Đưa doanh nghiệp nhà nước ra ánh sáng
Chính phủ đang yêu cầu rất nghiêm khắc việc tuân thủ các quy định liên quan đến thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Đến lúc này, chế tài mạnh mẽ hơn với những người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có lẽ phải được tính sớm hơn, quyết liệt và thực chất hơn.
Sau nhiều lần Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thúc giục, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn phớt lờ yêu cầu công khai thông tin theo quy định |
Vừa qua, thêm một lần nữa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải yêu cầu Bộ Tài chính công khai các cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước trong doanh nghiệp không tuân thủ đúng yêu cầu về báo cáo giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Đến cuối năm ngoái, sau thời hạn quy định 4 tháng, có tới 9 bộ và 22 địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ này.
Cách đây hơn một tuần, Phó thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai danh tính doanh nghiệp nhà nước không thực hiện công bố thông tin theo quy định. Danh sách này đang có tên 379 doanh nghiệp nhà nước.
Nhìn vào số liệu những báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi tới Bộ Tài chính và do Bộ Tài chính tự tổng hợp, có 22 doanh nghiệp được cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, chiếm 5,1%. Trong số này, có 10/86 doanh nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 12/339 doanh nghiệp thuộc địa phương.
Con số này có thể chưa chuẩn xác, vì trong số những báo cáo của các đơn vị đã gửi, ngay cả Bộ Tài chính cũng phải nhận định là, nhiều đơn vị không nhận xét đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp theo quy định, không gửi báo cáo giám sát của từng doanh nghiệp, không đưa ra được kết luận an toàn hay có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, chưa có đầy đủ số liệu của doanh nghiệp.
Giả thuyết rằng, trong số doanh nghiệp nhà nước chưa có đầy đủ thông tin để xem xét, có doanh nghiệp thuộc diện có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, thì nếu để chậm hơn, việc xử lý sẽ khó khăn, thậm chí cũng có khi là quá muộn. Bài học nhãn tiền về sự cố Vinashin, Vinaline vẫn còn nguyên giá trị.
Trở lại câu chuyện công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước, sau nhiều lần Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thúc giục, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn phớt lờ yêu cầu này. Ngay cả số doanh nghiệp đã thực hiện báo cáo cũng không đầy đủ, chất lượng thông tin chưa tốt, thậm chí có sai số lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa ai, chưa đơn vị nào gánh chịu kỷ luật vì điều này.
Bức tranh doanh nghiệp nhà nước vẫn tranh tối, tranh sáng với ngay chính các cơ quan được giao trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước. Thực trạng này đang ẩn chứa vô vàn cơn sóng ngầm, nhất là trong bối cảnh hàng loạt dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong đó có dự án không thể cứu vãn, vẫn đang xếp hàng chờ phương án xử lý.
Điều này cũng có nghĩa, nếu không nhanh đưa doanh nghiệp nhà nước ra ánh sáng, mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này, đẩy nhanh các kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, sử dụng tài sản và đầu tư nhà nước đúng chỗ sẽ chưa thể thực hiện nhanh và hiệu quả như Chính phủ yêu cầu.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn