Những điều cần lưu ý về mâm lễ cúng ngày rằm tháng 7
Hàng năm, cứ mỗi dịp trăng tròn tháng 7 âm lịch, các gia đình lại chuẩn bị những mâm lễ cúng bày tỏ lòng thành kính lên Đức Phật, chư vị thần linh, ông bà tổ tiên và phát lộc cho những vong hồn không nơi nương tựa.
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn hay tháng ma quỷ. Vào thời điểm này, Diêm Vương mở cửa cho các vong hồn được tự do đi lại nơi trần thế, đây vốn là những vong hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, chết đường chết chợ, không nơi nương tựa, không tìm được hướng về với gia đình. Cũng vào thời điểm tháng 7 này, theo đạo Phật, đây là tháng Vu Lan báo hiếu, gắn liền với chuyện của Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ diễn ra từ thời Đức Phật còn tại thế.
Hình ảnh Diêm Vương cai quản Quỷ Môn Quan
Lễ cúng cô hồn, ma quỷ khác với mục đích của lễ cúng Vu Lan báo hiếu, tuy nhiên lại được tổ chức trong cùng một ngày nên nhiều người không phân biệt rõ, tên gọi nhiều khi không nắm được hết ý nghĩa, thường nhầm tưởng là một.
Lễ cúng cô hồn, ma quỷ là giúp cho những vong hồn còn vảng vất nơi dương gian sớm được siêu thoát, không quấy nhiễu công việc và cuộc sống của những người con sống. Lễ cúng Vu Lan là để bày tỏ lòng thành kính lên các bậc cha mẹ nhiều kiếp được siêu thoát, có cuộc sống yên ổn, sung sướng, không đày ải khổ đau.
Một bên là bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng, một bên là báo hiếu, tính chất của 2 lễ cúng khác nhau, bởi vậy nên mâm lễ cúng cũng có những điểm cần phải lưu ý.
Cúng rằm tháng 7 thực chất không cần thiết phải mâm cao, cỗ đầy mà ở cái tâm và lòng thành của mỗi người. Ngày lễ Vu Lan, ngoài việc lên chùa làm lễ, tại tư gia, các gia đình nên làm một mâm cơm thắp hương lên bàn thờ Đức Phật, chư vị thần linh và ông bà tổ tiên. Việc cúng Vu Lan tại nhà nên thực hiện theo các khóa lễ: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và phóng sinh.
1. Mâm lễ cúng Đức Phật, chư vị thần linh và gia tiên
Mâm lễ này thường được chuẩn bị trước ngày 15 tháng 7 âm lịch và được tổ chức trong nhà.
Đối với mâm lễ cúng Đức Phật, chủ yếu là đồ chay hoặc mâm ngũ quả, không bày đồ ăn mặn. Theo quan niệm xưa, mâm cúng Đức Phật nên làm vào ban ngày. Khi cúng nên đọc khóa kinh Vu Lan để hiểu rõ hơn về ngày báo hiếu, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.
Đối với mâm lễ cúng tạ ơn chư vị thần linh và gia tiên, các gia đình chuẩn bị đồ cúng tùy tâm, có thể là đồ chay hay đồ mặn đều được hoặc kết hợp cả hai và tốt nhất là cúng vào ban ngày.
Theo quan niệm dân gian, cứ đến tháng 6 - 7 âm lịch là vào thời điểm thu hoạch mùa màng. Để công việc được thuận buồm xuôi gió, không gặp khó khăn, trắc trở, người dân thường khấn cầu thần linh, thổ địa... bắt giam những yêu ma, oan hồn quấy nhiễu công việc và cuộc sống của họ. Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất.
Mâm lễ cúng thần linh và gia tiên thường được các gia đình chuẩn bị đồ mặn nhiều hơn, mặc dù theo giáo lý nhà Phật, cúng đồ chay bao giờ cũng tốt hơn. Mâm lễ thường có hương, hoa, xôi, gà, rượu và một vài món ăn sáng tạo thể hiện lòng thành của mỗi người. Khi cúng phải có kèm cả tiền vàng, hàng mã, giày dép, quần áo, những vật dụng hiện đại...để ông bà cha mẹ nơi chín suối được hưởng cuộc sống hạnh phúc, sung sướng như ở dương gian.
2. Mâm lễ cúng chúng sinh, "xá tội vong nhân"
Lễ cúng cô hồn, ma quỷ nên thực hiện vào lúc xẩm tối. Bởi theo quan niệm dân gian, ánh sáng ban ngày rất mạnh mà các vong hồn thì yếu ớt, không thể lấy được thức ăn mà cứ vất vưởng, quấy nhiễu. Thời điểm xẩm tối là lúc thích hợp để bố thí cho chúng sinh, xua đuổi oan hồn để chúng không làm phiền các gia đình.
Mâm cỗ cúng cô hồn thường được đặt ngoài sân, nên cúng đồ chay để không phát sinh thêm lòng tham của vong hồn.
Mâm cúng thường gồm tiền lẻ, cháo trắng, chè trắng, xôi trắng nắm thành những nắm nhỏ, càng nhiều càng tốt để chúng không tranh cướp nhau. Ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn, lạc, hoa quả, bỏng, bim bim và đặc biệt đừng quên một bát gạo trộn muối để rắc cuối buổi cúng. Lưu ý bạn phải rắc về tứ phương tám hướng, tránh rắc vào trong nhà kẻo đưa oan hồn vào tư gia quấy phá. Đây cũng là một hình thức để tiễn người âm đi.
Đối với vàng mã cúng chúng sinh nên khiêm tốn, mỗi thứ 1 ít, nhỏ bé thôi, nhiều nhưng phải giống nhau để tránh tranh cướp.
Ngày xưa, sau khi cúng chúng sinh xong, trẻ con thường đến tranh cướp mâm cỗ, như vậy mới đúng. Vì theo quan niệm, cúng xong là phải tán lộc, đem cho, chứ không giữ ở trong nhà, như vậy sẽ không tốt.
Ngày rằm tháng 7 hằng năm trở thành một nét đặc trưng độc đáo của người Việt Nam. Đây cũng là thời điểm các gia đình sum vầy, quây quần bên mâm cơm đầm ấm, vui vẻ, xua đuổi những muộn phiền. Dù chỉ là tục lệ nhưng cũng khiến mỗi người cảm thấy vững tâm hơn, an yên hơn.
Theo Emdep.vn
Ý kiến của bạn