Vì sao TP. HCM chậm phát triển?
Sau 30 năm, TP đã tăng trưởng gấp 8 lần, dân số gấp đôi nhưng cơ sở hạ tầng không phát triển kịp và trở thành lực cản.
Phát biểu tại hội thảo Các giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TP. HCM giai đoạn 2016 - 2021, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính Nhà nước cho biết, để duy trì tốc độ phát triển cho T.P HCM cần nguồn vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng. Dù đã triển khai nhiều kênh huy động ngoài ngân sách, tiềm năng của TP. HCM vẫn chưa phát huy hết.
Theo ông Quốc, TP cần nhận diện nguồn lực nội tại để triển khai huy động vốn cho các dự án PPP nhằm phát triển cơ sở hạ tầng
PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (ĐH Kinh tế TP. HCM) cũng cho rằng, TP cần dựa vào các nguồn lực xã hội. Tổng lượng tiền bao gồm vàng, ngoại tệ và tiết kiệm cá nhân của người dân ở TP rất lớn, ước tính khoảng trên 30 tỷ USD. Do đó, cần phải tìm cách dẫn nguồn tiền này vào đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng.
Theo ông Bảo, nếu huy động được nguồn tiền trong dân thì đó sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư xây dựng thành phố. Bởi nếu vẫn bó buộc trong cơ chế tài chính hiện nay thì TP không thể làm được.
Đường Đồng Văn Cống (quận 2) xuống cấp, mặt đường lún sâu gây cản trở rất lớn dòng xe ra vào cảng Cát Lái
TS Trần Du Lịch cho rằng, sau 30 năm phát triển, hiện TP tăng trưởng gấp 8 lần, dân số tăng gấp đôi nhưng cơ sở hạ tầng không phát triển kịp. Đây chính là lực cản cho sự phát triển của TP. Vì thế nhu cầu đầu tư xây dựng để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của TP. HCM là rất lớn, trong khi ngân sách TP không thể cân đối đủ.
Ông Lịch dẫn chứng, TP. HCM đang chủ trương phát triển thành đô thị cảng biển, đô thị đa trung tâm nhưng hạ tầng giao thông còn quá nhiều bất cập. Ví dụ, các tuyến đường Đồng Văn Cống, Vành đai 2, xa lộ Hà Nội (quận 2) kết nối cảng Cát Lái - cảng lớn nhất nước nhưng trừ ngày chủ nhật thì còn lại kẹt xe khủng khiếp, gây thiệt hại vô cùng lớn.
Trong khi đó, khu cảng Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè nhiều năm qua không phát triển được cũng do thiếu đường bộ kết nối. Những con đường đó trong quy hoạch là đường vành đai nhưng thực tế hiện tại chỉ là "đường vành khuyên".
Ông Lịch nhấn mạnh, quỹ đất đô thị của TP. HCM là “con gà đẻ trứng vàng” nhưng thời gian qua bị thất thoát nhiều quá. TP. HCM có quỹ đất công, nhà công còn rất lớn nhưng cũng bị lãng phí. Nguồn lực tại các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước rất lớn để đầu tư cho hạ tầng dân sinh cũng chưa được phát huy.
Đề cập câu chuyện huy động vốn, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lo ngại, trong 5 năm tới, vốn ngân sách mà chính quyền TP dành cho phát triển cơ sở hạ tầng chỉ bằng 6% GDP, chưa bằng 1/3 so với Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc).
Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn 2011 - 2020, năng lực sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam còn thấp. Nguồn vốn ODA cho cơ sở hạ tầng ngày càng giảm do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu vốn vô tình trở thành lực cản cho sự phát triển của TP. HCM hiện nay
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng phải tận dụng được nguồn vốn từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Hiện TP. HCM có các tổng công ty nhà nước nguồn vốn rất lớn, thông qua quá trình cổ phần hóa đang thực hiện để phát triển hạ tầng. Đây là nguồn lực lớn nhưng chủ trương cổ phần hóa và phân bổ ngân sách từ nguồn này chuyển vào hạ tầng chưa thống nhất và thiếu quyết liệt.
Theo Zing
Ý kiến của bạn