Với mức vốn hóa thị trường khoảng 400 tỷ USD mỗi công ty và giá cổ phiếu của cả 2 không ngừng tăng vọt trong thời gian qua, không nghi ngờ gì nữa, Tencent và Alibaba đều dễ dàng thâu tóm các doanh nghiệp lọt vào “mắt xanh” của họ, đặt các nhà đầu tư khác vào thế “bơi cùng cá mập lớn”.

Nhường trước khi bị bắt nạt

Gần một thập kỷ trước, Xie Guomin - nhà sáng lập Công ty China Music, đã dày công chuẩn bị cho dịch vụ kinh doanh nhạc trực tuyến ở Trung Quốc. Anh đã dành 8 năm để tập hợp bản quyền sử dụng hàng chục ngàn bài hát, xây dựng nên một thư viện âm nhạc khổng lồ, giúp cho ứng dụng âm nhạc của mình giành được thị phần lớn nhất tại thị trường nội địa.


Tuy nhiên năm ngoái, Xie đã có một quyết định bất thường: ký kết hợp nhất 50-50 với một đối thủ nhỏ hơn và ít thành công hơn: QQ Music. Ở thời điểm hợp nhất, Công ty China Music có doanh thu và số khách hàng trung thành cao gấp đôi đối tác.

Xie Guomin thẳng thắn cho biết, anh không có nhiều lựa chọn, bởi QQ Music thuộc sở hữu của Tencent Holdings, công ty công nghệ lớn thứ nhì của Trung Quốc. Xie biết rằng đến một lúc nào đó, khi vấn đề bản quyền âm nhạc Trung Quốc được đưa vào khung khổ, Tencent sẽ tăng cường đầu tư vào thị trường này và với tiềm lực khủng, “cá mập” sẽ dễ dàng qua mặt đội của anh.

"Hiện tại chúng tôi có nhiều người dùng hơn Tencent. Nhưng nếu họ muốn cạnh tranh họ có thể thay đổi thị phần một cách nhanh chóng, vì họ có thể trả cao gấp 10 lần chúng tôi để làm nội dung", Xie thừa nhận.

Quả thực, rất ít doanh nghiệp công nghệ có thể nói “không” với Tencent hay Alibaba. Hai gã khổng lồ công nghệ có tên trong danh sách các tập đoàn giàu có nhất thế giới (chứ không chỉ ở Trung Quốc) có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn rẻ hơn và - khỏi phải nói - có túi tiền to nặng đủ đè bẹp hầu hết các nhà đầu tư khác. Tencent và Alibaba đều có mức vốn hóa thị trường khoảng 400 tỷ USD mỗi công ty và giá cổ phiếu của cả 2 không ngừng tăng vọt trong thời gian qua.

“Nuốt chửng” các start-up

Mặc dù ban đầu hoạt động trong các lĩnh vực riêng biệt - Tencent “thống trị” các phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi, còn Alibaba điều hành mạng thương mại điện tử - nhưng thông qua hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập… ranh giới giữa các lĩnh vực ngày nay đang dần mờ nhòe đi.

Kết quả là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai công ty thuộc loại giàu nhất và phát triển nhanh nhất thế giới này đang “phủ sóng” rất rộng, từ trí tuệ nhân tạo tới cung cấp nội dung thông tin, giải trí; từ phân phối thực phẩm đến dịch vụ tài chính ngân hàng, thậm chí cả nghiên cứu nhân trắc học để phát triển các công nghệ nhận dạng giọng nói...

Thực tế, cả 2 đều đang chuyển mình từ các doanh nghiệp công nghệ thành các công ty đầu tư lớn. Và cả hai đều chi hàng tỷ đô la cho việc mua lại cổ phiếu của hàng loạt công ty nhỏ hơn trong những năm gần đây. Alibaba chi 4,7 tỷ USD cho Công ty trình duyệt UCWeb của Trung Quốc vào năm 2014. Không chịu kém cạnh, Tencent chi 8,6 tỷ USD cho Supercell, nhà sản xuất trò chơi điện tử Phần Lan Clash of Clans hồi năm ngoái.

Ngoài những giao dịch “khủng” này, cả hai còn đang thường xuyên thực hiện các giao dịch nhỏ hơn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp dĩ nhiên là “món ngon” ưa thích.

Alibaba đã chi tổng cộng hơn 1,72 tỷ USD để mua ít nhất 50 công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ kể từ năm 2013, theo Dealogic.

Cùng kỳ, Tencent đã chi ít nhất 780 triệu USD. Cần nhớ rằng cơ sở dữ liệu Dealogic chỉ ghi nhận 50 thỏa thuận nhỏ nhất của mỗi công ty kể từ năm 2013, vì vậy số vụ mua vào (cùng với đó là những khoản tiền tỷ đô) mà hai gã nhà giàu công nghệ đã thực hiện chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều.

Sức mạnh thị trường và vị trí người dẫn đầu của Alibaba và Tencent có thể làm hài lòng các cổ đông, nhưng có thể coi là “tin xấu” đối với các nhà đầu tư khác

Đôi khi Tencent và Alibaba cùng “bỏ trứng vào một giỏ”. Nhưng thường thì họ là những đối thủ đáng gờm của nhau. Và chính họ, cùng với cuộc đua thương trường gay gắt của mình, đã định hình diện mạo thị trường Trung Quốc.

Sự thống trị của Alibaba và Tencent dĩ nhiên cũng có mặt trái của nó. Sức mạnh thị trường và vị trí người dẫn đầu của Alibaba và Tencent có thể làm hài lòng các cổ đông của họ, nhưng chắc chắn là “tin xấu” đối với các nhà đầu tư khác. Có lẽ quỹ đầu tư duy nhất đang hoạt động tại Trung Quốc mà hai “cá mập lớn” này phải để mắt dè chừng, dù vẫn còn khoảng cách khá xa, là SoftBank. Nhà đầu tư này có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. SoftBank đang vận hành Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD.

Tuy thế, SoftBank không có “hiệu ứng hào quang” mà Alibaba và Tencent sở hữu. Trong mắt cả người tiêu dùng và chính quyền, hai công ty này đại diện cho nền kinh tế sáng tạo mà Trung Quốc đang hướng đến.

Các nhà quan sát cho rằng, vị thế độc quyền của hai tập đoàn này có tác động tiêu cực đến sự đổi mới và tính cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc.

Kai Fang, Giám đốc điều hành của Renaissance (một ngân hàng thương mại chuyên về các giao dịch công nghệ) tại Trung Quốc thẳng thừng bình luận: “Sự thống trị của họ đã trở thành một trở ngại lớn”.