Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Gỡ khó cho doanh nghiệp
Tốn kém nhiều thời gian, chi phí cho việc kiểm tra chuyên ngành (KTCN) với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) là phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại các cuộc đối thoại với Tổng cục Hải quan gần đây.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện có tới 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định về KTCN đối với hàng hóa XNK do các cơ quan có thẩm quyền ban hành có dấu hiệu gia tăng so với thời điểm tháng 8/2015. 5 giải pháp cụ thể về KTCN đã được Tổng cục Hải quan đề xuất nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN.
Khổ vì kiểm tra chuyên ngành
Đó là phản ánh của nhiều DN với Tổng cục Hải quan tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến về quy định KTCN thời gian gần đây. Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chi phí KTCN là một gánh nặng đối với ngành Dệt may nói riêng và nhiều DN XNK nói chung. Dù ngành Hải quan đã áp dụng kiểm tra hàng hóa theo hình thức “phân luồng” để giảm bớt thời gian và việc kiểm tra trực tiếp hàng hóa XNK nhưng chính quy định của nhiều bộ, ngành khác đã khiến thủ tục thông quan không những không giảm bớt mà ngày càng phức tạp, nhiêu khê. Đối với các DN được phân luồng xanh, luồng vàng, khi thực hiện hải quan điện tử có khi chỉ mất vài phút thao tác trên máy để thông quan nhưng đợi các kết quả KTCN trước đó để có thể thông quan có khi mất cả tháng.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (Bình Dương) cũng phản ánh, chỉ tính riêng phí cắt mẫu thép và một số chi phí không chính thức phục vụ làm thủ tục thông quan, trung bình DN đã tốn mất 20.000đồng/tấn. Trong khi mỗi năm lượng thép nhập khẩu của các DN trong Ngành Thép lên đến 600.000 tấn. Đó là chưa kể đến chi phí lưu kho, vận chuyển nội cảng đối với mỗi lô thép 20.000 tấn trong vòng 1 tháng cũng ngót bạc tỷ. Chi phí nọ chồng chi phí kia thử hỏi làm sao giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng không cao và năng lực cạnh tranh của DN lại không xuống thấp?
Tại cuộc họp báo về nâng cao hiệu quả hoạt động KTCN do Tổng cục Hải quan tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 30/6/2016, có 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định KTCN đối với hàng hóa XNK do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Số liệu này cho thấy thủ tục KTCN có sự gia tăng so với thời điểm tháng 8/2015 là 259 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tục KTCN bỗng phát sinh khá nhiều là do một số bộ, ngành đã ban hành mới các văn bản để hướng dẫn các lĩnh vực trước đây chưa được hướng dẫn đầy đủ. Trong khi đó, có nhiều văn bản KTCN tồn tại những bất cập lại chưa được sửa đổi, bổ sung. Nếu các bộ, ngành không khắc phục điều này, mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 30 đến 35% hiện nay, xuống còn 15% đến hết 2016 như yêu cầu của Chính phủ sẽ khó trở thành hiện thực.
Giảm thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp
Nhận xét về các thủ tục KTCN hiện nay, ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng 1, Cục Giám sát quản lý về hải quan Tổng cục Hải quan cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTCN những năm qua ban hành nhiều, nhưng chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện. Điều này gây khó khăn cho cả cơ quan Hải quan và DN trong quá trình thực hiện. Nhiều cơ quan KTCN thực hiện thủ tục KTCN chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ dẫn đến tình trạng DN tốn kém nhiều thời gian, chi phí.
Để khắc phục những bất cập trong lĩnh vực KTCN, ông Ngô Minh Hải cho biết, sau các đợt rà soát, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và kiến nghị các bộ, ngành về những văn bản liên quan đến KTCN cần sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN. Cùng với việc triển khai và đưa vào hoạt động 10 địa điểm KTCN tập trung tại 8 địa bàn hải quan có lưu lượng hàng hóa XNK nhiều, Tổng cục Hải quan đã đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK. Trong đó, Ngành Hải quan sẽ thí điểm kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại Cục Kiểm định hàng hóa XNK thuộc Tổng cục Hải quan với một số mặt hàng, như phân bón, đồ chơi bằng nhựa, đồng thời trang bị phòng kiểm định di động để phục vụ KTCN tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai... Những giải pháp này sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục KTCN và giảm thời gian, chi phí thông quan cho cộng đồng DN.
Theo Hà Nội Mới
Ý kiến của bạn