Phát triển nền tảng thương mại điện tử cho xuất khẩu
Trong các cuộc hội thảo gần đây, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh đến việc đưa nền tảng thương mại điện tử vào hoạt động xuất khẩu như một giải pháp giúp gia tăng kim ngạch.
Nền tảng thương mại điện tử đã thay đổi rất nhanh và trở thành công cụ hữu hiệu cho hoạt động xuất khẩu trong những năm vừa qua. Hai khuynh hướng chủ lực hiện nay ở Đông Nam Á là phát triển thương mại nhãn hiệu, gọi là brand.com – vốn là thế hệ thứ tư sau P2P, B2B (hay C2C), B2C và đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực hậu cần (logistics) nhằm tạo điều kiện thực hiện thương mại điện tử xuyên biên giới.
Manh nha thương mại điện tử xuyên biên giới
Nguyên Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ông Trần Hữu Linh, trong một cuộc trao đổi với báo giới cho biết ,Việt Nam đang tìm cách phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm giúp các công ty xuất khẩu hàng hóa qua mạng Internet. Xu hướng này đang phát triển mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đơn cử như eBay của Mỹ và Alibaba của Trung Quốc đều liên kết với NetPrice Nhật Bản. Hoạt động kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới giữa Nhật Bản và Việt Nam cũng đã manh nha từ vài năm nay.
Ông Shinji Kakuno, Giám đốc Văn phòng Thông tin và Thương mại, thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Kỹ nghệ Nhật Bản, tại một cuộc hội thảo gần đây nhận định, doanh thu thương mại điện tử thế giới vào năm 2018 sẽ lên đến 2.500 tỉ đô la Mỹ, trong đó Mỹ và Trung Quốc ở vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, ở Đông Nam Á thì Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam là 6 nước có những bước phát triển nhanh nhất.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với hơn 620 triệu dân, 10 nước và 7 ngôn ngữ chính vừa được thành lập vào cuối năm 2015 đã mở ra một môi trường thuận lợi, một hệ sinh thái lớn cho việc phát triển thương mại điện tử trong khu vực này, với việc dỡ bỏ các quy định ngăn cản giao thương xuyên biên giới và những giới hạn bên trong mỗi nước.
Trước đây, nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu nở rộ khi những điều hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân bị bãi bỏ từ năm 2005 và nền kinh tế Ấn Độ phát triển cực nhanh kể từ 2010 nhờ sự phát triển mậu dịch quốc tế theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngày nay, Việt Nam với việc tham gia tích cực vào AEC cũng đang có những cơ hội phát triển như vậy.
Trong cuộc hội thảo mới nhất tổ chức tại Hà Nội, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho biết doanh số từ hoạt động kinh doanh trực tuyến đã tăng gấp đôi chỉ sau hai năm, từ 2,2 tỉ đô la năm 2013 lên 4,07 tỉ đô la trong năm 2015. Bà Việt Anh cho biết, hiện nay giao dịch B2B chiếm trọng lượng lớn nhất trong thương mại điện tử ở châu Á, ở Hàn Quốc tỷ lệ này chiếm đến 91% và ở Thái Lan là 50%. Do đó, việc xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là tiềm năng rất lớn của Việt Nam, sau khi chúng ta đã ký các hiệp ước thương mại tự do với EU, Hàn Quốc cùng nhiều nước khác. Đặc biệt, kể từ năm 2015, Việt Nam tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước chiếm đến 40% GDP toàn cầu.
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp từ các nước có nền kinh tế phát triển ưu tiên chọn kênh xuất khẩu trực tuyến và các nhà nhập khẩu trên thế giới thường xuyên tìm kiếm bạn hàng trên Internet. Kênh xuất nhập khẩu trực tuyến này làm giảm rất nhiều các chi phí và trên thực tế lại rất hữu hiệu với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nền kinh tế đang phát triển, nhất là khi họ đóng vai nhà cung ứng cho các công ty tại các nền kinh tế đã phát triển.
Các con số thống kê cho thấy, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm đến 96%, vì thế việc họ tìm cách mở ra những thị trường xuất khẩu mới sẽ là động lực để phát triển ngành thương mại điện tử. Và đây là điều hiển nhiên khi các doanh nghiệp bỏ ra ít thời gian và công sức hơn để đăng thông tin, hình ảnh, chứng chỉ và các điều kiện thanh toán hay giao dịch.
B2B là động lực chủ yếu xuất khẩu trực tuyến
Hiện nay thương mại điện tử xuyên biên giới (Cross-Border Ecommerce, CBE) là xu hướng toàn cầu nhưng ở mỗi nền kinh tế lại có sự thay đổi khác nhau. Ở châu Âu, những người mua sắm trực tuyến có khuynh hướng thỏa mãn với hàng hóa sản xuất ngay trong khối. Trong bản báo cáo “Cross-Border Ecommerce 2016: A Country-by-Country Look at Consumer Behavior and Trends” vừa được eMarketer công bố thì trong 12 tháng chỉ có 22% số người tiêu dùng trực tuyến ở Mỹ mua hàng xuyên biên giới, nghĩa là những mặt hàng nhập khẩu trực tuyến. Con số này ở Canada và Mexico là 67%, ở Argentina 49% và ở Úc lên đến 79,4%. Trong khi đó, người Nhật cũng chủ yếu mua hàng sản xuất trong nước cho dù tỷ lệ mua sắm trực tuyến của họ lên đến 82% dân số.
Trung Quốc được coi là nước dẫn đầu và thành công nhất trong việc xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Một động thái đáng chú ý gần đây là người khổng lồ Alibaba đang mua lại một loạt công ty thương mại điện tử lớn ở châu Á để làm cơ sở cho việc xuất khẩu ào ạt hàng hóa ra nước ngoài. Alibaba đã mua lại hệ thống bán lẻ trực tuyến được gầy dựng rất thành công bởi Rocket Internet nơi các nước Đông Nam Á, trong đó có Lazada Việt Nam với giá 1 tỉ đô la Mỹ.
Doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc trong năm 2016 này được dự báo lên đến 1.020 tỉ đô la, chiếm 20% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu trực tuyến của Trung Quốc tương đối thấp, dự kiến khoảng 85,76 tỉ đô la năm nay so với 57,13 tỉ đô la của năm trước, và tăng nhanh đến 157,1 tỉ đô la trong năm 2020.
Việc xuất nhập khẩu bằng con đường thương mại điện tử xuyên biên giới hay CBE có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, phân khúc B2B tức giao dịch giữa các nhà sản xuất (manufacturers) luôn chiếm tỷ trọng áp đảo so với phân khúc bán lẻ B2C của các nhà phân phối hay nhà buôn (merchants) đến thị trường tiêu dùng. Thứ hai, CBE là khuynh hướng phát triển chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nói cách khác, ở các nền kinh tế còn nhiều doanh nghiệp nhỏ như Việt Nam thì CBE là môi trường xuất khẩu tốt nhất.
Bản báo cáo mới đây của Frost và Sullivan dự kiến đến năm 2020, phân khúc thương mại điện tử B2B của thế giới sẽ vượt lên gấp đôi B2C, đạt đến 6.700 tỉ đô la. Phân khúc B2B của Trung Quốc trong năm 2015 cũng chiếm đến 70% trong tổng số 2.300 tỉ đô la của nền thương mại trực tuyến của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nói một cách khác, B2B đang vượt lên trên, một phần là nhờ tạo nên thị trường xuất khẩu trực tuyến.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của trường Đại học Nam California, 74% số doanh nghiệp cho rằng CBE sẽ là chìa khóa đột phá cho nền kinh tế trong ba năm tới. Trong đó, 82% cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo nên tác động lớn nhất và 47% cho biết CBE đang là điểm ưu tiên chiến lược và phát triển của họ.
Trên thực tế, thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt tại các nước trong khối Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nơi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt đến 35,2% mỗi năm, nơi mà xuất khẩu trực tuyến đang tạo nên sức mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người ta nhận ra rằng có đến 60 - 80% doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến thành công ngay trong năm đầu so với chỉ 30 - 50% doanh nghiệp kinh doanh theo lối cũ, và số lượng thị trường trực tuyến mỗi doanh nghiệp mở ra có thể lên tới 30 - 40 so với 3 - 4 thị trường truyền thống.
Xuất khẩu trực tuyến là ưu thế của doanh nghiệp nhỏ
Việc tận dụng ưu thế của xuất khẩu trực tuyến nhằm tiếp cận tốt hơn với nhà nhập khẩu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, song nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc tiếp cận triển khai mô hình kinh doanh mới này nên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Các chuyên gia nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu trực tuyến thường thiếu kỹ năng chuyên nghiệp như tiếp cận khách hàng, xử lý thư (e-mail) hỏi thăm và chăm sóc khách hàng, dẫn tới không tận dụng được hết các cơ hội.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã vào cuộc bằng cách cung cấp thông tin thị trường cho từng nhóm hàng, từng khu vực, hệ thống thương vụ ở các nước, thông tin đối tác, xác thực sản phẩm ở các thị trường, và cung cấp cổng thương mại điện tử là kênh để doanh nghiệp kết nối với các thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Các số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của Việt Nam có khuynh hướng giảm so với cùng kỳ trong những tháng đầu năm 2016. Vì vậy, thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là một giải pháp có tính khả thi. Nhưng khó khăn chính ở đây là các doanh nghiệp chưa biết cách vận hành các giải pháp trực tuyến để quảng bá hữu hiệu; nhân sự chuyên trách chưa bảo đảm các kỹ năng mềm; thiếu kinh nghiệm thực hiện các hoạt động quảng cáo trực tuyến; không đủ năng lực cạnh tranh cả về chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp thị với các đối thủ trong nước và nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cần có công cụ thương mại hữu hiệu bằng cách hợp tác với các nền tảng (platform) đủ sức lôi cuốn khách hàng, và cũng cần sử dụng nhiều ngôn ngữ thích hợp cho nhiều thị trường.
Các chuyên gia công nghệ khi nhấn mạnh đến mô hình B2C cũng khuyến nghị các nhà bán lẻ phải có những bước liên lạc và tìm hiểu khách hàng trong vùng mục tiêu, xem xét khả năng thanh toán xuyên biên giới, khả năng thiết lập hậu cần phân phối hàng hóa và cuối cùng phải đảm bảo tuân thủ các luật lệ của địa phương.
Việc am hiểu về người mua sắm xuyên biên giới rất quan trọng để quyết định phương án xuất khẩu, và am hiểu cùng đáp ứng thói quen thanh toán của khách hàng là yếu tố quyết định thành công của phương án. Đối với các doanh nghiệp nhỏ chỉ cần hợp tác với các nền tảng thương mại có sẵn tại mỗi nước như aCommerce ở Thái Lan, SingPost ở Singapore hay NetPrice ở Nhật Bản.
Theo Thesaigontimes
Ý kiến của bạn