Khi giới doanh nhân công nghệ mê mỹ thuật
Larry Page và Sergey Brin của Google – những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ (tech entrepreneurs) – đam mê bộ môn lướt sóng. Nhiều người khác lại thích mua sắm xe hơi hay bất động sản nghỉ dưỡng tùy thuộc tính cách và lối sống của họ. Tuy nhiên, trong giới doanh nhân công nghệ đang âm thầm xuất hiện một sở thích mới: sưu tập tác phẩm mỹ thuật.
Giữa nghệ sĩ và nhà khởi nghiệp có những điểm tương đồng: cả hai lĩnh vực hoạt động của họ đều có đặc tính khởi nghiệp cao và cần sức sáng tạo mạnh mẽ.
Nhà sưu tập Paul Allen
Tỉ phú Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft là người tiên phong trong cuộc chơi này. Với những khoản đầu tư tài chính cá nhân mạnh mẽ, Allen đã cùng với các doanh nhân công nghệ khác có tham vọng đưa thế giới nghệ thuật từ Venice và Miami (hai thành phố có các hội chợ nghệ thuật – art fair – rất nổi tiếng và rất thành công) đến với Seattle, nơi Microsoft đặt tổng hành dinh. Ông đã khởi xướng và là người đồng thành lập Seattle Art Fair.
Paul Allen là một nhà sưu tập nghệ thuật đam mê và chuyên nghiệp. Ông thường xuyên xuất hiện trong danh sách 200 nhà sưu tập hàng đầu của ArtNews. Bộ sưu tập của ông bao gồm tác phẩm của Giacometti, Monet, Gauguin, Rodin, Calder, Rothko, Lichtenstein, Damien Hirst và nhiều tên tuổi lớn khác.
Trong những năm gần đây ông bắt đầu “lưu hành” các tác phẩm bằng cách cho mượn/thuê và hơn 300 tác phẩm trong sưu tập của ông đã có mặt tại 47 địa điểm khác nhau. Tổ chức từ thiện hỗ trợ nghệ thuật “Americans for the Arts” đã trao giải thưởng ghi nhận những đóng góp của Allen cho nghệ thuật vào năm 2012 (đóng góp của ông cho nghệ thuật hiện đã vượt qua con số 100 triệu USD).
Ngoài Seattle Art Fair, Allen còn thành lập Viện Pivot Art + Culture, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích chia sẻ nghệ thuật với cộng đồng cư dân Seattle.
Những nhà chuyên môn cho rằng các tỉ phú công nghệ và những nhà khởi nghiệp công nghệ thuộc thế hệ trẻ hơn đóng một vai trò tích cực và quan trọng một khi họ đam mê và hỗ trợ thế giới nghệ thuật.
Mua tác phẩm mỹ thuật sẽ hỗ trợ cho sáng tác và nhiều tác phẩm sẽ được hiến tặng cho các bảo tàng. Niềm đam mê này cũng sẽ khởi xướng nhiều dự án nghệ thuật, nhằm nuôi dưỡng cộng đồng yêu nghệ thuật và các thế hệ nhà sưu tập mới.
Những nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng trong giới công nghệ
Người giàu nhất thế giới Bill Gates là tên tuổi quen thuộc với các họa sĩ Mỹ. Ông mua bức Lost on the Grand Banks của Winslow Homer với giá 36 triệu USD vào năm 1998, bức Room of Flowers của Childe Hassam với giá 20 triệu USD năm 2001 và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của các họa sĩ Mỹ.
Larry Ellison, nhà sáng lập Công ty phần mềm Oracle hiện sở hữu bộ sưu tập khoảng 500 tác phẩm mỹ thuật, ông đặc biệt hâm mộ mỹ thuật Nhật Bản. Bộ sưu tập của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật châu Á tại San Francisco năm ngoái. Jerry Yang, nhà đồng sáng lập Yahoo lại sưu tầm thư pháp Trung Hoa. Bộ sưu tập của Yang có hơn 250 tác phẩm, từng được trưng bày tại các bảo tàng New York và San Francisco.
Chủ tịch Google Eric Schmidt sưu tập cả mỹ thuật cổ điển và đương đại. Ông yêu thích Cézanne, Rothko, Picasso và nghệ sĩ đương đại Rudolf Stingel. “Chỉ mua tác phẩm mà bạn yêu, biết một chút về nó và hân hoan tiếp tục tìm hiểu.
Cố gắng hiểu được điều căn bản làm nên cái đẹp của tác phẩm”, đó là lời khuyên của Schmidt dành cho các nhà sưu tập. Peter Norton, nhà sáng lập Norton AntiVirus đã sưu tầm nghệ thuật đương đại nhiều năm qua và đã hiến tặng hơn 1.000 tác phẩm cho 32 tổ chức trên khắp thế giới.
Ý kiến của bạn