Nhiều ưu đãi cạnh tranh

Mới đây, Mai Linh taxi tuyên bố ra mắt xe ôm công nghệ với tên gọi Mai Linh Bike. Xe ôm công nghệ của Mai Linh được tích hợp bên trong ứng dụng Mai Linh Online để người tiêu dùng có thể lựa chọn giữa đi taxi hoặc đi bằng xe máy.

Hãng cần tài xế, nhưng ngày càng nhiều người không còn mặn mà xe ôm công nghệ vì nhiều lý do như lương thấp, không ổn định, chính sách thưởng ngày càng thu hẹp… 

Việc Mai Linh gia nhập lĩnh vực xe ôm công nghệ không đối mặt với việc cạnh tranh về thị phần, Mai Linh còn gặp rất nhiều áp lực để thu hút lái xe, cũng như chính sách khác biệt để thu hút nhân sự. Từ đó, thị trường nhân sự cho xe ôm công nghệ cũng sẽ thay đổi ít nhiều do cạnh tranh.

Khi ra mắt ứng dụng xe ôm công nghệ Mai Linh tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh với những đối thủ hiện nay.

Giá cước Mai Linh Bike phổ thông sẽ được tính mức 11.000 đồng cho 2 km đầu. Từ km thứ 3 được tính giá 3.700 đồng/km, không tính giá cước thời gian.

Để thu hút đối tác, hãng đưa ra chương trình tỷ lệ chia doanh thu 0% trong 2 tháng đầu kể từ khi đăng ký. Các tháng tiếp theo, tỷ lệ chia doanh thu đối với đối tác là 15%, và khẳng định mức chiết khấu này thấp hơn các hãng xe công nghệ khác đang áp dụng (từ 20-25%).

Trên website của Mai Linh Group, bên cạnh hướng dẫn cài đặt ứng dụng đặt xe Mai Linh Bike còn có thông báo tuyển dụng tài xế xe ôm (mà Mai Linh gọi là đối tác) với lời mời chào khá hấp dẫn như: thu nhập ổn định, chủ động về thời gian với mức phí dịch vụ chỉ 15% (miễn phí dịch vụ đến ngày 19/1/2018) và số tiền nộp lần đầu để duy trì tài khoản chỉ 100.000 đồng. Đặc biệt, 5.000 đối tác đầu tiên đăng ký sẽ được tặng áo thun, mũ bảo hiểm.

Bàn đăng ký ngay tại vỉa hè của Mai Linh.

Bàn đăng ký ngay tại vỉa hè của Mai Linh.

Đặc biệt, để thu hút tài xế xe ôm công nghệ, mới đây, Mai Linh đã đặt bàn tuyển dụng rầm rộ ngay tại vỉa hè. Tài xế đến đăng ký được xử lý hồ sơ nhanh chóng để sẵn sàng chạy xe.

Tại bàn tuyển dụng có ít nhất ba nhân viên của Công ty Mai Linh hướng dẫn các tài xế làm thủ tục. Các giấy tờ được yêu cầu gồm bằng lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm xe máy, CMND, thẻ sinh viên… Các tài xế nộp đầy đủ giấy tờ trên sẽ được nhân viên tiến hành kiểm tra và chụp lại biển số xe.

Sau khi hoàn thành thủ tục, các tài xế tiếp tục được đưa lên trụ sở để cung cấp thêm một số thông tin cần thiết. Đồng thời, được tham tham gia một lớp tập huấn ngắn (khoảng 90 phút) về đào tạo văn hóa doanh nghiệp, gồm cách giao tiếp với khách, chính sách chiết khấu… Cuối cùng, tài xế sẽ được cấp phát hai mũ bảo hiểm, đồng phục và kích hoạt tài khoản, sẵn sàng chạy xe.

Rất nhiều ứng viên đã đến đăng ký trở thành đối tác của Mai Linh Bike trong đó có nhiều tài xế của UberMoto hoặc GrabBike giờ muốn chuyển đổi sang ứng dụng mới. 

Đấu tranh bằng... cạnh tranh

Được biết, vào khoảng cuối năm 2016 đầu năm 2017, Uber và Grab cũng có nhiều chế độ thưởng hấp dẫn để thu hút tài xế lái taxi công nghệ đến mức nhiều người sẵn sàng vay tiền bạn bè, vay tiền ngân hàng để mua ôtô chạy Grab, Uber.

Tài xế xe ôm công nghệ của 2 hãng này cũng nhận được những ưu đãi hấp dẫn không kém. Nhiều tài xế cho biết Grab từng hỗ trợ tài xế GrabBike với những cuốc ngắn vào giờ cao điểm ở mức 35.000 đồng/cuốc thu về. Giờ cao điểm là từ 6-9h và 16-20h. Theo đó, tài xế cứ ra đường, chạy được 5 cuốc ngắn vào giờ cao điểm là có thể đút túi hàng trăm nghìn đồng.

Tài xế Grab cũng được miễn phí đồng phục và nhiều chế độ ưu đãi khác. Đặc biệt, mức thưởng giới thiệu thêm đối tác của GrabBike từng lên tới 800.000 đồng/lần giới thiệu thành công. Đến nay, mức khuyến khích này xuống còn 300.000 đồng/lần giới thiệu thành công.

Việc liên tục đưa ra chính sách đãi ngộ tốt, thu hút bằng thưởng cao cho thấy tài xế (đối tác) là một phần đặc biệt quan trọng trong hệ thống của Grab, Uber.

Là một "tân binh" trong lĩnh vực xe ôm công nghệ, việc Mai Linh cần làm là tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng, dịch vụ cũng như nâng cấp ứng dụng công nghệ để cạnh tranh với Uber và Grab. 

Trả lời trên Zing, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, cần phải tạo ra giá trị cốt lõi cho người lao động nếu muốn thu hút được tài xế, đó chính là vấn đề thu nhập và tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp.

Ông Hiển phân tích các mức thưởng của hãng rồi sẽ qua đi nhưng thu nhập ổn định là chia khóa lớn nhất giúp tài xế gắn bó. Có thể các hãng xe ôm công nghệ chỉ áp dụng một lượng xe nhất định trên một thành phố. Qua đó, đảm bảo tài xế có một mức thu nhập khá trên tập khách hàng xác định mà không lo lượng xe vượt quá cao, thu nhập bị chia sẻ.

"Chỉ thu nhập ổn định mới là sự cạnh tranh lớn nhất", ông nói.