Làn gió mới cho khởi nghiệp nông thôn
Những người trẻ có tri thức, năng động, sáng tạo đang triển khai nhiều dự án khởi nghiệp chất lượng, góp phần khai phá "mỏ vàng" tài nguyên nông nghiệp Việt.
Những người trẻ có tri thức, năng động, sáng tạo đang triển khai nhiều dự án khởi nghiệp chất lượng, góp phần khai phá "mỏ vàng" tài nguyên nông nghiệp Việt.
Việt Nam có nguyên liệu rất dồi dào nhưng lâu nay bị lãng phí, bị xem là phụ phẩm, thậm chí là "rác" vì không được sử dụng. Từ ý tưởng và sự đam mê, nhiều sản phẩm mới của các dự án khởi nghiệp ra đời, mang lại nhiều kỳ vọng cho một nền nông nghiệp bền vững từ việc giải quyết những bài toán nhỏ.
Nhiều sản phẩm mới lạ, tiềm năng
Sáng 25-9, Phiên chợ Xanh - Tử tế trên đường Pasteur (quận 3, TP HCM) đông hơn thường lệ khi có thêm một số gian hàng của các dự án khởi nghiệp đang tham gia cuộc thi "Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo" lần 8 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Tại đây, các dự án có dịp ra "thương trường" để giới thiệu sản phẩm, nhận góp ý của người tiêu dùng. Ban giám khảo chấm điểm kỹ năng bán hàng của các chủ dự án.
Gian hàng "Le Mit" từ Hậu Giang của chị Cao Thị Cẩm Nhung thu hút rất đông khách hàng vì có đến 7 sản phẩm được chế biến từ mít - nguyên liệu thay thế thịt trong các món: pa-tê mít, mọc mít, khô mít, bánh phồng mít, snack mít…
Theo chị Cẩm Nhung, năm 2020, dịch bệnh khiến cho vườn mít của gia đình không tiêu thụ được. Lúc đó, chị đang kinh doanh một hệ thống đồ ăn vặt khá thành công nên nghĩ đến chuyện chế biến mít. Nhận thấy xu hướng dùng thịt thực vật thay thế thịt động vật, chị chế biến các món ăn vặt "mặn" từ mít và được thị trường đón nhận.
Dự án đang mở rộng quy mô, nâng cấp nhà xưởng để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Đến nay, "Le Mit" dùng nguyên liệu mít non, mít già và cả mít chín để chế biến các món ăn. Nếu thị trường được mở rộng, người trồng mít ở ĐBSCL sẽ có thêm đầu ra và thị trường có những sản phẩm độc đáo.
Mít thay thế thịt được chế biến thành nhiều món ăn vặt
Thầy giáo trẻ Nguyễn Phú Cường (sinh năm 1996, dạy học tại Lâm Đồng) với sản phẩm dự thi sô-cô-la cascara (vỏ cà phê chín, tỉ lệ 60%) thì khởi nghiệp với mong muốn chủ các vườn cà phê có thêm thu nhập khi thu nhập chính là hạt cà phê bị giảm trong khi giá phân bón tăng cao.
"Tôi chọn làm sô-cô-la vì dễ bán và là một trong những mặt hàng được khách du lịch đến Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) mua nhiều nhất. Sô-cô-la cascara sử dụng tài nguyên bản địa, nhân công địa phương, là sản phẩm tốt cho sức khỏe nên càng có lợi thế và đang được bán tốt theo dạng sản phẩm "handmade" tại các khách sạn, homestay địa phương" - anh Cường chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Phú Cường, từ việc thu hoạch quả chín để bán vỏ cà phê chế biến sô-cô-la cascara thì hạt cà phê cũng có chất lượng cao hơn, bán được giá hơn, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất. Do dự án còn nhỏ, nên anh Cường mới sử dụng khoảng 15 ha cà phê sạch có chứng nhận của gia đình và các thành viên trong nhóm khởi nghiệp.
Trong tương lai, nếu thị trường lớn hơn, anh có thể mở rộng thêm diện tích cà phê thu mua. Dự án nếu thành công có thể góp phần giúp nông dân, nhất là đồng bào thiểu số, gắn bó với rẫy cà phê thay cho việc bán rẫy để sắm nhà, sắm xe nhưng sau đó mất sinh kế.
Đặc biệt, cuộc thi năm nay có 2 dự án sử dụng trái điều (đào lộn hột) để chế biến - đây là nguyên liệu các nhà vườn bỏ đi khi thu hoạch hạt điều. Đó là nhóm của Vũ Đức Ngọc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) với 5 sản phẩm từ trái điều là: nước giải khát, bột điều hòa tan, mứt điều, bột dinh dưỡng từ điều và điều sấy.
Theo Vũ Đức Ngọc, trong quả điều có chất tanin khiến người ăn có vị chát xít khó chịu nên khó chế biến. Nhóm nghiên cứu đã thành công khi ứng dụng công nghệ sinh học và enzim để loại bỏ phần lớn tanin trong trái điều để biến loại quả này trở nên hữu dụng. Hiện tại, dự án vẫn còn giai đoạn sản xuất thử nghiệm nhưng Ngọc kỳ vọng sẽ thành công, người trồng điều sẽ có thêm thu nhập.
"Đánh" đúng xu hướng tiêu dùng
Với Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan (Tây Ninh) - công ty gia đình chuyên các sản phẩm nguồn gốc thực vật tự nhiên và kinh doanh nhà hàng chay - trái điều đã có mặt trong nhiều món ăn. Tuy nhiên, đến thế hệ kế nghiệp hiện tại thì một số sản phẩm được chuẩn hóa, nâng lên quy mô sản xuất công nghiệp, trong đó có "nước mắm" trái điều.
Theo chị Âu Vương Ngọc, đại diện công ty, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận tốt nên kỳ vọng sẽ tham gia sâu vào thị trường nước mắm hơn 200 triệu lít/năm tại Việt Nam. Dù được làm từ trái điều nhưng "nước mắm" này có hương vị đặc trưng của nước mắm, thậm chí còn có cả "con mắm" (trái điều) khiến nhiều người dùng thử không khỏi ngạc nhiên. Với nguyên liệu chính là trái điều giá 5.000 đồng/kg, hiện mỗi chai nước nắm trái điều có giá chỉ 25.000 đồng/chai 500 ml nên rất nhiều người mua thử.
Là giám khảo của cuộc thi, chuyên gia Trần Anh Tuấn (Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo 3AI) nhận xét nhiều chủ dự án đã phát hiện ra những nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng để đưa ra sản phẩm mới.
"Phân khúc ăn vặt đang phát triển mạnh, chủ dự án Le Mit hướng vào phân khúc này rất thông minh khi ngày nay người tiêu dùng ăn vặt cũng cần thực phẩm lành mạnh. Xu hướng ăn chay không phải vì lý do tôn giáo đang nhiều lên, nhiều người ăn chay, ăn kiêng linh hoạt đang mở ra thị trường mới cho nhiều sản phẩm khởi nghiệp. Nhiều dự án khởi nghiệp có tính bổ trợ nhau. Tương lai, có thể sẽ có một siêu thị chuyên sản phẩm dành cho người ăn chay linh hoạt" - ông Tuấn gợi ý.
Thay đổi về chấtÔng Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, giám khảo nhiều năm của cuộc thi "Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo", nhận xét cuộc thi đã có sự thay đổi về chất. Năm nay, có nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp chất lượng. "Trước đây, nông sản loay hoay chỉ có sấy, làm trà, ngâm… thì nay hàm lượng khoa học công nghệ, sáng tạo nhiều hơn. Lần đầu tiên có những sản phẩm như: pa-tê mít, chao vị phô-mai…, rất nhiều sản phẩm phục vụ cho xu hướng ăn uống lành mạnh của người Việt. Hiện nay, có rất nhiều chủ dự án khởi nghiệp là thanh niên nông thôn được học hành bài bản, có khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, có kỹ năng thương mại hóa sản phẩm, biết làm thương hiệu. Từ thế hệ những người trẻ khởi nghiệp hôm nay, tôi rất có niềm tin tương lai không xa nền nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi tích cực" - ông Toàn bày tỏ. |
Ý kiến của bạn