Tận dụng mọi thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
(Chinhphu.vn) – Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết tâm hành động cao nhất; khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo của Chính phủ đánh giá năm 2023 tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nguy cơ suy thoái gia tăng.
Tình trạng lạm phát ở mức cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia, nền kinh tế; hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng giảm sút; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Áp lực lạm phát còn cao; các yếu tố đầu vào tiếp tục biến động mạnh, chi phí sản xuất ở mức cao. Các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, đơn hàng giảm sút. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tình hình lao động, việc làm khó khăn hơn.
Công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với áp lực lớn do tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố từ bên ngoài và bên trong. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ và dịch bệnh tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện hiệu quả phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"; tăng cường đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất; khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chủ động thích ứng với tình hình; kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hộ năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Những bài học kinh nghiệm
Năm 2022, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế-xã hội phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; trong 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 1 chỉ tiêu không đạt.
"Có thể nói những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương diễn ra sáng 3/1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành năm 2022, Chính phủ đã rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, sâu sát thực tiễn; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Hai là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên; phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Ba là, theo dõi sát, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách kịp thời; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ, phối hợp hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Năm là, chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sức mạnh, đồng thuận xã hội; đề cao và phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, nhân dân và cả hệ thống chính trị./.
Ý kiến của bạn