Phát triển doanh nghiệp, Thái Nguyên "lo" gì?
Gặp vướng mắc gì chúng tôi "kêu" là các anh lãnh đạo tỉnh hỏi rõ vướng ở sở nào, thậm chí cán bộ nào và xử lý ngay...
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Bắc trong một buổi "Trà Thái doanh nhân" của tỉnh.
"Lãnh đạo tỉnh đã thực sự đồng hành với doanh nghiệp, gặp vướng mắc gì chúng tôi "kêu" là các anh ấy hỏi rõ vướng ở sở nào, thậm chí cán bộ nào và xử lý ngay".
Nhận xét này được Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời trao đổi với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, bên lề hội nghị gặp mặt doanh nghiệp của tỉnh, chiều 12/4.
Nhiều doanh nhân khác cũng đánh giá cao kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi 2016 là năm thứ ba liên tiếp Thái Nguyên đứng trong top 10 bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
"Mổ xẻ" sâu hơn về "hiện tượng" này cho thấy, PCI 2016 của Thái Nguyên có 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2015: hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,07 điểm; đào tạo lao động tăng 0,5 điểm; chi phí không chính thức tăng 0,43 điểm; tính năng động tăng 0,23 điểm, thiết chế pháp lý tăng 0,15 điểm và chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng 0,6 điểm.
Đặc biệt 4/6 chỉ số giảm điểm năm 2015, thì năm 2016 đều tăng điểm đó là: hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý.
Kết quả ấy, theo ông Thời là hoàn toàn chính xác. Vì thông qua phiếu khảo sát PCI năm 2015, cộng đồng doanh nghiệp đã chỉ ra rõ những thiếu sót còn tồn tại trong việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.
Ý kiến của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, tiếp thu và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục với tinh thần luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Ý kiến của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, tiếp thu và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục với tinh thần luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Năm 2016, Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước về giá trị xuất khẩu, tổng thu ngân sách đạt 9.600 tỷ đồng, vượt trên 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch… Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của trên 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Nhưng, cả chính quyền và doanh nghiệp đều còn không ít nỗi lo.
PCI 2016 của Thái Nguyên cho thấy 4 chỉ số bị giảm điểm là: chỉ số gia nhập thị trường giảm 0,22 điểm, tiếp cận đất đai giảm 0,91 điểm, ính minh bạch giảm 0,41 điểm, chi phí thời gian giảm 0,1 điểm.
"Chấm điểm" của cộng đồng doanh nghiệp với 4 chỉ số giảm này cũng được nhìn nhận là rất chính xác.
Bởi, trong nhiều hội nghị gặp gỡ đối thoại, hiệp hội, các hội doanh nghiệp bằng cả văn bản trực tiếp và gián tiếp đã phản ảnh đến các cấp lãnh đạo của tỉnh về các tồn tại vướng mắc liên qua đến nội dung công việc của 4 chỉ tiêu trên. Các kiến nghị đó cũng đã được lãnh đạo tỉnh tiếp thu ghi nhận và đưa ra nhiều giải pháp lãnh đạo chỉ đạo khắc phục nhưng vẫn còn nhiều tồn tạ.
Như, chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp là rất lớn cả về tài chính và thời gian, có những doanh nghiệp phản ảnh phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính.
Đặc biệt là việc thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, kéo dài. Cán bộ thanh tra còn gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp. Trong cải cách hành chính bộ phận một cửa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Vẫn còn công chức coi nhẹ tính chuyên nghiệp và sự tận tâm với người dân, doanh nghiệp, vẫn coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ...
Đây có lẽ cũng là một trong các lý do 3 năm liền Thái Nguyên đứng trong Top 10 xếp hạng PCI nhưng theo kết quả khảo sát thì lại không nằm trong Top 10 địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Cũng như nhiều địa phương khác, "trên thông dưới chưa thoáng" và "gánh nặng" thanh kiểm tra vẫn đang là cản ngại không nhỏ trong phát triển doanh nghiệp của Thái Nguyên.
Nhìn thẳng vào những trở ngại này, tại buổi gặp mặt chiều 12/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xoá bỏ mọi rào cản, tạo môi trường thực sự bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chủ động trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Tỉnh sẽ có những hành động cụ thể hơn để tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao đạo đức công vụ, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp - ông Bắc nói.
http://vneconomy.vn
Ý kiến của bạn