"Thủ lĩnh" Lê Vĩnh Sơn - Lê Hoàng Hà mỗi người một ngả: Cuộc trước cuộc chia tay cân não của Quốc tế Sơn Hà
Cuộc chia tay "cân não" nhất trong lịch sử gần 20 năm phát triển của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã SHI, sàn HOSE) sắp diễn ra không chỉ là câu chuyện riêng của Sơn Hà, mà sẽ là mối quan tâm của toàn ngành thép gia dụng.
Cuộc Nam tiến của ông Lê Hoàng Hà
Cá nhân có vai trò “khai quốc công thần” của Sơn Hà là ông Lê Hoàng Hà vừa chính thức rời vị trí Tổng giám đốc Công ty. Hiện ông Hà vẫn là Phó chủ tịch HĐQT, nhưng theo tiết lộ mới đây của lãnh đạo Sơn Hà, thì trong tương lai không xa, ông Hà cũng sẽ rời khỏi HĐQT.
Liên quan đến chặng đường sắp tới, sau khi rời các công việc tại Sơn Hà (mẹ), ông Lê Hoàng Hà đang là Chủ tịch HĐQT tại Sơn Hà Sài Gòn (mã SHA, sàn HOSE) sẽ tập trung cho việc phát triển hoạt động kinh doanh của Sơn Hà Sài Gòn. Đồng thời với việc ông Hà rời khỏi Sơn Hà và dồn lực cho Sơn Hà Sài Gòn, dự kiến trong tương lai, Sơn Hà cũng sẽ rút vốn khỏi Sơn Hà Sài Gòn.
. |
Như vậy, sau động thái ra đi của ông Hà, đại gia ngành thép gia dụng không gỉ sẽ hình thành sự chia tách rõ ràng. Theo đó, ông Hà, với vai trò Chủ tịch HĐQT Sơn Hà Sài Gòn, sẽ phát triển thị trường phía Nam (từ Quảng Nam trở vào). Trong khi đó, Sơn Hà (mẹ), với thủ lĩnh là ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT, sẽ thống lãnh thị trường miền Bắc, từ Đà Nẵng trở ra.
Nói về việc Nam tiến của ông Hà, ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ, điều này trước tiên xuất phát từ nhu cầu của Công ty trong việc chuyên môn hóa hoạt động quản lý, phân chia thị trường để quản lý điều hành được tập trung hơn. Tuy nhiên, sự ra đi này cũng có lý do là thời gian qua, một số quan điểm kinh doanh của ông Sơn và ông Hà có sự khác nhau và 2 người đi đến thống nhất là chuyển giao hoàn toàn Sơn Hà Sài Gòn tại miền Nam cho ông Hà đảm nhiệm.
Theo ông Sơn, việc phân chia thị trường như vậy cũng sẽ đem lại sự ổn định, bởi cả Sơn Hà và Sơn Hà Sài Gòn đều đã có nền tảng ổn định và đường hướng rõ ràng. “Các đối thủ của chúng tôi chắc chắn sẽ cảm nhận sự lớn mạnh của 2 công ty trong hoạch định chiến lược, phân định thị phần. Do đó, sự phân chia này thực chất cũng dựa trên sự thấu hiểu và đoàn kết”, ông Sơn nói.
Sơn Hà dồn sức cho miền Bắc
Đồng thời với việc Nam tiến của ông Lê Hoàng Hà, những động thái của Sơn Hà gần đây và sắp tới cho thấy, công ty này đang tập trung nguồn lực để “phủ sóng” thị trường miền Bắc.
Cụ thể, trong năm 2016, Sơn Hà đã rót tiền cho hàng loạt hoạt động đầu tư tại phía Bắc. Công ty đã tăng vốn đầu tư thêm 60 tỷ đồng cho Công ty TNHH Sơn Hà Vinh (Nghệ An), dành 58,1 tỷ đồng mua sắm mới tài sản cố định và dành 56,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản. Tháng 11/2016, Sơn Hà cũng đã khởi công dự án ở Bắc Ninh với quy mô 5,4 ha, lớn hơn cả nhà máy lớn nhất hiện tại của Sơn Hà ở Phùng, Hà Nội (4,5 ha). Dự kiến, giữa tháng 7/2017, Công ty sẽ di dời một phần việc sản xuất các sản phẩm gia dụng sang nhà máy tại Bắc Ninh.
Tại Vinh, Sơn Hà đã rót tiền mua lại cổ phần một công ty thức ăn chăn nuôi có diện tích đất hơn 4 ha nằm sát nhà máy của mình. Việc mở nhà máy này đã đạt được hiệu quả là vươn dài cánh tay ra các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư tại Vinh cũng đã phát sinh những diễn biến ngoài dự đoán, khi nhà máy ban đầu hơi nhỏ (1,3 ha) và đến thời điểm này đã hoạt động hết công suất.
Lãnh đạo Sơn Hà cho biết, việc Sơn Hà mua công ty thức ăn chăn nuôi không phải đầu tư ngoài ngành, mà mục tiêu là chuyển đổi công ty này thành công ty con và sử dụng quỹ đất để phát triển sản xuất của Sơn Hà tại Nghệ An.
Năm 2017, Sơn Hà sẽ tiếp tục theo đuổi các kế hoạch đầu tư, trọng điểm là hoàn thành dự án tại Bắc Ninh, dự án tại Myanmar, mở rộng quy mô nhà máy tại Phùng, khởi công dự án mở rộng tại Nghệ An… Theo nhận định, giá nguyên vật liệu, lãi suất tăng… có thể ảnh hưởng tới chi phí của Công ty trong ngắn hạn, vì vậy kế hoạch kinh doanh 2017 của Sơn Hà khá thận trọng với doanh thu 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 115 tỷ đồng.
Đồng thời, Sơn Hà cũng phải căng sức kiểm soát vốn vay, bởi theo bà Nguyễn Bá Thị Hợp, Trưởng ban Kiểm soát Công ty, nợ ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2016 lên tới 89% nợ phải trả của Công ty, cho thấy Công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng. “Điều này có thể làm phát sinh rủi ro thanh khoản và rủi ro ổn định nguồn vốn hoạt động lâu dài”, bà Hợp đánh giá.
http://baodautu.vn
Ý kiến của bạn