Nghị định số 81/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông
Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông (Nghị định số 25/2011/NĐ-CP)
1. Sửa đổi Điều 4 như sau:
a) Bãi bỏ cụm từ “dưới hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp” quy định tại khoản 1;
b) Bãi bỏ cụm từ “trực tiếp” quy định tại khoản 2.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
Đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông cần quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đăng ký đầu tư phải gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
3. Bãi bỏ khoản 3 Điều 10.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông
1. Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được giao kết giữa doanh nghiệp viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông.
2. Hợp đồng, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
3. Đối với dịch vụ viễn thông thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định phải có hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ, Bộ Công Thương chấp thuận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của doanh nghiệp viễn thông sau khi thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Đối với dịch vụ viễn thông không thuộc danh mục dịch vụ quy định tại khoản 3 Điều này và thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định phải có hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy trình thủ tục áp dụng như đối với dịch vụ viễn thông thiết yếu tại khoản 3 Điều này với Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về yêu cầu, nội dung chuyên ngành tối thiểu, quy trình thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 như sau:
“1. Hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông phải gửi 05 bộ hồ sơ tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13);
c) Bản sao điều lệ đang có hiệu lực của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
d) Văn bản xác nhận vốn pháp định theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;
đ) Kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Dự báo và phân tích thị trường; phương án kinh doanh; doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng năm; hình thức đầu tư, phương án huy động vốn; nhân lực (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
e) Kế hoạch kỹ thuật tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Cấu hình mạng lưới, thiết bị theo từng năm, cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng lưới, thiết bị; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên viễn thông; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; biện pháp bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn, an ninh thông tin (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
g) Văn bản cam kết thực hiện giấy phép theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông phải gửi 05 bộ hồ sơ tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13);
c) Bản sao đang có hiệu lực điều lệ của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;
d) Kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Loại hình dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ; giá cước dịch vụ; dự báo và phân tích thị trường, doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng năm; hình thức đầu tư phương án huy động vốn; nhân lực; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp ngừng kinh doanh dịch vụ (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
đ) Kế hoạch kỹ thuật tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 05 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép bao gồm các nội dung chính sau: Cấu hình mạng viễn thông sẽ sử dụng theo từng năm, cả phần chính và phần dự phòng; phân tích năng lực mạng và thiết bị viễn thông; dung lượng các đường truyền dẫn; tài nguyên viễn thông; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; kết nối viễn thông; phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ; biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này)”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông xem xét và thông báo cho doanh nghiệp biết về tính hợp lệ của hồ sơ;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 20 Nghị định này, doanh nghiệp được cấp giấy phép viễn thông trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm thực hiện giấy phép theo thông báo của Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;
d) Trường hợp từ chối cấp phép, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép biết”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Công bố nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp phải đăng trên một trong các tờ báo viết trong ba số liên tiếp hoặc báo điện tử và trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông trong 20 ngày nội dung quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 5 Điều 23 Nghị định này.”
6. Bổ sung Điều 23a như sau:
“Điều 23a. Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 36 Luật viễn thông.
2. Điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Luật viễn thông bao gồm:
a) Doanh nghiệp không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành;
b) Doanh nghiệp có tổ chức bộ máy và nhân lực đảm bảo thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch kỹ thuật và phương án bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
“Điều 24. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép và thực hiện thủ tục thông báo
1. Trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp đã được cấp phép phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông khi có ít nhất một trong những thay đổi sau:
a) Thay đổi tên doanh nghiệp được cấp phép;
b) Thay đổi phạm vi thiết lập mạng viễn thông, phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông, loại hình dịch vụ, nhu cầu sử dụng tài nguyên viễn thông đã được cấp phép theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Đề nghị được cung cấp các dịch vụ viễn thông chưa quy định trong giấy phép và cơ quan có thẩm quyền cấp phép cung cấp dịch vụ đó là cơ quan đã cấp giấy phép đang có;
d) Ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép.
2. Trong thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp không phải làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép nhưng phải thông báo cho Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông các thông tin liên quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có ít nhất một trong những thay đổi sau:
a) Địa chỉ trụ sở chính;
b) Người đại diện theo pháp luật;
c) Vốn pháp định hoặc vốn đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ yêu cầu về vốn pháp định quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21 Nghị định này;
d) Tỷ lệ góp vốn giữa các thành viên góp vốn nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ yêu cầu về đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp, yêu cầu về sở hữu quy định tại Điều 3 Nghị định này.”
8. Bổ sung Điều 24a như sau:
“Điều 24a. Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông phải gửi 03 bộ hồ sơ tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép.
2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông do thay đổi tên doanh nghiệp bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13);
c) Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày được cấp giấy phép đến ngày nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép do mở rộng phạm vi thiết lập mạng viễn thông công cộng, bổ sung dịch vụ viễn thông được phép cung cấp bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày được cấp giấy phép đến ngày nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch kỹ thuật sửa đổi, bổ sung đối với phạm vi thiết lập mạng mở rộng thêm, đối với dịch vụ dự kiến cung cấp mới theo Mẫu số 04 và Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; thẩm định và quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, bổ sung biết.
5. Việc sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện dựa trên điều kiện cấp phép tương ứng quy định tại Điều 23a Nghị định này.
6. Giấy phép sửa đổi, bổ sung có giá trị hiệu lực kể từ ngày cấp sửa đổi, bổ sung tới ngày hết giá trị hiệu lực của giấy phép đề nghị sửa đổi, bổ sung.
7. Việc công bố nội dung sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định này”.
9. Bổ sung Điều 24b như sau:
“Điều 24b. Gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông muốn gia hạn giấy phép phải gửi 03 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 60 ngày trước ngày giấy phép hết hạn và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo việc thực hiện giấy phép kể từ ngày được cấp đến ngày đề nghị gia hạn theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông tiếp nhận và xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; thẩm định và quyết định gia hạn giấy phép theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp đề nghị gia hạn biết.
4. Việc xét gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện dựa trên việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đề nghị được gia hạn và các quy định của pháp luật về viễn thông.
5. Giấy phép gia hạn có giá trị hiệu lực kể từ ngày hết hạn của giấy phép đề nghị được gia hạn. Thời hạn của giấy phép gia hạn được xét theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật viễn thông.
6. Việc công bố nội dung gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định này.”
10. Bổ sung Điều 24c như sau:
“Điều 24c. Cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông muốn tiếp tục kinh doanh dịch vụ viễn thông theo nội dung giấy phép đã được cấp phải gửi hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 60 ngày làm việc trước ngày giấy phép hết hạn.
2. Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng bao gồm các tài liệu quy định Điều 23 Nghị định này và báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày được cấp tới ngày đề nghị cấp mới giấy phép theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Việc xét cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 23a Nghị định này ngoại trừ quy định “doanh nghiệp không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành”, có xem xét việc tuân thủ quy định trong giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đề nghị được cấp mới và quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
4. Giấy phép cấp mới có giá trị hiệu lực kể từ ngày hết hạn của giấy phép đề nghị được cấp mới. Thời hạn của giấy phép cấp mới được xét theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật viễn thông.
5. Việc công bố nội dung cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định này.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Điều 11, Điều 12, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 25 và Điều 26 Thông tư số 12/2013/TT-BTTTT ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông hết hiệu lực.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Ý kiến của bạn