Đừng xem thường cái chết của doanh nghiệp!
(TBKTSG) - Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy trong quí đầu năm nay số doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức rất cao. Cụ thể, có đến 3.268 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, đến 20.636 doanh nghiệp khác ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với số lượng 26.478 đơn vị mới thành lập.
Trong quí đầu năm nay số doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức rất cao. Ảnh: TL
(TBKTSG) - Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy trong quí đầu năm nay số doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh tiếp tục duy trì ở mức rất cao. Cụ thể, có đến 3.268 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, đến 20.636 doanh nghiệp khác ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với số lượng 26.478 đơn vị mới thành lập.
Có sinh ắt phải có tử, đó là quy luật bình thường của thị trường. Tuy nhiên, nếu những cái chết của doanh nghiệp không xuất phát từ những nguyên nhân tự nhiên, như áp lực cạnh tranh của thị trường và những “bệnh tật” của chính doanh nghiệp, mà là do tác động từ môi trường kinh doanh không trong lành, thì những cái chết đó không còn là tự nhiên nữa.
Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp phải từ bỏ kinh doanh cũng nhiều xấp xỉ với số mới thành lập, cộng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã chậm lại đáng kể trong thời gian qua, rõ ràng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn điều gì đó chưa ổn. Để có thể định danh được những yếu tố chưa ổn đó và qua đó tìm ra phương cách giải quyết hiệu quả, Chính phủ nên tổ chức các cuộc khảo sát ngay tại chính những doanh nghiệp bị phá sản, ngừng kinh doanh và phân tích đến tận ngọn ngành những nguyên nhân thuộc về môi trường kinh doanh đã khiến cho doanh nghiệp phải giải thể, phá sản.
Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và phần nào đã thành công trong việc kích thích phong trào khởi nghiệp trong toàn xã hội. Bằng chứng là số lượng doanh nghiệp mới thành lập đã tăng mạnh trong hơn một năm qua. Chỉ tiếc là con số phải khai tử và rời khỏi kinh doanh cũng nhiều không kém. Từ đó có thể thấy rằng, trong khi đã khá thành công với việc kích thích phong trào khởi nghiệp, thì Chính phủ vẫn chưa thành công trong việc giúp nâng cao khả năng sống sót cho doanh nghiệp. Nguyên nhân có lẽ là do những nỗ lực cải cách vẫn chưa đụng chạm được đến các rào cản có tính sống còn đối với họ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, đến 92% số doanh nghiệp giải thể là có quy mô nhỏ và vừa với vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng. Chúng ta biết rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa là nền tảng rất quan trọng của cả nền kinh tế nhưng họ lại là nhóm có nguy cơ “tử vong” cao nhất trước những biến động của môi trường kinh doanh. Nếu đó còn là những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, thì khả năng sống sót sẽ còn thấp hơn nữa.
Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Đó sẽ là một mục tiêu xa vời nếu số doanh nghiệp bị khai tử và từ bỏ thương trường hàng năm vẫn cao xấp xỉ số mới sinh ra. Ngược lại, nếu Chính phủ có thể thành công trong việc giúp cho nhóm doanh nghiệp có nguy cơ tử vong cao nhất gia tăng cơ hội để sống sót thì đó sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để thổi bùng phong trào khởi nghiệp và mục tiêu một triệu doanh nghiệp trong vòng bốn năm tới sẽ trở nên rất gần.
http://www.thesaigontimes.vn
Ý kiến của bạn