Sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ
Đây là một trong các nội dung trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (12/6) với 410/442 (chiếm 83,50%) số đại biểu có mặt.
Đây là một trong các nội dung trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (12/6) với 410/442 (chiếm 83,50%) số đại biểu có mặt.
Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 4 chương 35 điều, được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, có một số nội dung trước đó được các đại biểu thảo luận khá kỹ tại hội trường khi đề nghị không nên bình quân dàn đều giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ với doanh nghiệp vừa vì có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô. Cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ bao gồm cả hộ kinh doanh với quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng doanh thu và từ 20 - 30 lao động trở xuống.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, định hướng của dự thảo Luật là hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn; bên cạnh những hỗ trợ chung, dự thảo Luật đã có một số quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ (Điều 10, Điều 13). Các hỗ trợ cụ thể về thuế sẽ trình Quốc hội khi sửa đổi các luật thuế và dự kiến doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức hỗ trợ thuế cao hơn.
Hay đối với tiêu chí xác định DNNVV (Điều 4),có ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 tiêu chí là lao động và doanh thu; không nên quy định cứng các tiêu chí về tài chính trong Luật; cần quy định thêm tiêu chí vốn sở hữu chiếm ít nhất là 30% tổng nguồn vốn. Đồng thời, nên kế thừa các quy định của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiêu chí lao động, tổng nguồn vốn và doanh thu là 3 tiêu chí phổ biến được nhiều nước áp dụng. Trên cơ sở kế thừa những quy định hợp lý của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, dự thảo Luật bổ sung tiêu chí doanh thu và giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng quy định tiêu chí căn cứ vào các số liệu là lao động, tổng nguồn vốn của năm trước liền kề là chưa phù hợp với DNNVV mới ra đời, cần nghiên cứu sửa đổi để nhóm doanh nghiệp này được tiếp cận các chính sách ưu đãi hỗ trợ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ quy định về “năm trước liền kề” của tiêu chí lao động và tổng nguồn vốn, trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết việc các hỗ trợ cho doanh nghiệp mới được thành lập trong năm.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn