau năm nhất đã đi làm tại doanh nghiệp có lương, song song với việc học ở trường. Mô hình đào tạo kép (vừa học tại trường vừa học và làm việc tại doanh nghiệp) hiện nay cũng được một số trường CĐ, trung cấp tại Việt Nam thí điểm, tuy nhiên quy mô còn thấp, chỉ dành cho một số đối tượng và chưa đủ mạnh để người lao động chưa qua đào tạo khắp các địa phương có cơ hội biết đến và đăng ký học. |
Các ngành nghề phải qua đào tạo mới được tuyển dụng Có 3 danh mục ngành nghề mà người lao động phải qua đào tạo mới được doanh nghiệp sử dụng. Danh mục 1 gồm 68 ngành, nghề được áp dụng từ ngày 1.1.2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như lắp đặt giàn khoan, hàn, khoan thăm dò địa chất, xử lý chất thải công nghiệp và y tế... Danh mục 2 bao gồm 90 ngành, nghề sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với những ngành nghề còn lại sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1.1.2024. |
Ý kiến của bạn