“Vũ khí” kinh doanh thời hiện đại
Bức tranh kinh tế giờ đây phức tạp hơn nhiều so với 5 - 10 năm trước. Trong xu thế hội nhập, cơ hội thì đã rõ nhưng chúng ta cũng sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là nhiều doanh nghiệp hiện gần như “đứng ngoài cuộc” với sự hội nhập.
Đã có nhiều nhận định về những thách thức mà Việt Nam phải đối diện khi hội nhập với kinh tế toàn cầu. Ở bài viết này chúng tôi xin nhấn mạnh tới những việc mà các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị cho “cuộc chiến” trên trường quốc tế. Nếu doanh nghiệp không đổi mới về tư duy, chiến lược hay công nghệ mà cứ chấp nhận công nghệ cũ, tư duy quản lý cũ thì sẽ thua ngay trên sân nhà, chưa nói đến việc cạnh tranh với hàng hóa quốc tế.
Theo ông Phạm Ngọc Anh – giảng viên trường Kinh doanh Đột phá thì “90% doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ với nhân lực từ 15-20 người, doanh thu trong khoảng 10 tỷ/năm. Việc các doanh nghiệp này “ốm yếu” thậm chí phá sản là rất cao. Chính vì vậy, điều cần làm ngay lúc này là tạo dựng nền tảng cốt lõi cho các doanh nghiệp”.
Cụ thể, việc tạo dựng nền tảng cốt lõi cho doanh nghiệp cần chú trọng tới 3 điểm cơ bản: nhân lực, công nghệ và sự hợp lực. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố này thì các doanh nghiệp khó có thể phát triển với tốc độ nhanh được.
Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là cơ sở đảm bảo cho các yếu tố khác được vận hành một cách linh hoạt và hiệu quả. Vì vậy, mà các công ty cần đầu tư cho nguồn nhân lực một cách thỏa đáng, phải thường xuyên huấn luyện, đào tạo đội ngũ nhân viên đảm bảo các kỹ năng căn bản. Một tổ chức có được đội ngũ nhân viên nhiệt tình, sáng tạo là có được 50% thành công.
Yếu tố thứ 2 mà các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư chính là nền tảng công nghệ. Hiện nay, sự tồn tại và lớn mạnh của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam số doanh nghiệp có được hệ thống công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất lại chưa thực sự nhiều nếu không nói là yếu kém.
Thách thức đặt ra là làm sao khai thác và áp dụng công nghệ vào phục vụ sản xuất một cách hiệu quả, tức là sử dụng ít nhân lực nhưng vẫn mang lại nhiều giá trị. Nền tảng công nghệ tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được cả về nhân công cũng như thời gian và chi phí.
Và yếu tố quan trọng thứ 3 để doanh nghiệp xác định sự phát triển của mình chính là sự hợp lực hay hợp tác trong kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đang cạnh tranh trong môi trường mà “mạnh ai người đấy thắng” mà chưa có sự liên kết kinh doanh thực sự hiệu quả. Nhưng quan niệm này cần phải có sự thay đổi để có thể mang lại nhiều hơn nữa những thành công cho doanh nghiệp Việt.
Sử dụng hiệu quả và có chiến lược 3 “vũ khí kinh doanh hiện đại” trên đây doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin và vững bước để bước vào hội nhập kinh tế với thế giới. Cùng với đó là xác định tầm nhìn dài hạn (ít nhất là từ 5 - 7 năm) song song với các phương án đề phòng, quản lý rủi ro có thể xảy đến.
Theo kinhdoanhthongminh.net
Ý kiến của bạn