Đừng ép hành chính hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Phát triển kinh tế tư nhân là tạo môi trường cho các hoạt động kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng, dù dưới hình thức nào. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên ép hành chính hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. “Môi trường kinh doanh phải thay đổi theo hướng hộ kinh doanh tự nhận thấy hình thức doanh nghiệp sẽ có lợi cho họ hơn”, ông Hiếu nói.
Thưa ông, với 4,6 triệu hộ kinh doanh hiện tại, nếu họ trở thành doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ có cả triệu doanh nghiệp…
Tôi muốn đặt vấn đề lớn hơn, mục tiêu của nền kinh tế đang nhắm tới các hộ kinh doanh cũng như khu vực kinh tế tư nhân là gì? Mục tiêu phải là mọi hoạt động kinh doanh phải công bằng, lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, phát huy tối đa tiềm năng và đóng góp tối đa cho xã hội thông qua nộp thuế, việc làm và thu nhập cho người lao động…
Chúng ta không thể đặt vấn đề là sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp lớn, cực lớn, hay bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ hay hộ kinh doanh. Đó là công việc của thị trường. Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo một môi trường kinh doanh, mà ở đó, tất cả hoạt động kinh doanh dưới mọi quy mô, phạm vi, hình thức và tính chất đều có thể phát huy hết tiềm năng và phát triển ổn định, bền vững.
. |
Về hộ kinh doanh, những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta có quy định về kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình. Khái niệm này vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến nay. Đó là hình thức. Nhưng, xét về bản chất, hộ kinh doanh không khác nhiều doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu là đảm bảo hộ kinh doanh cũng như các hoạt động kinh doanh khác, đó là phát huy tối đa tiềm năng, hiệu quả và đóng góp cho phát triển kinh tế.
Vấn đề của hộ kinh doanh là gì?
Thử so sánh tương đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về kinh doanh, 2 loại hình này khá tương đương. Hộ kinh doanh có cả những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, như chiến lược kinh doanh yếu, nguồn lực yếu… Họ cũng có thuận lợi về quy mô, tính linh hoạt như doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhưng hộ kinh doanh có những khó khăn riêng. Đó là bị hạn chế về quyền kinh doanh, họ chỉ được kinh doanh tại địa điểm đăng ký (quận, huyện), không thể mở rộng kinh doanh dưới hình thức tiết kiệm chi phí như mở chi nhánh, đại lý. Hộ kinh doanh không được quyền kinh doanh trong một số ngành nghề mà chỉ doanh nghiệp mới được làm. Hộ không được mở rộng quy mô qua lao động, họ chỉ được thuê tối đa 10 lao động. Các hộ kinh doanh khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng…
Hơn nữa, dù bản chất là doanh nghiệp, khó khăn hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trong nhiều chính sách, lại bị loại ra khỏi phạm vi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhưng vì sao hộ kinh doanh không lên doanh nghiệp, để loại bỏ những khó khăn trên?
Nhìn ở góc độ môi trường kinh doanh hiện tại, hộ kinh doanh đang có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp. Thủ tục thành lập đơn giản hơn, lệ phí thành lập rẻ. Chế độ kế toán đơn giản, chỉ cần 6 loại sổ sách kế toán so với hơn 30 loại của doanh nghiệp. Cách nộp thuế đơn giản, hộ được nộp kê khai hoặc thuế khoán.
Đây là những lợi thế rất lớn, nếu so với hơn 500 giờ mà doanh nghiệp phải dùng để hoàn tất các thủ tục về thuế, chưa kể chi phí về nhân sự. Họ cũng đơn giản hơn trong thuê tuyển lao động.
Cách đây 10 năm, chúng tôi có một khảo sát về hộ kinh doanh và vừa rồi, đầu năm 2017, thực hiện khảo sát về cùng nội dung, thì thấy, các hộ kinh doanh hoàn toàn hiểu lợi ích khi đăng ký thành doanh nghiệp, họ có cơ hội được hưởng chính sách đầu tư, ưu đãi, khuyến khích, mở rộng kinh doanh, tiếp cận đất đai, ngân hàng…
Nhưng lý do chính mà họ ngần ngại kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp là lo ngại về gánh nặng tuân thủ pháp luật, như thủ tục thuế, lao động và các quy định khác.
Hàm chứa chính sách trong kết luận này là gì, thưa ông?
Quan điểm của tôi là không nên đặt vấn đề phải sử dụng biện pháp hành chính để ép các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Tất nhiên, một mặt cần khuyến khích hộ kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp. Nhưng để bền vững, điều cần làm để các hộ tự thấy hình thức doanh nghiệp là phù hợp với nhu cầu kinh doanh của họ, có lợi cho họ so với chi phí bỏ ra.
Nghĩa là, các bất lợi của hộ kinh doanh về thương quyền, quy mô kinh doanh, phạm vi hoạt động cần phải xem xét lại. Nếu xóa bỏ, sẽ tận dụng được tối đa năng lực của hộ. Hộ kinh doanh sẽ phát triển, có nhu cầu mở rộng, nhu cầu làm ăn với các doanh nghiệp. Lúc này, họ sẽ thấy chiếc áo hộ kinh doanh là quá chật, cần phải thay đổi.
Nếu muốn hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, gỡ cho họ cái gì mà họ e ngại nhất khi trở thành doanh nghiệp. Phải chăng đó là sổ sách kế toán, thủ tục nộp thuế. Nếu có một chế độ kế toán, thủ tục nộp thuế đơn giản cho khu vực doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động, các hộ sẽ nhìn thấy khoảng cách không quá lớn giữa cái họ đang làm và cách họ sẽ phải làm khi chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Trong các quy định về vấn đề này, đang có hai thái cực khá rõ, một là quá chặt chẽ với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và quá đơn giản với hộ kinh doanh, nên việc dễ hiểu là hộ cố giữ mô hình để hưởng lợi thế. Cũng phải có quy định chặt chẽ hơn về nội dung này với hộ kinh doanh, để đảm bảo minh bạch trong hoạt động của hình thức hộ kinh doanh. Chúng ta không làm khó họ, mà thúc đẩy sự công bằng trong hoạt động kinh doanh. Khi đó, cả khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế đều được hưởng lợi.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn