Toàn cầu hóa: Động lực tăng trưởng của FPT
Năm 2017 mở ra cơ hội lớn để FPT tăng trưởng mạnh mẽ. Đó là khẳng định của Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc. Liệu FPT có làm được điều này?
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, FPT cho biết, năm 2017, Công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 15%, lợi nhuận tăng 13,1%. Trong đó, khối công nghệ - viễn thông tiếp tục là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng của FPT với đóng góp dự kiến ở mức 85% tổng lợi nhuận.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho biết, năm 2017, lần đầu tiên khối công nghệ dự kiến sẽ dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong toàn Tập đoàn. Theo đó, khối công nghệ, với đầu tàu là mảng xuất khẩu phần mềm dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Năm 2016, mảng này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 26% và lợi nhuận trước thuế 35%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của FPT đạt quy mô doanh thu của nhóm 50 công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Nhật Bản.
Quang cảnh đại hội FPT |
Bên cạnh đó, với việc ký thêm nhiều hợp đồng với các khách hàng thuộc danh sách Fortune 500, nhân sự xuất khẩu phần mềm vượt mốc 10.000 người, tăng gấp đôi sau 3 năm, FPT đã có những tiền đề quan trọng để đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trong khi đó, trong mảng tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, FPT sẽ tập trung khai thác cơ hội tại các thị trường đang phát triển, đặc biệt là thị trường Bangladesh với các dự án do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), World Bank (WB) tài trợ. Năm 2016, với việc ký được 2 hợp đồng trị giá 17,9 triệu USD tại Bangladesh, FPT đã chứng minh được năng lực tại thị trường này, mở ra nhiều cơ hội thắng thầu các hợp đồng lớn trong năm 2017.
Tại thị trường trong nước, ông Ngọc cho biết, năm 2017, FPT đã thắng thầu một số hợp đồng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính công. Điều này cho thấy, những tín hiệu tích cực của sự đầu tư trở lại của nhóm khách hàng trong lĩnh vực này.
Ở khối phân phối và bán lẻ, theo ông Ngọc, năm 2017 sẽ là năm triển vọng khi những vấn đề còn tồn tại của lĩnh vực phân phối đã được tháo gỡ.
Lãnh đạo FPT cho biết, năm 2016 đã xử lý xong hàng tồn kho Lumia, do đó lĩnh vực phân phối dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại. Cùng với lĩnh vực bán lẻ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng chuỗi và tăng trưởng doanh số bán trực tuyến trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 13,3% về doanh thu và 36,2% về lợi nhuận cho cả khối phân phối và bán lẻ.
Điểm nổi bật trong kế hoạch hành động của FPT là thị trường toàn cầu và kế hoạch của FPT cho định hướng toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng của FPT trong tương lai. Năm 2016, lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận mức tăng trưởng 40%, đóng góp 1/3 vào tổng lợi nhuận hợp nhất và cao hơn so với tăng trưởng lợi nhuận của thị trường trong nước.
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, với việc doanh thu mảng công nghệ từ thị trường nước ngoài tăng 26%, lợi nhuận tăng 40%, đóng góp 31% tổng lợi nhuận của Tập đoàn (năm 2015 đóng góp 23%) đã cho thấy, chiến lược toàn cầu hóa của FPT đang đi đúng hướng.
“Thị trường nước ngoài đang là một trong những động lực tăng trưởng chính của FPT trong tương lai”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn