Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nếu thực hiện được điều này sẽ tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa rất tốt nhưng việc thực hiện lại không hề đơn giản.
HDBank đang trở thành người tiên phong cho phương thức tiếp cận mới về tài sản đảm bảo của Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các vấn đề bảo lãnh tín dụng.
Trong các ngày 18 và 28/7/2016 vừa qua, Hiệp hội ngân hàng (VNBA), Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB)và ngân hàng HDBank đã phối hợp với các Hiệp hội Doanh nghiệp để tổ chức các buổi toạ đàm về "Khả năng tiếp cận tín dụng của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Tại hội thảo Hà Nội, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã nêu những khó khăn cơ bản của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Đó là các khó khăn về thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, khả năng tiếp cận các vấn đề về đất đai cho sản xuất, cùng với các khó khăn trong nội bộ doanh nghiệp như khả năng quản trị doanh nghiệp, sự khó khăn chung của toàn thị trường.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ông Tô Hoài Nam cho biết, theo các số liệu khảo sát tại thời điểm hiện nay khoảng hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàn. Số còn lại vẫn gặp khó khăn rất lớn mà nguyên nhân chính là do các tiêu chuẩn tín dụng của ngân hàng cao quá sức đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu giải quyết được vấn đề chuẩn tín dụng phù hợp thì sẽ tạo được thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp.
Với vai trò là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là thành viên Ban soạn thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam cũng tin tưởng rằng, việc soạn thảo và tiến tới ban hành Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp cho việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt nam, đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam từ vị trí quản lý sang vị trí được phục vụ.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, một chuyên gia về giao dịch đảm bảo của IFC đã có bài phân tích sâu sắc về các vấn đề liên quan đến giao dịch đảm bảo, các tài sản có thể được dùng làm tài sản thế chấp mà không phải là bất động sản. Đó là: Các khoản phải thu của doanh nghiệp; Quyền đòi nợ; Các khoản thanh toán từ hợp đồng bảo hiểm; Hàng hoá (hàng tồn kho, thiết bị, sản phẩm nông nghiệp); Tài sản bán hữu hình (Giấy tờ có giá, chứng từ, vận đơn đường biển, hoá đơn vận chuyển hàng không); Chứng khoán, trái phiếu, Tài sản sở hữu trí tuệ; Hợp đồng Li xăng (Sở hữu trí tuệ) và các tài sản vô hình khác.
Tại hội thảo, đại diện Doanh nghiệp cũng bày tỏ sự phấn khởi với việc thay đổi có tính chất về mặt tư tưởng nhận thức đối với việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa mà các diễn giả đã nêu. Về phía Doanh nghiệp cần có sự quan tâm sâu sắc đến quản trị tài chính doanh nghiệp, sự minh bạch hoá các chi phí tài chính, việc quản lý hiệu quả các dự án kinh doanh của doanh nghiệp, có như vậy thì cung cầu mới gặp nhau.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển của HDBank. Trong đó, HDBank chú trọng đến tài sản đảm bảo là dòng tiền của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các gói sản phẩm của HDBank cho các nhóm chuyên biệt theo ngành nghề, các chương trình đặc thù, tài trợ xuất, nhập khẩu, tài trợ theo chuỗi...và đặc biệt là mức lãi suất vay hấp dẫn chỉ từ 6,8% năm thật sự là những đòn bẩy quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
HDBank cũng kỳ vọng vào sự phối kết hợp với các tổ chức Hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để xây dựng những chương trình dành riêng cho từng nhóm khách hàng.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam
Ý kiến của bạn