Không được tăng lương
Một trong những lý do chính và lớn nhất dẫn đến việc nhân viên chia tay công ty là lương không tăng hoặc tăng không thỏa đáng.
Một bộ phận nhân viên đi làm vì đam mê, vì niềm yêu thích công việc, vì muốn va chạm, trải nghiệm,…nhưng đại đa số vẫn luôn phấn đấu vì đồng lương hàng tháng để đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của mình.
Có thể nhân viên yêu công việc hiện tại, mến công ty của bạn, nhưng khi niềm tin yêu đó không thể trang trải nhu cầu sống của họ, họ cũng sẽ không thể gắn bó lâu. Đừng để nhân viên của bạn cảm thấy chật vật, bảo đảm cuộc sống cho nhân viên chính là cách quan tâm và giữ chân nhân viên tốt nhất.
Không được ghi nhận
Bên cạnh mức lương, điều khiến nhân viên bất mãn thứ hai chính là khi công lao không được ghi nhận.
Bạn đã rất vất vả để thuyết phục khách hàng khó tính, khó khăn lắm bạn mới tìm được nhà cung cấp đáng tin cậy hay nơi tổ chức sự kiện tốt, bạn đã thức đêm để tìm cách sử dụng phần mềm mới hay nghiên cứu kế hoạch mới cho công ty,…nhưng cấp trên lại dửng dưng, coi đó là việc đương nhiên bạn phải làm và thấy bạn không có gì khác biệt những nhân viên khác.
Sự hi sinh của bạn không ai hay nhưng khi có một vấn đề nhỏ xảy ra, mọi trách nhiệm lại được lôi ra chỉ trích.
Luôn tồn tại nhóm đối tượng nhân viên yêu thích công việc hoặc môi trường công ty, họ không màng lương bổng, dù họ có được công ty khác mời làm với mức lương cao hơn, vì thế đừng quên ghi nhận và động viên nhân viên của bạn. Đó là động lực để họ cống hiến và cố gắng nhiều hơn, nhất là khi công ty bạn có quy mô nhỏ và vừa thì hãy càng chú ý đến giá trị tinh thần này nhé!
Không được tin tưởng
Bạn đã đặt lòng tin vào nhân viên của mình chưa? Khi không được tin tưởng và luôn bị nghi ngờ, tâm lý nhân viên sẽ cảm thấy không có lý do gì để tiếp tục cống hiến.
Một nhân viên kế toán bị nghi ngờ sẽ cảm thấy bị xúc phạm, một nhân viên sale không được tin tưởng sẽ không đủ tự tin để thể hiện trước khách hàng… Dù ở vị trí nào, việc cảm nhận được lòng tin từ phía công ty là điều rất quan trọng đối với nhân viên, đó là niềm tự hào và là động lực để nhân viên gắn bó.
Không được trao quyền
Hãy để nhân viên của bạn được quyền quyết định trong công việc của họ. Sau bao nhiêu năm tháng làm việc ở công ty, bạn vẫn phải hỏi cấp trên mình dù là việc rất nhỏ
“Sao em in chỗ này mà không hỏi ý kiến anh?”. Là một người quản lý, hãy trao cho nhân viên được quyền quyết định và điều hướng họ, họ sẽ biết thẩm quyền của họ tới đâu và chủ động tìm ra đâu là giải pháp tốt nhất cho công ty mỗi khi được quyết định.
Nhân viên cảm thấy gì khi được trao quyền:
Cảm thấy sếp và công ty tin tưởng
Cảm thấy mình có vị trí quan trọng trong công ty
Thấy con đường tương lai sáng hơn
Nếu bạn cứ mãi quy định phạm vi quyền hạn của họ, chẳng những sẽ làm nhân viên ỷ lại, không có chí cầu tiến, mà còn làm họ không có lý do để tự hào về bản thân khi làm việc tại công ty bạn, do đó họ sẽ dễ dàng rời bỏ công ty.
Không có cơ hội phát triển
Có 43,2% sinh viên muốn lần thăng chức sau 2 năm kể từ khi làm việc, 33,6% mong muốn thăng chức sau một năm đi làm.
Số liệu này chưa kể những bạn muốn và cố gắng làm ở vị trí cao ngay từ khi mới ra trường. Dù thế nào bạn hãy vui mừng vì nhân viên của bạn luôn có chí tiến thủ, vì thế họ sẽ cố gắng làm tốt để được thăng tiến lên vị trí cao hơn. Chính vì thế công ty cần cho nhân viên thấy lộ trình thăng tiến của họ như thế nào để họ có mục tiêu phấn đấu.
Cơ hội phát triển không chỉ là khả năng thăng tiến, đó còn là sự phát triển kỹ năng công việc của bản thân. Chính vì thế một số lượng lớn nhân viên đã rời bỏ công ty vì cảm thấy “không học hỏi được nhiều”.
Các diễn giả khi giao lưu với sinh viên đều giải thích việc học được gì hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân các nhân viên, nhưng thực tế sẽ không có nhiều nhân viên hiểu và chấp nhận điều đó. Chính vì thế dưới góc độ một nhà quản lý, để giữ chân nhân viên, dù bộ phận nào đó không có ai trực tiếp hướng dẫn công việc, nhưng công ty hãy luôn tạo môi trường cởi mở, sẵn sàng tạo điều kiện cho nhân viên tự học hỏi để giúp đỡ công ty. Có như thế nhân viên mới có thể gắn bó với công ty lâu dài.
Không tôn trọng nhân viên
Khi làm việc cho một công ty, mọi nhân viên đều mong muốn mình có một vị trí nhất định tại công ty đó. Chính vì thế, đừng xem nhân viên chỉ là người làm công, hãy xem họ là những người cộng sự của bạn.
có thể thấy, khi mức lương có thể được đáp ứng càng nhiều mức nhu cầu thì nhân viên càng yên tâm gắn bó làm việc với công ty.
Hãy tôn trọng họ trong cách làm việc và trong chế độ công ty (không ép nhân viên làm việc quá sức, quan tâm khi gia đình nhân viên có vấn đề,…). Đừng bỏ lơ lời nói của họ trong cuộc họp hay lúc đóng góp ý kiến ngoài giờ. Tất cả sẽ làm nhân viên cảm thấy được quan tâm, được trân trọng và gắn bó với công ty hơn.
Sếp thiên vị
Không gì làm tinh thần nhân viên bất mãn hơn việc thiên vị. Khi bước vào môi trường công sở, mọi người đều nghĩ mình có quyền lợi ngang nhau và ai cố gắng nhiều hơn sẽ được công ty ghi nhận. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như một người không cố gắng hoặc không có năng lực lại được trân yêu hơn chỉ vì một lý do không liên quan đến công việc?
100% các nhân viên nhìn nhận điều này sẽ cảm thấy không hài lòng, họ sẽ nghĩ không có lý do gì để cố gắng và cống hiến ở môi trường này nữa.
Chính vì thế nhà quản lý cần phải thật công tư phân minh, khen đúng lúc phạt đúng tội thì nội bộ mới bền vững.
Đồng nghiệp
Bên cạnh các nguyên nhân từ công ty, từ sếp thì đồng nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp nghỉ việc của nhân viên.
Làm việc giữa con người và con người với nhau không tránh khỏi những va chạm và không hài lòng. Những trường hợp bất đồng giữa các nhân viên thường là:
Bất đồng quan điểm trong công việc
Bất đồng quan điểm về một việc ngoài công ty
Nói xấu đồng nghiệp với sếp
Soi mói và dựng nên những câu chuyện không hay về người khác
Mỗi khi có trường hợp không hay xảy ra giữa các nhân viên, cấp quản lý cần gặp riêng để giải quyết mâu thuẫn. Tránh trường hợp than hồng âm ỉ dưới rơm lâu ngày. Đã có khá nhiều công ty sa thải nhân viên vì gây mất tinh thần đoàn kết và củng cố nội bộ ngày một vững mạnh hơn, nhưng nếu công ty giải quyết không nghiêm minh, không công bằng, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Tìm hiểu và áp dụng tháp nhu cầu của Tiến sĩ tâm lý Abraham Harold Maslow sẽ giúp công ty bạn thấu hiểu những mong muốn của nhân viên tốt hơn.
Ngày nay, hợp đồng lao động các công ty có bổ sung điều khoản về việc nhân viên nghỉ việc giữa chừng đã hạn chế được phần nào tình trạng bỏ việc của nhân viên. Nội lực không mạnh không thể đánh thắng trận ngoài, chính vì thế các nhà quản lý hãy luôn theo dõi, chấn chỉnh các chính sách và văn hóa công ty, có như thế nhân viên mới an tâm và làm việc lâu dài.
Ý kiến của bạn