The Economist: Việt Nam là "con hổ" tiếp theo của châu Á
Tạp chí kinh tế The Economist vừa có bài bình luận với tựa đề “Vietnam’s economy: The other Asian tiger” viết về những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua cũng như tiềm năng phát triển rất lớn của kinh tế Việt Nam.
Bài báo mở đầu với một loạt câu hỏi. Quốc gia châu Á nào đã mạnh mẽ tiến lên phía trước trong suốt 25 năm qua với hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo? Nền kinh tế châu Á nào – dù vẫn có phần lớn dân số sống ở vùng nông thôn sẽ là động lực phát triển tiếp theo của châu lục?
Hầu hết mọi người sẽ đưa ra câu trả lời Trung Quốc cho câu hỏi thứ nhất và Ấn Độ cho câu hỏi thứ hai. Tuy nhiên, câu trả lời của Economist chính là Việt Nam.
Với dân số hơn 90 triệu người, kể từ năm 1990 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người nhanh thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nếu có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 7% trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ có được con đường phát triển giống với các “con hổ châu Á” như Hàn Quốc và Đài Loan. Economist gọi đây là một thành tựu đối với Việt Nam – đất nước mới chỉ nổi lên từ những năm 1980, sau nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh và khi đó chỉ nghèo như Ethiopia.
Hơn nữa, không giống với Trung Quốc hay Ấn Độ, nền kinh tế Việt Nam không có được lợi thế về quy mô, bởi vậy những bài học thành công mà Việt Nam có được có thể dễ dàng áp dụng ở các quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là những nước lân cận. Việc các nhà máy ngày càng tự động hóa nhiều hơn khiến người ta lo lắng rằng các nước nghèo sẽ không còn có thể nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ của các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Tuy nhiên, trường hợp của Việt Nam cho thấy rằng mô hình phát triển kinh tế này vẫn hoạt động hiệu quả.
Việt Nam còn là minh chứng hùng hồn cho thấy mở cửa nền kinh tế, tăng cường hợp tác trong thời đại toàn cầu hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Việt Nam khá may mắn khi nằm ngay cạnh Trung Quốc và hưởng lợi khi các công ty tìm kiếm một nguồn cung cấp lao động giá rẻ thay thế cho Trung Quốc. Cùng có vị trí thuận lợi như Việt Nam, một số quốc gia Đông Nam Á khác đã không thể làm tốt như vậy.
Kể từ những năm 1990, Việt Nam có bước tiến lớn trong việc đơn giản hóa các quy tắc điều hoạt động thương mại quốc tế. Hiện xuất nhập khẩu chiếm gần 150% GDP, cao hơn bất cứ quốc gia nào có mức thu nhập tương tự Việt Nam.
Tương phản với các yêu cầu khắt khe về nội địa hóa như ở Indonesia, Chính phủ cấm các quan chức buộc nhà đầu tư nước ngoài phải mua nguyên liệu đầu vào ở trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài đua nhau tới Việt Nam và đóng góp khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu.
Đi kèm với độ mở của nền kinh tế là mức độ linh hoạt. Chính phủ khuyến khích sự cạnh tranh giữa 63 tỉnh thành. Thành phố Hồ Chí Minh tiến lên phía trước bằng các khu công nghiệp, Đà Nẵng thì tập trung phát triển công nghệ cao trong khi các tỉnh miền Bắc thu hút các nhà sản xuất đang tháo chạy khỏi Trung Quốc. Điều này tạo ra một nền kinh tế đa dạng có thể chịu được các cú sốc, trong đó có cú sốc từ thị trường bất động sản năm 2011.
Cùng lúc đó, giống như Trung Quốc, Việt Nam vạch ra phương hướng phát triển rõ ràng. Có lẽ điểm quan trọng nhất là sự chú tâm cho giáo dục. Theo một khảo sát mới được công bố bởi, các học sinh 15 tuổi của Việt Nam có khả năng toán học và nghiên cứu khoa học ngang bằng với các bạn học sinh Đức. Số tiền Việt Nam chi cho hệ thống trường học cũng nhiều hơn hầu hết các quốc gia ở cùng mức phát triển. Hơn nữa các khoản đầu tư được tập trung vào những điều cốt lõi: giảm tỷ lệ bỏ học và đào tạo giáo viên.
Đây là quan niệm đầu tư rất đúng đắn. Mức độ tự động hóa ở các nhà máy có thể tăng lên, nhưng máy móc cần người điều khiển. Công nhân phải giỏi toán, có thể hiểu được những máy móc phức tạp. Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc cung cấp các kỹ năng cho người lao động, vượt lên trên những nước giàu hơn như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Hiện đang là một nước có thu nhập trung bình, con đường mà Việt Nam phải đi để vươn tới mức thu nhập cao chứa đầy những chông gai. Hiệp định thương mại tự do châu Á Thái Bình Dương (TPP) được cho là có lợi nhiều nhất cho Việt Nam nhưng đang gặp bế tắc trong quá trình thông qua ở Quốc họi các nước. Trong khi đó khối doanh nghiệp nhà nước vẫn cồng kềnh mà hoạt động kém hiệu quả. Các tỉnh thành để lại gánh nặng nợ khi phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra còn có những khó khăn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, khiến việc tăng thêm giá trị cho các sản phẩm Việt Nam sản xuất ra không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, quãng đường phát triển trong 25 năm vừa qua cho thấy vẫn còn rất nhiều cơ hội ở phía trước. Ít nhất thì quá trình cải cách nhóm doanh nghiệp nhà nước đã được khởi động, bên cạnh đó là đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các nước châu Á khác và cả châu Âu. Chính phủ cũng đang lên kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa mà không khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ.
Economist cho rằng, Việt Nam là một mô hình đáng học hỏi cho các quốc gia muốn có một chân trên bậc thang phát triển của kinh tế thế giới. Nếu may mắn, Việt Nam còn trở thành hình mẫu cho cả những nước cố gắng leo lên vị trí cao hơn trên bậc thang ấy.
Theo Tri Thức Trẻ
Ý kiến của bạn