Masan Resources: Thanh tra môi trường dự án Núi Pháo là dịp để làm tốt hơn
Ngày 17/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources), Chủ đầu tư mỏ Vonfram Núi Pháo, đại điện Công ty đã thông báo tình hình cập nhật thực hiện thanh tra tại Dự án này.
Ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Masan Resources cho biết, việc thanh tra dự án Núi Pháo được thực hiện theo Quyết định thanh tra số 2191/QĐ-BTNMT ngày 23/9/2016 thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai, và tài nguyên nước.
“Đây không phải là cuộc thanh tra toàn diện nhưng phạm vi thanh tra đối với dự án tương đối rộng và bao gồm tất cả các lĩnh vực có liên quan đến chấp hành pháp luật môi trường”, ông Hồng cho biết.
Ông Vũ Hồng, Phó Tổng giám đốc Masan Resources(thứ 3 từ trái qua) báo cáo với Cổ đông về tình hình thanh tra tại dự án Núi Pháo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources) ngày 17/4. |
Về tiến trình thực hiện cuộc thanh tra, ông Hồng cho biết, ngày 28/9/2016, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trưởng đoàn thanh tra đã công bố quyết định thanh tra tại trụ sở UBND tỉnh Thái Nguyên với sự chứng kiến, tham gia của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ, Masan Resources và một số cơ quan truyên thông trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Thanh tra gồm 31 thành viên của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, Cảnh sát Môi trường Thái Nguyên và các cơ quan quản lý, các chuyên gia đầu ngành của các cục thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị bên ngoài như: Cục kiểm soát ô nhiễm, Cục kiểm soát hoạt động Khoáng sản, Cục kiểm soát hoạt động Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Mỏ địa chất, Hội đánh giá Tác động Môi trường.
“Chúng tôi cho rằng, đội ngũ đông đảo và giàu kinh nghiệm trong thành phần đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường là nhằm đảm bảo về chất lượng và tính khách quan của cuộc thanh tra”, ông Hồng cho biết.
Đại diện Masan Resources cho hay, ngay sau khi công bố quyết định thanh tra, Đoàn Thanh tra đã tiến hành làm việc liên tục tại khu vực dự án của Masan Resources và chia thành 4 nhóm thanh tra như các lĩnh vực bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và nước.
Đoàn đã tổ chức đi thực địa như thăm khu khai thác, nhà máy chế biến, kiểm tra các khu vực đã thu hồi đất, các khu bố trị tái định cư, thăm các khu vực hồ chứa đuôi quặng, các điểm xả thải, thăm các nhà dân ở xóm 3, xóm 4 ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ và làm việc với các cơ quan chính quyền cấp tỉnh, huyện Đại Từ và các xã vùng dự án trong suốt 45 ngày thực hiện công tác thanh tra.
Đoàn đã lấy trên 100 mẫu về chất thải rắn , lỏng và khí ở nhiều địa điểm khác nhau, ở các thời gian khác nhau, kể cả tổ chức lấy mẫu đột xuất về phân tích. Các điểm lấy mẫu chính bao gồm cửa xả thải, khu vực các nhà máy , trạm xử lý nước thải, các khu hồ chứa đuôi quặng và chất thải rắn, các điểm thuộc xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng.
“Trong suốt quá trình Đoàn tới làm việc, công ty chúng tôi luôn hợp tác tốt với Đoàn Thanh tra như: chuẩn bị và gửi báo cáo có đầy đủ thông tin theo như yêu cầu của Đoàn, giải trình các vấn đề mà Đoàn nêu ra, thực hiện ngay một số việc trong quá trình Đoàn thực hiện công tác thanh tra. Hiện nay, công ty đang chờ kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Hồng cho biết.
Liên quan đến nội dung này, đại diện của Masan Resources cũng khẳng định rằng, Masan Resources đã tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường trước khi tiến hành dự án và thực hiện tốt kế hoạch quản lý môi trường trong suốt quá trình xây dựng, khai thác và chế biến như: lập Báo cáo tác động môi trường (ĐTM), phê duyệt ĐTM, giấy phép xả thải...
Đối với vấn đề quan trắc các yếu tố môi trường, Masan Resources tự làm và sử dụng các đơn vị bên ngoài thực hiện cùng công ty để đảm bảo tính khách quan như Viện sức khoẻ cộng đồng, SGS,...các mẫu được lấy hàng ngày và phân tích.
“Các báo cáo về thực hiện quản lý môi trường đều được công ty chúng tôi lập và gửi theo đúng quy định, thời gian, gửi đến tất cả các nơi quy định, trong đó có cả báo cáo tóm tắt các kết quả phân tích mẫu đến công đồng dân cư vùng dự án. Tính đến nay, công ty đã lấy tổng cộng 22.255 mẫu về chất thải rắn , mẫu nước và mẫu không khí.Tới đây, công ty sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và dẫn truyền kết quả quan trắc về Sở Tài nguyên Môi trường Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên”, ông Hồng cho biết.
Ngoài ra, theo ông Hồng, Masan Resources đã tích cực, chủ động giải quyết khiếu nại và công bố kịp thời các thông tin có liên quan đến dự án và cộng đồng. Đồng thời, có các kế hoạch khác để hỗ trợ cộng đồng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của công ty như: kế hoạch phát triển cộng đồng hàng năm, các chương trình phục hồi thu nhập- cải thiện sinh kế, an toan trong sản xuất, an toàn cộng đồng vùng dự án.
“Công ty nhận thức rằng cuộc thanh tra lần này được thực hiện sau nhiều năm công ty đã làm các công việc thu hồi đất, xây dựng và đặc biệt là thực hiện chế biến các sản phẩm từ năm 2013 nên việc thanh tra lần này là dịp để chúng tôi biết được các điểm công ty đã làm tốt, các tồn tại cần khắc phục để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường”, ông Hồng cho biết.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn