TRĂN TRỞ TRƯỚC THỀM THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN
TRĂN TRỞ TRƯỚC THỀM THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN
Ts. Trần Duy Khanh
Viện trưởng - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC
Sáng ngày 9/4/2018, tại TP Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới".
Dự hội nghị đối thoại có các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các thành viên Chính phủ, đại diện các ban, ngành của Đảng, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương. Tham dự buổi đối thoại này có khoảng gần 500 đại biểu là nông dân tiêu biểu trên toàn quốc, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp.
Trong mọi thời kỳ của cách mạng, nông dân Việt Nam luôn một lòng một dạ theo Ðảng làm cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Nhưng, chính nông dân cũng là người lép vế nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội hiện nay. Cả nước có 15,99 triệu hộ nông thôn, trong đó có có 9,32 triệu hộ, với 23 triệu người làm nông, lâm nghiệp và thủy sản, dân số nông thôn 60,64 triệu người, chiếm 65,4% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, đặc biệt là miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Với trên 40 năm gắn bó với bà con nông dân, sống cùng nông dân nên tôi có nhiều trăn trở suy tư về đời sống của bà con nông dân. Trước thềm Thủ tướng gặp đối thoại với nông dân, trong tôi luôn có suy nghĩ, trăn trở bấy lâu nay, chưa có lời giải? vì sao nông dân bỏ ruộng?, có bao nhiêu hộ nông dân chỉ sống dựa vào nông nghiệp thuần túy?, vì sao bây giờ ở nông thôn chỉ có trẻ em và người già là chủ yếu?, bao giờ thì bà con nông dân ở miền núi có đủ cơm ăn?, bao giờ bà con nông dân "sống khỏe" trên chính mảnh ruộng của mình?...
Trong 2 cuộc kháng chiến, rồi chính ngay những năm đầu của thế kỷ 21, khi cả thế giới khủng hoảng kinh tế, Việt Nam đã dễ dàng vượt qua, bởi có "hậu phương" là nông nghiệp, nông dân... Nhưng chúng ta đã đối xử với bà con nông dân như thế nào?, đã thực sự quan tâm tới đời sống, nguyện vọng, ước mơ "cỏn con" của bà con nông dân chưa?...
Mặc dù Đảng, nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chính sách ban hành, quan tâm tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn..., nhưng đi vào cuộc sống chưa đáng là bao. Các Bộ ngành cũng chưa có giải pháp hiệu quả giúp cho bà con nông dân, nặng về hình thức, hô hào khẩu hiệu chung chung...
Vì sao người nông dân vẫn còn nghèo, không thiết tha với đồng ruộng... theo tôi có một số nguyên nhân:
1. Dù không còn cảnh "ngăn sông cấm chợ", nhưng với tình cảnh "phí chồng phí" đã đẩy giá vật tư nông nghiệp (thuốc sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 7-10%. Nguyên nhân của giá vật tư nông nghiệp cao là từ phí "bôi trơn" (nếu là vật tư nhập khẩu), "phí chồng phí" trong vận chuyển, rồi "phí lót tay"... đẩy giá vận chuyển lên cao "ngất ngưởng". rồi "phí môi trường" xăng dầu cao nhất khu vực, phí cầu đường... cuối cùng "trăm dâu đổ đầu tằm", chỉ người nông dân chịu hết. Thử hỏi với tình cảnh "phí chồng phí" thì món hàng nông sản của người nông dân làm sao có lãi?
2. Nông sản Việt Nam vẫn chỉ "quang gánh" bán "thô" thì làm sao có lãi?. Bao nhiêu năm nay, chế biến nông sản ở Việt Nam vẫn thế, vẫn "quang gánh" xuất "thô", bán "thô"...Tôi bỗng nhớ hình tượng: Trước đây bà con nông dân muốn bán lợn, dùng đòn càn, hai người khiêng lợn đi chợ; nay có khác là chuyển lợn lên ô tô để đi bán....Tôi cứ ước, giá Bộ Công thương chỉ cần bớt đi 1 nhà máy sơ sợi, nhà máy xi măng...hoặc làm chậm lại, để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản...thì bà con nông dân bớt khổ "được mùa rớt giá"...và cảnh từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở dưa hấu lên biên giới..."ăn trực nằm chờ" bao giờ chấm dứt?
3. Phó mặc khâu tiêu thụ nông sản của nông dân cho tư thương lũng đoạn, ép cấp, ép giá, chỉ người nông dân khổ? Người nông dân vốn đã tiền ít, kinh nghiệm thiếu, thông tin thị trường không có... nên khi sản xuất ra được ít nông sản lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương, thao túng thị trường. Theo nghiên cứu của Ts Nguyễn Đình Tuyển, khi nuôi được 01kg thịt gà, người chăn nuôi chỉ được lãi 2.000đ/kg, trong khi đó người thu gom lãi 14.000đ/kg, người giết mổ lãi 16.000đ/kg ??? Thử hỏi người nông dân còn có muốn chăn nuôi nữa hay không? Người nông dân thì làm sao lo được đầu ra cho sản phẩm, nếu không có nhà nước và vai trò đỡ đầu của doanh nghiệp?...
4. Lấy đất đai màu mỡ, "bờ xôi, ruộng mật" của nông dân quy làm khu đô thị, khu công nghiệp, làm sân gôn... có đáng?, thử hỏi ruộng đất bị mất, nông dân còn có việc làm để nuôi sống bản thân?... Để có ruộng đất "bờ xôi ruộng mật" phải trải qua hàng nghìn năm đất đai mới tích tụ được độ phì nhiêu, màu mỡ như ngày nay? sao không lấy đất đồi, đất vùng trung du làm nhà máy, làm sân gôn... mà cứ nhằm đất "bờ xôi ruộng mật" của nông dân ??? Ruộng đất mất, việc làm không có, bà con nông dân vùng "ven đô" biết kêu ai???
5. Chất lượng số liệu thông kê không chính xác, dẫn tới chỉ đạo khâu xuất nhập khẩu thực phẩm tươi sống "có vấn đề" và gây tổn thất cho người nông dân chăn nuôi. Ví dụ: Theo tính toán của Hội CNVN, sản lượng thịt gia cầm là 2.023,7 ngàn tấn, thịt lợn hơi là 3.977,2 ngàn tấn, thịt trâu bò 370,8 ngàn tấn. Tổng các loại thịt là 6.371,7 ngàn tấn. Nhưng theo Tổng cục Thống kê, thịt gia cầm chỉ có trên 800.000 tấn/năm (số liệu chỉ thống kê tại thời điểm, chăn nuôi quay vòng 1 lần), sản lượng thịt các loại đạt trên 6 triệu tấn/năm, nhưng số liệu thống kê chỉ đạt 3,2 triệu tấn/năm. Chính số liệu thống kê thiếu chính xác, thấp hơn nhiều so với thực tế, đã làm cho các chuyên gia hoạch định chính sách, các nhà phân tích thị trường bị “nhiễu sóng” và đưa ra quan điểm “nguồn cung chưa đáp ứng”... Hệ quả là làm cho người chăn nuôi thấy thiếu nên cứ tiếp tục phát triển đàn, dẫn tới dư thừa sản phẩm, thua lỗ nặng...
6. Buông lỏng quản lý trong mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập - tái xuất?. Năm 2017, Việt Nam cho tạm nhập - tái xuất mặt hàng thực phẩm đông lạnh trên 5,7 triệu tấn (gồm dạ dày, lòng lợn, đùi gà, cánh gà, chân trâu bò, phụ phẩm trâu, bò, lợn...). Đúng luật, tất cả số lượng mặt hàng này phải xuất hết sang nước thứ 3, không được tiêu dùng ở Việt Nam. Nhưng có bao nhiêu % trong số 5,7 triệu tấn được xuất sang nước thứ 3, bao nhiêu % đang để tiêu thụ ở Việt Nam. Theo chúng tôi có tới 80 -90% mặt hàng này đang được tiêu thụ ở Việt Nam, gây phá vỡ sản xuất ngành chăn nuôi (vì chân cánh gà...hết date giá rẻ như cho) và đầu độc người dân Việt (không ai kiểm tra chất lượng sản phẩm này).... Khi chúng tôi hỏi Tổng Cục Hải Quan, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp...là bao nhiêu % sản phẩm này được xuất sang nước thứ 3?, bao nhiêu % đang tuồn vào tiêu thụ ở Việt Nam?... thì không cơ quan nào trả lời được? vậy trách nhiệm quản lý mặt hàng này thuộc về Bộ, ngành nào?...Cuối cùng, lại chỉ người chăn nuôi, người dân, người tiêu dùng Việt Nam gánh chịu hậu quả??.
7. Thực phẩm bẩn tràn lan, "vàng thau lẫn lộn", người sản xuất chân chính 'điêu đứng - phá sản", người tiêu dùng "khốn khổ", người dân biết tin ai?
Do sự buông lỏng quản lý nhà nước về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), dẫn tới "thực phẩm bẩn" tràn lan, hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng việt... hệ quả người tiêu dùng mất niềm tin vào nông sản Việt, người sản xuất chân chính "điêu đứng" dẫn tới phá sản... trách nhiệm này thuộc về ai?, bộ nào?, ngành nào?...
Trên đây là một số tâm tư cá nhân tôi muốn gửi tới Thủ tướng, mong Thủ tướng quan tâm, trân trọng cám ơn và kính chúc sức khỏe Thủ tướng.
Hà Nội, ngày 7 tháng 4 năm 2018
Ý kiến của bạn