Phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia, quốc tế
(Công nghệ) - Ngày 10/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019)
(Công nghệ) - Ngày 10/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019)
Diễn đàn do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Quỹ Đầu tư Golden Gate Ventures phối hợp tổ chức nhằm tạo kết nối với các Quỹ đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tới môi trường kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện nhiều bộ, ngành, quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự sự kiện.
Đây là diễn đàn đối thoại chính sách đầu tiên giữa các quỹ đầu tư trong và ngoài nước với Chính phủ và cộng đồng start-up Việt Nam. Sự kiện quy tụ những tên tuổi lớn như Softbank Vision Fund; Sequoia, SK, Temasek, Insignia, Golden Gate Venture, Hanwha..., là các quỹ hàng đầu đến từ Thung lũng Silicon, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...,
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn |
Hỗ trợ các startup đủ tiềm lực phát triển
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được quan tâm phát triển mạnh cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ cùng với văn hóa khởi nghiệp sáng tạo ngày càng được khuyến khích mạnh mẽ trong giới trẻ.
Nhiều chương trình hỗ trợ đã được triển khai trong đó có Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) đã thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay từ khi "đổi mới sáng tạo", "khởi nghiệp sáng tạo" và "hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo" còn là các khái niệm rất mới mẻ ở Việt Nam.
Thông qua chương trình này, nhiều mô hình đã triển khai thành công giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh nuôi giấc mơ chinh phục thế giới (Go Global).
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn |
Trong số này có Abivin - doanh nghiệp khởi nghiệp Việt vừa giành Giải thưởng khởi nghiệp toàn cầu ở Mỹ một triệu USD - là nhóm khởi nghiệp được IPP hỗ trợ tài chính và đào tạo khởi nghiệp ban đầu ngay từ khi mới hình thành ý tưởng.
Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV - Vietnam Silicon Valley) được phê duyệt vào tháng 5/2013 đã hỗ trợ ươm tạo thành công nhiều startup, như Lozi, SchoolBus...
Nhiều Đề án sau đó như "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" được phê duyệt và triển khai với mục tiêu hỗ trợ các startup đủ tiềm lực để phát triển.
Ngoài ra Bộ KH&CN còn triển khai một số chương trình, đề án nổi bật khác như Dự án BIPP tài trợ bởi chính phủ Bỉ, hỗ trợ các vườn ươm khởi nghiệp, Dự án VCIC tài trợ bởi World Bank, Chính phủ Australia, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra nhiều Lễ ký kết quan trọng với số tiền lên tới hàng triệu USD |
Hệ sinh thái khởi nghiệp tăng trưởng về chất và lượng
Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), cho thấy, trong năm 2018 các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ từ các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước (gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016).
Đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế bày tỏ nhiều ấn tượng với hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm qua đã tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng.
Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong 2 năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.
Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.
Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập đoàn Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhìn vào con số đầu tư và từ ý kiến của các diễn giả quốc tế có thể hiểu phần nào vì sao các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam. Đó là môi trường kinh doanh, dân số trẻ, các điều kiện khởi nghiệp...
Thành công các startup cho thấy vai trò bà đỡ từ Chính phủ vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để vượt qua Thung lũng chết (Valley of Death) và bản thân Nhà nước và các cơ quan Chính phủ phải dũng cảm đổi mới tư duy, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và hướng các nhóm khởi nghiệp trẻ mơ giấc mơ lớn, "Go Global" ngay từ giai đoạn tiền khởi nghiệp.
Tạo thuận lợi thu hút nguồn vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm
Hiện nhiều quỹ đầu tư được thành lập tại Việt Nam với số vốn hàng trăm triệu USD và sẵn sàng rót vốn vào các dự án đầu tư mạo hiểm.
Các yếu tố tạo nên sự thành công của startup bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện từng bước. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới và trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung vào xây dựng và phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển và hoàn thiện công nghệ, liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để vững tin bước ra thị trường toàn cầu.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thông tin tới các quỹ đầu tư khởi nghiệp quốc tế, các nhà đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước tham dự Ngày hội Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam năm 2019 (Techfest 2019), sẽ được tổ chức trong tháng 11/2019 ở Việt Nam. Đây là năm thứ năm liên tiếp, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư. Bộ sẽ đối thoại và thảo luận thường xuyên với cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ khởi nghiệp tiếp cận các nguồn tài trợ đối với các startup đã được thẩm định, được kết nối và hỗ trợ của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, để có điều kiện phát triển hơn và để cộng đồng các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận với nhiều cơ hội đầu tư chất lượng hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thông qua mạng lưới các tổ chức trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hết sức cho một cộng đồng đổi mới sáng tạo năng động, gắn kết và chất lượng cao ở Việt Nam và các nước để tất cả những người tham gia cộng đồng được có cơ hội học hỏi, nâng cao các kỹ năng tìm kiếm được các nguồn tài chính để có điều kiện phát triển, hoàn thiện ý tưởng công nghệ của mình, đặc biệt các công nghệ chuyên sâu.
Hiện "Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia với các quy chế ưu đãi đặc biệt đã được Thủ tướng và phê duyệt. Đây sẽ là điều kiện tuyệt vời để chúng tôi có thể thực hiện cam kết hỗ trợ phát triển cộng đồng này", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
http://baodatviet.vn/
Ý kiến của bạn