Sự cô lập về kinh tế sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới như thế nào?
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày ký sắc luật về thương mại quốc tế, ngày 31/03/2017. Ảnh: REUTERS
Khi Trump đặt "American First"
Nếu Mỹ tăng các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới thêm 20%, thì xuất khẩu của Mỹ sang hầu hết các quốc gia sẽ giảm từ 40 đến 50%. Chẳng hạn tại Đức, tổn thất thu nhập bình quân đầu người hàng năm là khoảng 0,7% hoặc 275 USD, dẫn đến GDP giảm 22 tỷ USD.
Nếu các quốc gia khác phản ứng với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ bằng các biện pháp tương tự, thì tổn thất thu nhập sẽ tiếp tục tăng. Giả sử tất cả các nước khác cũng tăng các rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ thêm 20%, thì sẽ hạn chế đáng kể thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác. Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ - tùy từng quốc gia – ước tính sẽ giảm 50 đến 60%. Còn xuất khẩu của Mỹ sang các nước khác có thể giảm khoảng 70%.
Kết quả là, ở Mỹ, thu nhập bình quân đầu người hàng năm sẽ giảm 2,3%, tương đương 1.300 USD, trong dài hạn; ở Canada là 3,85%, tương đương khoảng 1.800 USD; và ở Đức là 0,4%, tương đương khoảng 160 USD/người. Ngoài ra, thâm hụt GDP hàng năm dài hạn ở Đức sẽ lên đến 13 tỷ USD, ở Canada gần 65 tỷ USD và ở Mỹ khoảng 415 tỷ USD.
“Những gì chúng ta cần là một chính sách công bằng cho phép trao đổi tự do hàng hoá và dịch vụ, và hoạt động vì lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn thế giới” - ông Aart De Geus, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Bertelsmann Stiftung cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, mục đích của chính sách bảo hộ là nhằm thay thế các sản phẩm nhập khẩu bằng hàng hoá sản xuất trong nước. Những người ủng hộ chính sách này mong muốn sẽ có sự gia tăng sản xuất, việc làm và thu nhập tại Mỹ.
Tuy nhiên, đây là một giả định sai lầm. Bởi một nước sử dụng các công cụ bảo hộ sẽ chỉ làm giảm GDP và việc làm trong nước. Tất nhiên, một số sản phẩm được sản xuất trong nước sẽ hưởng lợi vì được bảo vệ chống lại các nhà cung cấp nước ngoài.
Tuy nhiên, giá của các sản phẩm sản xuất tại Mỹ sẽ cao hơn so với hàng nhập khẩu. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh quốc tế của Mỹ giảm và xuất khẩu sẽ giảm.
Nói tóm lại, sự cô lập về kinh tế sẽ có nhiều hệ quả tiêu cực hơn là tích cực đối với chính quốc gia áp dụng chính sách bảo hộ thương mại.
Chủ động hay bị động?
Theo giới quan sát, hiện nay Mỹ đang ráo riết thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, với một số nước ủng hộ toàn cầu hóa mạnh mẽ, trong đó có Việt Nam, các chuyên gia đã đưa cảnh báo cần quản lý chặt chẽ nguồn vốn FDI- luồng vốn có thể bị suy giảm sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IHS Markit, đánh giá: "Thay vì hướng tới một cực chủ yếu là Mỹ, các nước cần tranh thủ hướng tới các thị trường rất tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, Nga,... Việt Nam có lợi thế là đất nước sở hữu nhiều Hiệp định Thương mại Tự do trên thế giới; chính điều này sẽ giúp thu hút đầu tư từ bên ngoài vào cũng như giúp Việt Nam giảm nhẹ sự ảnh hưởng của xu hướng bảo hộ mậu dịch. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu để các nước xuất khẩu học hỏi và tự tìm hướng đi thích hợp cho mình"
Cũng theo chuyên gia này, cán cân vẫn đang nghiêng về toàn cầu hóa do những lợi ích thương mại mà nó mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh tự do thương mại, việc hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa vẫn phải đặt lên hàng đầu. Để nâng cao sức mạnh nội lực và kiến tạo một sân chơi bình đẳng cho DN nội - ngoại, Việt Nam có thể áp dụng những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm nội địa. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải mạnh dạn sử dụng các phương án kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, nếu hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh.
“Tình hình thế giới đang bất ổn, các quốc gia phát triển luôn muốn áp đặt cuộc chơi vì chân lý: "Trên thế giới này không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia mới là vĩnh viễn". Bởi vậy, Việt Nam cần tạo thế mạnh cho chính mình để duy trì mối quan hệ hợp tác thương mại, nhưng cũng cần phải nỗ lực để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường toàn cầu” - ông Rajiv nhấn mạnh.
Ý kiến của bạn