Tổng Bí thư Lê Duẩn và tư tưởng trong trọng dụng trí thức
TĐO - Từ quá trình lãnh đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho ta bài học về trọng dụng nhân tài, đánh giá đúng và phát huy tối đa vai trò của trí thức.
TĐO - Từ quá trình lãnh đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho ta bài học về trọng dụng nhân tài, đánh giá đúng và phát huy tối đa vai trò của trí thức.
“Những ai đã được gặp, làm việc, nghe đồng chí Lê Duẩn nói chuyện, thuyết trình hoặc giảng bài, đều có chung nhận thức đó là nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn, với một phương pháp tư duy khoa học, năng động, không dừng lại ở những kết luận có sẵn. Tìm tòi, khám phá, sẵn sàng đặt ra những vấn đề để tranh luận cũng là nét nổi bật trong phong cách làm việc và lãnh đạo của ông.
Có được điều đó là bởi ông được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu dài, nhiều thời gian hoạt động độc lập, khoa khát vươn tới tri thức, trí tuệ cao để có thể giải quyết được những vấn đề do thực tiễn cách mạng đề ra. Cũng vì thế ông luôn luôn quý trọng, đề cao vai trò của trí tuệ, vai trò của những người trí thức”. Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về Tổng Bí thư Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.
Phát huy vai trò của trí thức
Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định, trí thức là người có hiểu biết sâu rộng, không chỉ do học tập chính quy có văn bằng ở bậc cao, mà còn là những người tự học nâng cao hiểu biết của mình trong việc làm, trong cuộc sống. Từ nhận định đó, trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa, ông đã giải quyết thành công nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, trong đó có chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của lực lượng trí thức qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, tư duy sáng tạo lớn của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11/1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Tại hội nghị, đồng chí đã tham gia tích cực để soạn thảo nghị quyết quan trọng. Nghị quyết nêu cao ngọn cờ dân tộc, vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc, tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên, tiểu tư sản trí thức. Trung ương đòi hỏi phải nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận trong Đảng, chống biểu hiện coi thường lý luận, coi thường trí thức.
“Chúng ta là đội quân cách mệnh cần phải có vũ trang lý luận cách mệnh, cần phải hiểu rõ những luật vận động và phát triển của xã hội, biết rõ đường lối mình đi, biết tiến, biết thoái, thì mới có thể làm tròn vai trò lãnh đạo. Phải tranh đấu chống đầu óc thực hành hẹp hòi, cho rằng cách mệnh chỉ có thực hành không cần lý luận, chống cái xu hướng của một vài đồng chí hễ thấy người nào có nghiên cứu ít nhiều lý luận cách mệnh thì cho là “lý luận”, là “trí thức”… Phải huấn luyện lý luận cách mệnh cho đảng viên trong sự thực hành cách mệnh” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, trang 558).
Hay như trong đề cương Đường lối cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn (khi đó ông là người lãnh đạo cao nhất của Xứ ủy Nam Bộ) nhấn mạnh đoàn kết dân tộc, xây dựng Mặt trận, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân: “Phải đẩy mạnh lòng yêu nước chân chính trong các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức”, “tranh thủ những nhân vật có tên tuổi, những thân sĩ yêu nước vào mặt trận”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, đó là quan điểm rất cơ bản để xây dựng một Đảng cách mạng có trình độ lý luận, trình độ trí tuệ. Đảng không chỉ coi trọng lực lượng trí thức mà còn thu phục những người trí thức có tư tưởng yêu nước, cách mạng vào hàng ngũ của Đảng.
Bài học lớn của Tổng Bí thư để lại cho thế hệ tiếp sau
Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, trong những năm phong trào cách mạng trong tình thế nước sôi lửa bỏng, những người cộng sản như đồng chí Lê Duẩn sở dĩ luôn duy trì được vai trò lãnh đạo hàng đầu của mình chính là ở những phẩm chất tốt đẹp, những năng lực vượt trội. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên những trí thức như Huỳnh Văn Tiểng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thư… hăng hái tham gia kháng chiến mà họ đã bị thuyết phục bởi lòng tin chân thành và thật lòng trọng dụng đội ngũ trí thức của đồng chí Lê Duẩn.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Người lãnh đạo phong trào đã cảm hóa và quy tụ những tên tuổi tiêu biểu trong đội ngũ trí thức, những người đứng đầu các giáo phái, đặt họ vào những trọng trách để họ thật sự được phát huy uy tín và khả năng của mình, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976), Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Trí thức giữ vai trò ngày càng quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học và kỹ thuật. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chẳng những phải củng cố khối liên minh công nông mà còn phải đoàn kết công nông với trí thức, trong đó tuyệt đại bộ phận xuất thân từ công nông, là con em công nông được chế độ mới đào tạo thành trí thức”.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, quan điểm đó của Tổng Bí thư Lê Duẩn phản ánh thực tế và yêu cầu khách quan của xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ điểm xuất phát rất thấp của một nước nông nghiệp lạc hậu, phong kiến và thuộc địa, phải kháng chiến cứu nước kéo dài, khoa học, kỹ thuật, công nghệ chưa phát triển, đồng thời cũng là định hướng tạo động lực cho sự phát triển đất nước, có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu rõ: “Đảng phải tăng cường hơn nữa công tác vận động trí thức, ra sức phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức nước ta nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho đất nước cho chủ nghĩa xã hội”. Nhiều trí thức ở miền Nam sau giải phóng đã ở lại tham gia xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, tiêu biểu như Ngô Viết Thụ, Ngô Bá Thành, Lương Lê Đồng, Phạm Trọng Cầu.
Những năm 1979-1986, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước đổi mới tư duy lý luận, khảo nghiệm thực tiễn, đề ra những chính sách cụ thể trong kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, đổi mới cơ chế quản lý để đi tới đường lối đổi mới tại Đại hội VI (tháng 12/1986). Quá trình đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng các đồng chí lãnh đạo đã nhiều lần lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý, khoa học, kỹ thuật. Trên thực tế, các nhà khoa học đã đóng góp xứng đáng vào việc hình thành đường lối đổi mới.
Từ quá trình lãnh đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho ta bài học về trọng dụng nhân tài, đánh giá đúng và phát huy tối đa vai trò của trí thức trong công cuộc đổi mới hiện nay. Trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp tục đề cao vai trò của trí thức trong sự nghiệp đổi mới.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Gần đây, Đảng có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó chú ý tới công tác cán bộ, đặc biệt là vấn đề trọng dụng nhân tài, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ có tài, có đức vào bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là một tư tưởng xuyên suốt.
http://thoidai.com.vn
Ý kiến của bạn