Doanh nghiệp nội gặp khó trong quảng bá sản phẩm
Các doanh nghiệp đều nhận thức rằng, muốn lớn mạnh, muốn nhiều người biết tới sản phẩm thì phải chi ngân sách cho quảng cáo sản phẩm dịch vụ, nhưng khi thực hiện quảng cáo thì lại như rơi vào ma trận.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thua thiệt của hàng hóa Việt Nam ngay tại “sân nhà” nằm ở khâu truyền thông, quảng cáo
Có một thực tế ở Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa phần nên bị hạn chế về tài chính, không thực hiện được các chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu có quy mô và lâu dài, dẫn đến việc quảng bá thương hiệu quy mô nhỏ và hiệu quả thấp...
Bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu bị cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính và trình độ. Các chi phí dịch vụ thuê ngoài về quảng cáo, tư vấn, xây dựng thương hiệu đều rất cao, chưa kể, thủ tục đăng ký thương hiệu khó khăn, thời gian kéo dài.
Bên cạnh đó, các quy định về quảng cáo sản phẩm tại một số tỉnh, thành phố cũng đang làm doanh nghiệp lúng túng. Giám đốc một công ty dệt may tại TP.HCM nêu một ví dụ về việc, tại TP.HCM, trong hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo phải có hợp đồng kinh tế, trong khi hợp đồng có những nội dung cần bảo mật như giá cả, thời hạn… Hoặc ở Cần Thơ, mới đây lại thêm thủ tục phải nộp bản vẽ xây dựng pa-nô ốp tường trong hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Có lẽ, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thua thiệt của hàng hóa Việt Nam ngay tại “sân nhà” nằm ở khâu truyền thông, quảng bá và công tác xử lý vi phạm vẫn chỉ hướng vào doanh nghiệp địa phương, hoặc xảy ra tại địa phương. Có thực tế, vi phạm tại địa phương này thì bị xử lý, nhưng vi phạm ở địa bàn khác thì lại thiếu cơ chế giám sát, phát hiện và kiến nghị.
Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá, nhiều địa phương, nhất là ở những nơi mà hoạt động thị trường còn kém sôi động, hoạt động sở hữu trí tuệ còn đơn giản, vai trò quản lý nhà nước mờ nhạt, bị động, vẫn còn tình trạng trông chờ vào trung ương, hoặc chồng chéo giữa các cơ quan quản lý liên quan. Năng lực, kiến thức chuyên môn về sở hữu trí tuệ của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ các địa phương còn nhiều bất cập.
Theo luật sư kinh tế Ngô Văn Quang (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật Quảng cáo đã được ban hành từ năm 2012 và có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, nhưng mức độ sai phạm vẫn thường xuyên, vụ việc xử lý trên thực tế còn ít. Không ít doanh nghiệp trong ngành nước mắm, trà xanh…, quảng cáo xuất xứ nguồn nguyên liệu địa phương này khi thực tế nguyên liệu họ lấy từ các địa phương khác có giá thành rẻ hơn, vậy là, với nội dung quảng cáo mập mờ cũng đủ triệt hạ doanh nghiệp cùng ngành tại địa phương đó do giá rẻ hơn.
“Hiện nay, các doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh để phát triển, trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động quảng cáo. Siết chặt về hoạt động quảng cáo sẽ giúp doanh nghiệp địa phương tự mở rộng ra thị trường lớn”, luật sư Quang nói.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn