Đề xuất mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời...
Ảnh minh họa.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các đối tượng cho thấy, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao.
Lý giải về nguyên nhân, Bộ này cho rằng, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, một số địa phương khu vực duyên hải miền Trung và TP. Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Mặt khác, do người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực, chủ động gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương.
Cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Đặc biệt, một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.
Ngoài ra, một số địa phương đã ban hành kế hoạch nhưng chưa khẩn trương tổ chức thực hiện hoặc triển khai ở mức độ thấp. Các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của người lao động tự do, tuy nhiên, cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau hoặc vẫn còn nhiều người lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ….
Bộ này cũng thừa nhận, có nguyên nhân từ mặt chính sách do một số quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đơn cử như một số vướng mắc, khó khăn về điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng; hồ sơ cần thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020....
Trước thực tế đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23 theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.
Người lao động được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong thời gian giãn cách. Ảnh: Khánh Hòa.
Liên quan đến tiến độ triển khai gói hỗ trợ an sinh trên, trước đó, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hôm 29/8, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, đến nay cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68.
Số tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ.
Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%, riêng TP. HCM đã dành trên 3.000 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các địa phương đang lúng túng triển khai. Trong đó, liên quan tới quá trình thực hiện Nghị quyết 68, điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động.
Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, sửa đổi. Theo đó sẽ bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, sẽ bãi bỏ điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu năm 2020 để được vay tiền trả lương cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương có thể linh hoạt với các trường hợp lao động có giao kết hợp đồng lao động, nếu không có hồ sơ, thỏa thuận chấm dứt hợp giữa người sử dụng lao động và người lao động, bị chấm dứt hợp đồng lao động, để được hưởng chính sách hỗ trợ. Hiện nay, đây là đối tượng chiếm số đông ở TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Lý do, trong tình hình giãn cách xã hội, người lao động không thể làm hồ sơ được. Trong trường hợp đó chỉ cần người sử dụng lao động có quyết định và công đoàn ký vào là cơ quan chức năng xét duyệt, tiến hành chi trả…
Ý kiến của bạn