Đối đầu với hàng giả tại thị trường nước ngoài
Thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm không phải là giải pháp lâu dài cho doanh nghiệp trong cuộc chiến không khoan nhượng với hàng giả, hàng nhái tại nơi “đất khách”, mà cần một chiến lược dài hơi cả về pháp lý, kênh phân phối và sản phẩm.
Đối phó với hàng giả, hàng nhái là vấn đề của bất cứ doanh nghiệp sản xuất nào trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, nhiều mặt hàng “made in Vietnam” chất lượng cao đã bắt đầu phủ sóng ở thị trường nước ngoài, nhưng vấn đề bị làm giả, làm nhái chưa hẳn đã “buông tha” doanh nghiệp.
Bởi thế, sau câu chuyện doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo được làm từ nông sản của Việt Nam bị làm giả, làm nhái tại thị trường nước ngoài được phát sóng trên Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, rất nhiều quan điểm trái chiều đã xuất hiện - tương tự sự xung đột quan điểm giữa CEO và cổ đông của công ty này.
Bà Nguyễn Thị Thanh (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này. |
Nhiều người ủng hộ quan điểm của CEO đã “hiến kế” nhằm quyết tâm tiếp tục “chiến đấu”, đầu tư để cho ra đời các dòng sản phẩm mới độc đáo và khác biệt hơn, các đối thủ sẽ khó làm nhái. Nhưng cũng không ít khán giả đồng tình với các cổ đông. Đó là doanh nghiệp nên tính toán phương án rút khỏi các thị trường này và quay về thị trường trong nước, bằng cách điều chỉnh lại các dòng sản phẩm này để có giá thành rẻ hơn và có thể bán đại trà.
“Đối thủ chỉ nhái sản phẩm, chứ không nhái được chất lượng, thương hiệu và sự sáng tạo”, bạn Nguyễn Trung Việt đã chia sẻ như vậy trên fanpage của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công.
Các khán giả của chương trình cũng góp ý với CEO nhiều biện pháp đương đầu với hàng giả, hàng nhái bằng cách sử dụng pháp luật, chiến lược kinh doanh cho đến sản phẩm. Bạn David Le thẳng thắn cho rằng, “rút lui nghĩa là thất bại, một khi đã rút thì rất khó quay lại thị trường mục tiêu”.
Trong khi đó, bạn Tri Ho lại cho rằng, có thể áp dụng hai biện pháp phát triển song song của cả CEO lẫn các cổ đông, nhưng cần đánh giá mức độ thiệt hại tại thị trường nước ngoài và vị thế của sản phẩm tại thị trường nội địa trước khi đưa ra phương án xử lý.
Thực tế, đây không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp nói trên, mà còn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác khi muốn cạnh tranh và giành thị phần tại thị trường nước ngoài. Cách đây ít năm, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit đã từng phải mất rất nhiều công sức để giành lại thương hiệu Đức Thành khi bị chính các đối tác phân phối trước đó tại thị trường Trung Quốc làm nhái.
Không phải chỉ riêng Vinamit, mà theo ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc, “mầm mống” của hàng giả xuất phát từ kênh phân phối rất nhiều. Kẹo dừa Bến Tre, bánh đậu xanh Hải Dương… là những thương hiệu từng rơi vào hoàn cảnh này.
Bởi thế, đối với vấn đề của doanh nghiệp sản xuất kẹo nói trên, tuyên chiến hay “chào thua” hàng giả, hàng nhái tại thị trường ngoại là câu hỏi không dễ trả lời. Đó là lý do vì sao, CEO của Chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn.
Cùng với ông Trần Quốc Việt, GS. Phan Văn Trường, cố vấn thương mại Chính phủ Pháp, Thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ ngồi ở vị trí chuyên gia trong chương trình kỳ này để hỗ trợ cho CEO.
Hai vị chuyên gia này đã tư vấn gì để CEO Nguyễn Thị Thanh tự tin khẳng định rằng: “Các chuyên gia giúp tôi không chỉ nhận thức thêm kiến thức mở rộng thị trường, mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, trường tồn”. Tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (ngày 9/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (ngày 10/4) trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn