XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT NÔNG THÔN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
TS. Trần Duy Khanh Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân Apec
I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng (hay châu thổ sông Hồng) là một vùng đất nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng, vùng đất bao gồm 11 tỉnh và thành phố như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Không giống như vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là không có núi, do đó khu vực này thường được gọi là châu thổ sông Hồng.
Toàn vùng có diện tích: 23.336 km², chiếm 7,1 % diện tích của cả nước.
Dân số toàn vùng là 19.883.325người, trong đó 70% dân số sống ở nông thôn (theo khảo sát dân số thời điểm 1/4/2011), chiếm 22,7% dân số cả nước. Đa số dân số là người Kinh, một bộ phận nhỏ thuộc Ba Vì (Hà Nội) và Nho Quan (Ninh Bình) có thêm dân tộc Mường.
Bản đồ vùng đồng bằng sông Hồng
II. Thực trạng môi trường rác thải sinh hoạt tại vùng đồng bằng sông Hồng
Về môi trường, vùng đồng bằng sông Hồng có 2 đặc điểm nổi bật là;
- Diện tích đất đai ít hơn so với các vùng khác trong cả nước (7,1%);
- Mật độ dân số cao nhất nước (22,7%).
Mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt nông thôn trung vùng phát sinh ước khoảng 8.800 tấn. Trong đó khoảng 60% số rác được thu gom, còn 40% hầu như người dân vẫn tự thải ra môi trường. Vì vậy, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng là vấn đề nan giải và bức xúc nhất hiện nay.
Thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng được thu gom ra bãi rác tập trung đạt khoảng 60%, tùy theo từng tỉnh.
- Tại Hưng Yên, mỗi ngày có khoảng gần 600 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn phát sinh, gần 60% lượng rác thải này được thu gom, vận chuyển, xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác thải của thôn, xã. Còn lại khoảng 40% số rác thải sinh hoạt nông thôn chưa được thu gom, vận chuyển, xử lý, lượng rác thải này phần lớn được người dân đổ, đốt tràn lan ra nơi cộng cộng, ao hồ, sông ngòi, kênh mương, ven đường giao thông quanh nhà...
- Tại Hà Nam, lượng rác thải sinh hoạt trong khu dân cư ước khoảng 580 tấn trong khu dân cư được thu gom chiếm khoảng 60%. Tuy nhiên, lượng rác thải được thu gom về bãi tập trung quy hoạch ở giữa các thôn hoặc cánh đồng, nhưng chưa có các biện pháp xử lý tiếp theo và đang trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường ngay tại các bãi rác.
- Nam Định, lượng rác thải sinh hoạt nông thôn khoảng 660 tấn/ngày, tỉ lệ thu gom đạt 74,1%. Còn lại người dân vẫn xả rác thải ra môi trường, sông ngòi, ao hồ đường đi, kênh mương....gây ô nhiễm trầm trọng môi trường..
- Tại Hải Dương,lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn trung bình khoảng trên 790 tấn/ngày và vẫn tiếp tục tăng lên. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý chỉ chiếm 50 - 70%. Hình thức xử lý chủ yếu là chôn lấp tại các bãi chôn lấp lộ thiên, một số nơi thỉnh thoảng đốt rác để tăng sức chứa cho bãi. Trong số khoảng 850 bãi chôn lấp có quy hoạch chỉ 26% số đó đảm bảo vệ sinh...
- Tại Bắc Ninh, mỗi ngày phát sinh khoảng 567 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn, trong khi đó tỷ lệ thu gom trung bình chỉ đạt khoảng 41,4%. Tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng điểm tập kết rác thải của các thôn với mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/điểm và tỉnh đang có chủ trương mỗi huyện, thị xã phải tự xây dựng một khu xử lý rác thải tập trung vì bãi rác chính Đồng Ngo đã quá tải phải đóng cửa, hiện chỉ còn khu xử lý rác thải tập trung Phù Lãng(Quế Võ) còn hoạt động.
- Tại Vĩnh Phúc, mỗi ngày khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh thải ra môi trường khoảng 590 tấn rác nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức chôn lấp. Rác thải được thu gom tập kết về điểm trung chuyển, sau đó thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác ở TP Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên để xử lý.
- Tại Ninh Bình, lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn khoảng 600 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 45-50%. Rác thải sau thu gom chủ yếu được vận chuyển đến nơi quy định và được xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp với đốt thủ công. Tại một số địa phương, địa điểm chôn lấp, tập kết rác không bảo đảm các tiêu chí về khoảng cách, diện tích sử dụng; rác không được xử lý đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật, gây mùi hôi thối, đồng thời phát sinh một lượng lớn rỉ rác làm ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm...
- Tại Quảng Ninh, lượng rácthải sinh hoạt nông thôn ước tính khoảng 800 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom mới đạt ước khoảng 40 đến 55%. Hiện còn khoảng 40 - 45% lượng rác thải chưa được thu gom, xử lý, người dân tự xả rác thải ra môi trường xung quanh như ao, hồ, sông ngòi, đường gia thông...khiến nhiều sông ngòi, ao hồ, cạnh đường gia thông tràn ngập rác thải sinh hoạt...
- Tại Hà nội, khu vực ngoại thành mỗi ngày phát sinh 2.175 tấn rác thải sinh hoạt, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 60 - 70% để vận chuyển đến nơi xử lý tập trung của Thành phố (bãi rác Nam Sơn). Đến nay, các bãi rác của TP đang quá tải, TP đã có chủ trương giao các huyện áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý rác tại chỗ. Huyện Thanh Oai và Phú Xuyên đang triển khai dự án xây dựng trạm trung chuyển - phân loại - xử lý rác ở xã Cao Dương và thị trấn Phú Minh. ..
- Tại Thái Bình, trung bình mỗi ngày có khoảng 758 tấn rác sinh hoạt nông thôn phát sinh. Trong đó, bình quân mỗi xã, lượng rác thải khoảng từ 5-10 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng rác được thu gom hiện mới chỉ đạt 65-70%, còn lại chủ yếu người dân tự xử lý rác bằng cách đào hố chôn, đốt, hoặc thải bừa bãi ra các sông, ao, hồ.
Toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 380 bãi rác không bảo đảm vệ sinh môi trường.. rác đổ ra tự tiêu hủy theo mưa nắng..gây ô nhiễm môi trường xung quanh..
- Tại Hải Phòng, khu vực nông thôn mỗi ngày có hơn 700 tấn rác sinh hoạt được thải ra môi trường, tỷ lệ rác thu gom đạt 81%. Rác thải chỉ được xử lý sơ sài, không bảo đảm quy trình, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường là tình trạng phổ biến ở bãi rác ở các xã hiện nay. Hiện còn khoảng 20% lượng rác thải chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh khiến nhiều sông ngòi, ao hồ, cạnh đường gia thông tràn ngập rác thải sinh hoạt...
III. Một số mô hình thu gom rác thải sinh hoạt hiện nay ở vùng đồng bằng sông Hồng
Vùng đồng bằng sông Hồng hiện có các mô hình tổ chức thu gom, xử lý rác thải (XLRT) như sau:
- Mô hình thu gom tự quản do người dân tự tổ chức: Đây là mô hình ở một số địa phương ở các thôn, xã xa trung tâm, đời sống khó khăn, chưa được chính quyền quan tâm. Các tổ chức xã hội như phụ nữ, hội nông dân...vận động người dân các thôn tự tổ chức tổ thu gom rác. Tỉnh Quảng Ninh có trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản, nhiều xã chưa có tổ dịch vụ thu gom rác, dọn vệ sinh (riêng huyện Hoành Bồ, Tiên Yên có 26 xã không có tổ thu gom rác thaiủ) ; 18/204 xã với 258/3052 thôn của tỉnh Nam Định chưa có tổ thu gom rác thải....rác thải được xử lý ngay tại các hộ gia đình hoặc đổ ra nơi công cộng. người dân tự thỏa thuận và cử người thu gom cho 1 xóm hoặc 1 cụm dân cư. Rác thải sau khi thu gom thường là đổ lộ thiên ven đường làng, bờ mương, chưa được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp địa phương cả về tài chính và chính sách, người thu gom rác phải tự trang bị phương tiện thu gom, chủ yếu bằng xe cải tiến, xe tự chế..; thu nhập trung bình chỉ đạt 150.000-200.000 đ/người/tháng, không được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội và bảo hộ lao động. Hoạt động không chuyên nghiệp, số lần thu gom trung bình 1 lần/tuần, có nơi 2 tuần/1 lần chủ yếu thu gom rác cho khu vực ven đường chính và khu tập trung dân cư..
- Mô hình thu gom do xã, thôn tổ chức: Đây là mô hình hoạt động phổ biến nhất ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. Mô hình này đã có sự quan tâm của chính quyền địa phương hỗ trợ về phương tiện thu gom, quy định phí thu gom rác thải các hộ dân phải trả. Người thu gom cũng là người thu thu tiền các hộ dân đóng góp hàng tháng. Hầu hết nhiều địa phương trong vùng đã qui hoạch được điểm tập kết, bãi chôn lấp rác. Thành phố Hải Phòng có 139/143, chiếm 97% số xã đã thành lập các tổ thu gom vận chuyển rác thải hoặc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải rắn (CTR) với doanh nghiệp. Hưng Yên có khoảng gần 1.100 tổ thu gom rác với gần 3.200 người ở các thôn xóm tham gia thu gom rác do chính quyền thôn, xã tổ chức; Nam Định khu vực nông thôn có 186/204 xã, thị trấn với 2467/3052 thôn, xóm tổ chức đội tổ thu gom rác; Hà Nội có 361/400, khoảng 80% số xã có tổ thu gom rác, nhưng chỉ có 148 xã rác thải được chuyển được đến khu xử lý tập trung của Thành phố, còn lại những nơi khác, chỉ thu gom đổ ra bãi rác ở thôn, xã để đốt, tự phân hủy..nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ... Quảng Ninh có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức đội thu gom rác thải ở thôn, xã định kỳ, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, tỉnh đã đầu tư trên 1.000 xe thu gom rác thải cho các địa phương . Ninh Bình, 73,8% số xã có mô hình tổ thu gom rác thải; Thái Bình 97% thôn xã có tổ thu gom rác được thành lập các tổ thu gom vận chuyển rác thải với nòng cốt là hội phụ nữ và đã thu gom, vận chuyển rác thải về khu xử lý rác của xã; có quy chế, tổ đội thu gom, xử lý rác thải của xã được duy trì thường xuyên.. ...
Tuy nhiên, các mô hình này cũng chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thu gom rác thải từ khu dân cư vận chuyển đến các điểm tập kết, chưa có các biện pháp kỹ thuật trong phân loại, XLRT. Số lần thu gom rác 1-2 lần/tuần. Thu nhập của người thu gom trung bình 350.000- 500.000 đ/tháng, người thu gom chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội, hoạt động thiếu chuyên nghiệp dẫn đến hiệu quả thấp. Trách nhiệm của các cấp địa phương chủ yếu là hỗ trợ (nên có đến đâu hỗ trợ đến đấy) mà chưa xây dựng được qui trình thu gom, XLRT đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường (VSMT)...
- Mô hình hợp tác xã (HTX) dịch vụ VSMT: Đây được coi là mô hình hoạt động hiệu quả nhất ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. Hoạt động theo luật HTX, có điều lệ hoạt động, phương án sản xuất dịch vụ, kết hợp nhiều loại dịch vụ môi trường như thu gom rác thải, thoát nước, cấp nước sinh hoạt, cây xanh, quản lý nghĩa trang...Nhưng mô hình này chưa nhiều và chỉ tồn tại chủ yếu ở các thị trấn, thị tứ, rất ít các xã có hình thức dịch vụ này.
Bắc Ninh có 2 HTX chuyên ngành vệ sinh môi trường, trong đó tiêu biểu là HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Thị trấn Thứa - Lương Tài - Được thành lập từ cuối năm 2011 với 10 thành viên, HTX thực hiện công tác thu gom rác thải và vệ sinh môi trường cho toàn bộ các khu dân cư, các trục đường chính, các công trình công cộng và 24 cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn thị trấn. Nhờ sự hỗ trợ của UBND thị trấn, HTX được trang bị thiết bị bảo hộ lao động và một số phương tiện làm việc như xe cải tiến, chổi, cuốc xẻng... Trung bình mỗi ngày, HTX thu gom 3-4 tấn rác đưa về các bãi tập kết), còn lại là các tổ vệ sinh môi trường thuộc các HTX dịch vụ nông nghiệp, hoạt động kém bài bản.
Tỉnh Quảng Ninh có 4 HTX dịch vụ vệ sinh môi trường. Trong đó tiêu biểu là HTX vệ sinh môi trường xã Xuân Sơn là HTX duy nhất chuyên dịch vụ vệ sinh môi trường. HTX mới đi vào hoạt động (2011), chỉ có khoảng 40% số hộ tham gia đóng phí vệ sinh môi trường với mức thu từ 2.000-4.000 đồng/tháng, nhưng sau hai năm, HTX đã vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, đến nay xã đã có trên 90% số hộ tham gia đóng phí với mức thu 10.000 đồng/tháng; nộp định kỳ 6 tháng/lần. Từ đó, mức lương của các xã viên cũng được tăng từ 200.000 đồng/ tháng khi mới thành lập lên 1 triệu đồng/tháng. HTX hiện có khoảng 30 xe rác, một tuần thu gom 3 lần tại 7 thôn, khu vực đường chính của xã thì ngày nào HTX cũng cho xe đi thu gom, dọn vệ sinh. Sau khi thu gom, các xã viên vận chuyển rác đến bãi tập kết để chuyển lên ô tô thu gom của Công ty TNHH Hải Yến. Khối lượng rác thu gom trên toàn xã khoảng 60 tấn/tháng.
|
Sau 5 năm HTX vệ sinh môi trường Xuân Sơn (Đông Triều) đi vào hoạt động, những con đường nông thôn nơi đây đều trở nên sạch - đẹp. Trong ảnh: Xã viên HTX vệ sinh môi trường xã Xuân Sơn thu gom và dọn rác tại thôn 3, xã Xuân Sơn. |
HTX MT Hà Nội thu gom rác thải cho 4 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm, Thạch Thất, với số lượng 400 tấn rác/ngày.
Nam Định có 04 HTX nước sạch và MT, trong đó tiêu biểu là HTXMT Nam Giang (Nam Trực). Một số tỉnh chưa thành lập được HTXDVMT riêng biệt, mà gắn chức năng DVMT vào HTXDVNN, như Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên..
Hầu hết các HTX dịch vụ môi trường đã được đầu tư xe thu gom rác, một số nơi đã được đầu tư xe vận chuyển rác thải. Thu nhập của người làm dịch vụ môi trường trung bình từ 1500.000 – 2.500.000 đ/người/tháng, người lao động được trang bị bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, số lần thu gom/tuần 3-7 lần/tuần.
Hiệu quả từ các mô hình HTX làm dịch vụ vệ sinh môi trường đã ngày càng rõ nét. Rác thải được thu gom sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan cho các vùng nông thôn. Như vậy, nếu duy trì và nhân rộng được mô hình này sẽ là yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt và chất lượng sống của bà con nông thôn... đó cũng là điều kiện quan trọng để các địa phương hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới - một trong những tiêu chí mà nhiều địa phương rất khó thực hiện.
Ngoài việc tham gia tích cực vào bảo vệ và làm sạch môi trường, các HTX dịch vụ môi trường còn góp phần tạo việc làm cũng như thu nhập và bảo đảm đời sống cho hàng chục nghìn lao động mà chủ yếu là cho người nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ các HTX triển khai phân loại rác tại nguồn, chế biến rác, sử dụng rác là nguyên liệu sản xuất nhằm phát triển kinh tế chiếm tỷ lệ thấp, chỉ là khoảng 13,7%, chủ yếu là làm nhiệm vụ thu gom và vận chuyển rác thải, vận chuyển và cung cấp nước sạch.
Tuy nhiên, các HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường do là mô hình mới nên thường có quy mô nhỏ, hoạt động đơn thuần là thu gom rác thải và vệ sinh môi trường. Nguồn thu từ khoản phí vệ sinh môi trường do người dân nộp theo quy định của tỉnh chỉ đủ trang trải 1 nửa tiền công lao động, còn lại do ngân sách xã hỗ trợ (nếu có) nên thu nhập của các xã viên còn thấp và HTX cũng không có nguồn để tái đầu tư vào trang bị phương tiện làm việc. Do năng lực và kinh phí hạn chế, việc xử lý rác thải của HTX chỉ theo phương pháp thủ công, chủ yếu là dùng chế phẩm và đốt cháy tự nhiên, chưa xử lý được rác thải tại chỗ, chưa tái sử dụng lại nguồn phế liệu...Để mô hình thành công cần có sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp.
- Mô hình Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần MTĐT
Mô hình này hầu như có rất ít ở các vùng nông thôn do các dịch vụ về môi trường không mang lại lợi nhuận về kinh tế. Mô hình này có ở toàn bộ các thành phổ, thị xã..trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Mô hình công ty TNHH hoặc cổ phần dịch vụ môi trường thường có 04 phương thức hoạt động khác nhau:
- Công ty TNHH hoặc Cổ phần Dịch vụ Môi trường chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn khu vực công ty chịu trách nhiệm đến bãi rác của tỉnh, thành phố để xử lý. Công ty không chịu trách nhiệm thu gom, không chịu trách nhiệm xử lý rác thải. Công ty TNHH MTV Vệ sinh môi trường huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đơn vị đảm bảo thu gom rác trên địa bàn toàn huyện, ký hợp đồng đưa rác đến xử lý tại bãi rác của xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái). Do lượng rác ngày càng nhiều, năng lực của Công ty không đáp ứng, nên chỉ đảm bảo thu gom lượng rác thải tại 7 xã với số lượng khoảng 10 tấn rác mỗi ngày, rồi chở thẳng tới bãi rác để đổ. Gần đây tại bãi rác xã Quảng Nghĩa đã khống chế một ngày chỉ cho đổ 1 xe rác, nên Công ty phải để tồn đến hôm sau mới vận chuyển đến nơi.
- Công ty TNHH hoặc Cổ phần Dịch vụ Môi trường chuyên làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn khu vực chịu trách nhiệm đến bãi rác của tỉnh, thành phố để xử lý. Công ty không chịu trách nhiệm xử lý rác thải. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên môi trường Nam Định chịu trách nhiệm với tỉ lệ thu gom khoảng 85%. Rác thải được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Khu liên hợp xử lý rác thải thành phố Nam Định (Làng Man, xã Lộc Hòa) với khối lượng khoảng 175 tấn/ngày.
- Công ty TNHH hoặc Cổ phần Dịch vụ Môi trường chuyên làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn khu vực công ty chịu trách nhiệm đến bãi rác của công ty để xử lý. Công ty chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải., Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Bắc Ninh) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại (thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy CTNH), hiện nay Công ty đã đầu tư xong Nhà máy phân loại, tái chế rác thải dân dụng và công nghiệp tại Xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với năng lực xử lý lên tới 300 tấn/ngày.
- Công ty TNHH hoặc Cổ phần Dịch vụ Môi trường chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt và xây dựng chuyển giao các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt cho các cơ sở đồng thời có nhà máy xử lý rác thải, chịu trách nhiệm thu gom và vận chuyển, xử lý rác thải. Cty dịch vụ môi trường Thăng Long (Hà Nội) đã nghiên cứu thành công công nghệ thu gom – xử lý rác nông thôn rất có hiệu quả. Công nghệ này đã được áp dụng tại các huyện như Phú Xuyên, Thanh Oai trong năm 2015 và sẽ áp dụng tại nhiều huyện ngoại thành khác trong những năm tới. Công nghệ thu gom xử lý rác nông thôn đã góp phần cải thiện chất lượng VSMT khu vực nông thôn từ tỷ lệ thu gom rác <50% khối lượng phát sinh lên >90% nhu cầu thu gom, xử lý hàng ngày. Đối với công nghệ xử lý rác quy mô công nghiệp công suất lớn, Cty đã đầu tư một nhà máy đốt rác công suất 700 tấn/ngày bằng chính công nghệ do Cty tự nghiên cứu và thiết kế kỹ thuật. Nhà máy đã hoạt động liên tục gần 4 năm nay xử lý được trên 300.000 tấn rác cho Hà Nội.
Nhìn chungcác mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý, chuyển giao công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt ở vùng đồng bằng sông Hồng rất đa dạng. Xu hướng ngày càng có nhiều công ty DVMT ra đời dáp ứng nhu cầu rác thải ngày càng tăng và nhu cầu vệ sinh môi trường.
Tổng hợp hoạt động của các mô hình dịch vụ quản lý chất thải nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng
TT | Nội dung | Mô hình dịch vụ | |||
Tổ tự quản | Do thôn, xã quản lý | HTX dịch vụ MT | Công ty TNHH hoặc CP DVMT | ||
1 | Địa bàn hoạt động | ở các vùng nông thôn xa, chính quyền ít quan tâm | Đây là mô hình phổ biến hiện nay ở nông thôn | Chủ yếu ở các thị trấn, thị tứ | Chủ yếu các vùng ven đô, khu công nghiệp |
2 | Kinh phí hoạt động |
|
|
|
|
| - Ngân sách NN (%) | 0 | 10-20 | 10-20 | 80-90 |
- Đóng góp của dân (%) | 100 | 80-90 | 80-90 | 10-20 | |
3 | Thu nhập (1000 đ/người/tháng) | 500-700 | 1000-1500 | 1500-2.500 | 2.500- 4.000 |
4 | Bảo hộ lao động (bộ/năm) | Không có | có | 1 | 2 |
5 | Bảo hiểm xã hội | Không có | Không có | Tự đóng | Công ty, Nhà nước đầu tư |
6 | Bảo hiểm y tế | Không có | Không có | HTX đóng | Công ty, Nhà nước đầu tư |
7 | Thiết bị thu gom | Tự trang bị | Địa phương trang bị | HTX trang bị | Nhà nước đầu tư |
8 | TB vận chuyển, thu gom | Tự trang bị | Địa phương trang bị | Đầu tư từ ngân sách địa phương | Công ty, Nhà nước đầu tư |
9 | Tính ổn định | Không ổn định | Tạm thời | Tương đối ổn định | Ổn định |
(Nguồn: Báo cáo kết quả điều tra đánh giá thực trạng năng lực hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu gom, nông thôn các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng )
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn do chồng chéo về đầu mối quản lý, không rõ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và lúng túng về mô hình xử lý, thu gom. Các văn bản hướng dẫn hiện hành chỉ áp dụng cho khu vực đô thị. Nhà nước hầu như không có kinh phí hỗ trợ cho công tác thu gom xử lý rác thải nông thôn. Trong phân công trách nhiệm quản lý chất thải nông thôn lại chưa rõ ràng, một số nội dung bị chồng chéo từ Trung ương đến cấp thành phố.
IV. Các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay ở vùng đồng bằng sông Hồng
Việc phân loại rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn trong cả nước nói chung cũng như vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng rất khó thực hiện trong thời điểm hiện nay (trừ một số dự án đang triển khai - nếu dự án hết thì mô hình cũng không còn tồn tại). Đến nay hầu như chưa có địa phương nào tiến hành phân loại rác thải tại hộ gia đình (nguồn ) thành công., Ngay các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... việc phân loại rác thải tại nguồn cũng thất bại. Có thể nói 100% rác thải sinh hoạt ở Việt Nam (cả ở nông thôn và thành phố) đều không được phân loại tại nguồn, gây khó khăn lớn cho quá trình xử lý.
Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trong vùng đạt khoảng 60 - 65%. Còn khoảng 40 - 45% người dân tự xử lý, chôn lấp hoặc vất ra sông ngòi, ao hồ, đường đi..
Tại nhiều vùng nông thôn trong vùng có làng nghề tiểu, thủ công nghiệp phát triển thì việc người dân đổ rác bên lề đường, ngõ xóm đang diễn ra rất phổ biến, gây không ít khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người và cảnh quan nông thôn...
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng đang ở mức báo động. Nhiều nơi, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành nỗi bức xúc của người dân. Các phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu sau:
1. Xử lý bằng phương pháp chôn lấp
Đây là phương pháp phổ biến hiện nay ở các vùng nông thôn. Rác sinh hoạt được thu gom chở đến khu vực chôn lấp hoặc rác thải sinh hoạt được người dân tự xử lý bằng cách đào hố chôn, đốt, hoặc thải bừa bãi ra các sông, ao, hồ.
Thực hiện Chương trình nông thôn mới, đến nay hầu hết các xã trong vùng đều đã quy hoạch bãi rác, khun xử lý rác. Nhưng do điều kiện kinh phí, phần nhiều các bãi rác này nằm lộ thiên, chỉ là một khu đất ven đường giao thông hoặc nằm giữa cành đồng...không có khu vực tập kết rác, khu vực phân loại, khu vực xử lý...đùng ra chỉ là một bãi rác tập trung...
Theo quy định về xử lý rác thải, rác thải phải được phân loại, phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng và có hố chôn lấp. Hố chôn lấp phải có vải địa kỹ thuật chống thấm. Tuy nhiên, ở hầu hết các xã, rác chất đống, không phân loại, không được phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng, không có vải địa chống thẩm thấu, không có hố chôn lấp rác thải rắn... Thông thường rác thải được phơi khoảng dăm ba ngày cho khô, rồi đưa vào lò đốt. Trong khi đó, hầu hết, các bãi chôn lấp đều không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, nước rỉ rác không được xử lý, chảy ra gây ô nhiễm môi trường, khiến nguồn nước mặt, nước ngầm, đến cây trồng chung quanh bãi chôn lấp ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nam Định hiện vẫn còn khoảng 90 xã chưa có bãi chôn lấp rác thải, không có nơi chứa rác thải tập trung...Toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 380 bãi rác không bảo đảm vệ sinh môi trường..Toàn tỉnh Bắc Ninh có 550 điểm tập kết rác thải, trong đó 125 điểm tập kết rác thải của thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ đang áp dụng việc thu gom rác thải theo mô hình đô thị, rác thải được xe chuyên dụng lấy từ xe gom lên thùng, không đổ vào điểm tập kết; 412 điểm tập kết rác thải của các địa phương khác đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên vẫn còn 131 điểm có rác thải đổ ra ngoài hoặc đổ tràn ra ngoài điểm tập kết; 31 điểm tập kết rác thải đã xây dựng xong nhưng chưa đưa vào hoạt động do đường dẫn vào điểm tập kết gặp khó khăn. Hà Nam đã xây dựng gần 500 bãi rác tạm có quy mô cả xã hoặc thôn, xóm, 34 bãi rác tập trung. Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý môi trường sau khi đóng cửa bãi rác Cộng Hoà (TX Quảng Yên); đang triển khai xây dựng mới mô hình thu gom rác thải tại các xã đảo Quan Lạn và Minh Châu và mở rộng bãi rác Cầu Cao xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn); đầu tư bãi chứa rác tại thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu)…
Nhìn chung các địa phương vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng đều chưa có bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, đúng quy định. Rác thải sinh hoạt mới được thu gom chở đến đổ vào một khu vực, không được sử lý... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (không khí, nguồn nước, môi trường...). Nhiều địa phương xảy ra hiện tượng tận dụng các ao, hồ và các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm của địa phương.
Phương pháp chôn lấp tốn nhiều diện tích đất đai và dề gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở nông thôn...Vùng đồng bằng sông Hồng việc chôn lấp rác thải là không phù hợp. Nguyên do các xã tự tổ chức thực hiện từ thu gom đến vận chuyển và xử lý. Do phụ thuộc kinh phí, mỗi xã lại có cách xử lý rác thải khác nhau, nhưng hầu hết chưa đáp ứng kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Nước thải bẩn từ các bãi rác ngấm, chảy xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước.
2. Xử lý rác bằng phương pháp đốt
Phương pháp này đang trở thành phổ biến và xu hướng ở một số địa phương trong vùng. Phương pháp này có những ưu điểm như xử lý triệt để các chỉ tiêu chất thải ô nhiễm có trong rác thải sinh hoạt, xử lý toàn bộ chất thải mà không tốn diện tích và thời gian xử lý chôn lấp. Đến nay, Thái Bình đã có 50 lò đốt rác sinh hoạt; Vĩnh Phúc đã đầu tư kinh phí lắp đặt 33 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ tại một số địa phương; Quảng Ninh đã đầu tư 3 lò đốt rác thải nông thôn cho các địa phương Ba Chẽ, Quảng Yên và Cô Tô...Hà Nam, Hải phòng.. đang triển khai. Nhìn chung biện pháp xử lý rác thải bằng lò đốt đang diễn ra rất phổ biến và có xu hướng ngày càng nhiều, bởi vùng đồng bằng sông Hồng diện tích xây dựng bãi chôn lấp rác hạn chế, lượng rác thải sinh hoạt tồn tại ngày càng tăng...
3. Xử lý bằng phương pháp ủ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh
Phương pháp này đang triển khai ở một số địa phương. Quá trình xử lý bằng phương pháp này không gây ra mùi và vi sinh vật gây bệnh. Ổn định được chất thải, các chất sẽ chuyển hóa chất hữu cơ sang dạng ổn định, làm mất đi hoạt tính của vi sinh vật và đặc biệt là thu hồi chất dinh dưỡng và cải tạo đất có thể làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Phương pháp này đòi hỏi phải có quy trình kỹ thuật, có đội ngũ kỹ thuật và có nguồn kinh phí đầu tư lớn...nên ít địa phương có khả năng ứng dụng.
Cho đến nay, chưa có điạ phương nào trong vùng đồng bằng sông Hồng sản xuất phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt thành công. Có một số nơi sản xuất ra phân vi sinh nhưng không có ai mua vì chất lượng không tốt và giá thành cao (thực tế sản xuất phân vi sinh là một quy trình công nghệ tiên tiến, không phải ai cũng có thể sản xuất được phân vi sinh, chưa nói đến xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hưu cơ vi sinh lại càng khó)...
Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí để duy trì hoạt động và ý thức chấp hành quy định về vệ sinh môi trường của người dân nhiều nơi chưa cao nên các mô hình thường có tỷ lệ thu gom chưa triệt để, rác thải chưa được phân loại tại nguồn dẫn đến khó khăn trong khâu xử lý, tỷ lệ được xử lý đạt hiệu quả thấp. Ngoài ra, các bãi rác chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh mà chủ yếu đổ lộ thiên hoặc đốt nên gia tăng ô nhiễm môi trường.
Mặc dù lượng rác thải hàng ngày được nhiều địa phương quan tâm thu gom với tỉ lệ cao, đầu tư dành cho công tác thu gom rác thải đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên việc xử lý hiệu quả khối lượng rác đã được thu gom còn nhiều bất cập do các nguyên nhân như địa phương chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, công tác quy hoạch lựa chọn điểm chôn lấp rác rất khó khăn đối với một số địa phương, kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, một số bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường chung, công tác vận hành bãi chôn lấp rác thải tập trung chưa đúng quy trình.
V. Một số mô hình xử lý rác thải sinh hoạt thành công
1. Công ty CP môi trường Thanh Xuân - Thủy nguyên Hải Phòng.
Đầu tiên, Công ty được giao thu gom rác trên địa bàn xã Thủy Sơn. Từ cuối năm 2012, toàn bộ rác thải trên địa bàn xã được tập trung về một điểm và Công ty CP môi trường Thanh Xuân chở đi xử lý. Lượng rác tồn đọng trước đây cũng được thu gom sạch sẽ. Đến nay, việc thu gom rác trên địa bàn xã đi vào nền nếp, 90% số hộ tham gia đóng phí thu gom rác và không phát sinh rác tồn đọng.
Tiếp tục Công ty mở rộng địa bàn thu gom xử lý rác thải sinh hoạt ra các xã Minh Tân, Lưu Kiếm, Mỹ Đồng, Phù Ninh...Từ khi mô hình thu gom rác của Công ty CP môi trường Thanh Xuân đi vào hoạt động, vấn đề môi trường không còn là điều lo ngại với địa phương đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Công nhân Công ty CP môi trường Thanh Xuân thu gom rác thải, vận chuyển rác về nơi chôn lấp
Sau khi thành lập, công ty đầu tư mua xe ép chở rác (1 xe ép chở rác chuyên dùng trị giá 1,5 tỷ đồng), trang bị bảo hộ, thuê công nhân… Còn các địa phương xây dựng ga rác tạm thời, sắm xe rác đẩy tay (theo nguồn vốn ngân sách)… Đối với việc thu gom, vận chuyển rác thải, công ty thực hiện theo chu trình “khép kín”, sau một thời gian hoạt động, công ty nhận được nhiều sự ủng hộ của bà con các địa phương. Công ty hiện nay mở rộng hoạt động đến 37 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện Thủy Nguyên.
2. Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà - Thái Bình
Lò đốt rác rác thải xã Điệp Nông xử lý đốt rác
Xã Điệp Nông quy hoạch diện tích 1ha đất thuộc thôn Ngũ Đoài xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt với tổng kinh phí 3 tỷ đồng, gồm nhà tập kết phân loại rác, sân bãi, hệ thống điện, cấp thoát nước, tường bao, khu chôn lấp. Để việc thu gom rác thải đạt hiệu quả, đội thu gom rác thải chia thành hai tổ, một tổ chuyên thu gom rác thải và một tổ chuyên phân loại, xử lý tại lò. Sau khi rác được tập kết tại các thôn, làng, tổ thu gom đưa rác về khu xử lý để phân loại và phơi. Với công suất hoạt động 500kg rác thải sinh hoạt/giờ, lò đốt mỗi ngày xử lý 4- 5 tấn. Lò vận hành bán tự động theo quy trình khép kín, từ khâu cấp nguyên liệu vào cho tới khâu đẩy nguyên liệu ra sau khi đốt. Năng lượng của rác tạo ra trong quá trình cháy có thể ủ giữ nhiệt trong khoảng thời gian 1- 1,5 ngày, do đó năng lượng này sẽ được tái sử dụng để đốt phần rác mới được đưa vào mà không cần phải nhóm lò. Cứ 100 kg rác chỉ còn 20 kg tro. Nếu áp dụng phương pháp chôn lấp như trước đây, thì một tháng đội vệ sinh môi trường phải thuê máy xúc san lấp một lần, vừa tốn kém kinh phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Việc đưa vào sử dụng lò đốt rác thải của xã Điệp Nông đã cơ bản xử lý được tình trạng ùn ứ rác ở bãi rác tạm, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện cũng như các địa phương lân cận.
3. Mô hình HTX thu gom rác thải Kim Sơn (Đông Triều - Quảng Ninh)
Trên địa bàn xã Kim Sơn (Đông Triều) có nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động, thu hút một lượng lớn lao động tập trung tại đây nên số lượng rác thải sinh hoạt rất lớn, đâu đâu cũng thấy rác thải vừa ô nhiễm, vừa mất mỹ quan.
Xã viên HTX Dịch vụ thu gom rác thải xã Kim Sơn thu gom rác tại thôn Gia Mô, |
Năm 2012, HTX Dịch vụ thu gom rác thải xã Kim Sơn được thành lập. Ngày mới thành lập, HTX chỉ có 15 cán bộ xã viên được chia thành 4 tổ, hoạt động ở 5 thôn, xã viên chủ yếu là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, HTX thu kinh phí 10.000 đồng/hộ/tháng, nhưng do các hộ dân chưa quen với dịch vụ thu gom rác nên một số hộ đã không chấp hành, lấy lý do rác thải ít gia đình tự đem xử lý nên không nộp phí, gây khó khăn cho HTX. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt tình ủng hộ của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động, người dân hiểu rõ lợi ích cần thiết trong việc bảo vệ môi trường nông thôn nên dần dần mọi người đã hiểu và tích cực ủng hộ. Điều này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, năm 2012 khi mới thành lập HTX, toàn xã chỉ có 148/2.066 hộ tham gia đóng phí, nhưng đến năm 2013 số hộ tham gia đóng góp lên 1.600 hộ, đến nay đã có gần 2.000 hộ tham gia dịch vụ thu gom rác thải, với mức phí 15.000 đồng/tháng/hộ. Hiện nay, HTX không chỉ đảm bảo tốt nhu cầu gom rác tại khu dân cư mà còn tham gia thu gom rác tại một số trường học, xí nghiệp và cơ quan trên địa bàn. Ước tính trung bình mỗi ngày, HTX thu gom khoảng 9 tấn rác thải các loại. Thu nhập bình quân của xã viên đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
Để HTX Thu gom rác thải Kim Sơn hoạt động hiệu quả, huyện Đông Triều đã hỗ trợ 30 xe đẩy rác và Liên minh HTX-DNNQD tỉnh đã hỗ trợ quần áo bảo hộ lao động, tập huấn an toàn vệ sinh lao động cho xã viên HTX. Mặc dù vậy, hoạt động của HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hoạt động của HTX chủ yếu là thu phí từ các hộ dân, với mức thu phí 15.000 đồng/hộ/tháng. Trang thiết bị của HTX vẫn chủ yếu là xe đẩy rác cá nhân, chỉ hoạt động ở phạm vi ngắn nên HTX mong muốn được sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư xe chuyên dụng. Bên cạnh đó, HTX chưa có trụ sở để hoạt động, nơi tập kết rác, vì vậy rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành để hoạt động dịch vụ thu gom rác thải của HTX hoạt động hiệu quả hơn.
4. Mô hình HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Thị trấn Thứa - Lương Tài Bắc Ninh
Được thành lập từ cuối năm 2011 với 10 thành viên, HTX thực hiện công tác thu gom rác thải và vệ sinh môi trường cho toàn bộ các khu dân cư, các trục đường chính, các công trình công cộng và 24 cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn thị trấn. Nhờ sự hỗ trợ của UBND thị trấn, HTX được trang bị thiết bị bảo hộ lao động và một số phương tiện làm việc như xe cải tiến, chổi, cuốc xẻng... Trung bình mỗi ngày, HTX thu gom 3-4 tấn rác đưa về các bãi tập kết), còn lại là các tổ vệ sinh môi trường thuộc các HTX dịch vụ nông nghiệp, hoạt động kém bài bản. Hiện nay, mỗi xã viên được đảm bảo thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng, mua đầy đủ bảo hiểm y tế và chế độ phúc lợi trong các dịp lễ, tết, qua đó, vừa phát huy tinh thần trách nhiệm, vừa giúp xã viên gắn bó với HTX. Qua 4 năm hoạt động, môi trường ở các khu dân cư và cảnh quan toàn thị trấn được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là tình trạng ứ đọng rác thải sinh hoạt được hạn chế.
xã viên HTX DVMT Thị trấn Thứa thu gom rác
5. Mô hình lò đốt rác thải nông thôn tại Vĩnh Phúc
(Mô hình đốt rác tại xã Tam Hồng) |
Xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc. Vĩnh Phúc đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải theo quy trình: Rác thải sinh hoạt hộ gia đình → Thu gom vận chuyển tập kết tại bãi phân loại rác → Phơi rác → Đốt rác → Tro vụn → Chôn lấp.
Công nghệ dùng để đốt rác là công nghệ của Nhật Bản, thiết bị sản xuất tại Thái Lan, nhãn hiệu SANKYO, mang tên NFi - 05, công suất đốt lớn nhất 10 tấn rác/ngày đêm, có khả năng đốt liên tục hoặc có thể ủ giữ nhiệt trong khoảng thời gian 1 - 1,5 ngày để chờ rác, rất phù hợp với khu dân cư khoảng 15.000 - 20.000 người.
Một lò đốt rác được khánh thành tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
VI. Những tồn tại trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay
Chưa có công nghệ xử lý rác triệt để và hiệu quả nên hiện nay, rác thải ở các khu đô thị, khu công nghiệp đều đưa về vùng nông thôn, ngoại thành để chôn lấp, nhiều bãi rác đã bị quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng tỏ rõ sự lo ngại với phương pháp xử lý rác này, cho rằng đây thực chất chỉ là xử lý được ô nhiễm ở chỗ này nhưng lại phát tán, gây ô nhiễm cho nơi khác, lúc khác. - Chưa có mô hình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn thật sự thành công (hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, bền vững...), phù hợp với mô hình nông thôn.
- Các quy trình đốt, chôn lấp, ủ phân vi sinh...chưa đi vào cuộc sống, thiếu thực tế. Việc quản lý, xử lý CTR không đúng kỹ thuật, không hợp vệ sinh là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm môi trường.
- Các bãi chôn lấp lộ thiên, hầu hết không có hệ thống xử lý nước rỉ rác hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả đã và đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Việc xử lý rác tại các điểm tập kết rác phần lớn chưa được quan tâm và chưa thực hiện được, kể cả là xử lý sơ bộ.
- Nhiều nơi vẫn còn hiện tượng rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
- Các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn phần lớn được hình thành tự phát nên hoạt động kém hiệu quả và không bền vững.
- Chức năng quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn giữa các ngành chưa có sự phân công rõ ràng cho một cơ quan quản lý dẫn đến hoạt động chồng chéo và… bỏ ngỏ.
- Chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn: Trong khi ở khu vực đô thị, các Công ty dịch môi dịch vụ môi trường đô thị là các doanh nghiệp công ích Nhà nước, 80% kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, 20% do dân đóng góp thì các tổ chức dịch vụ môi trường ở nông thôn kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí dịch vụ môi trường do người dân đóng góp chỉ đủ để trả thù lao cho người thu gom rác với mức chỉ bằng 30-40% thu nhập của người thu gom rác ở đô thị. Người thu gom chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhiều nơi chưa có bảo hộ lao động.
- Chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong khi chính quyền địa phương còn nhiều quan tâm đến các vấn đề khác.
- Các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải: Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới chỉ thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải mà chưa có các biện pháp xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng.
- Nhận thức của cộng đồng còn hạn chế cũng là nguyên nhân làm cản trở công tác xã hội hóa các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
- Các hoạt động tổ chức cho cộng đồng tham gia quản lý chất thải nông thôn còn mang nặng tính phong trào, chủ yếu thực hiện trong các dịp lễ, tết mà chưa được duy trì thường xuyên, chưa trở thành nhiệm vụ của các cơ quan và các cấp chính quyền. Ở rất nhiều địa phương đã có hương ước về làng văn hóa mới, trong đó qui định rất cụ thể về nếp sống văn hóa trong cưới hỏi, tang lễ… nhưng rất ít các hương ước đề cập đến các qui định về quản lý chất thải và vệ sinh môi trường hoặc đề cập một cách chung chung.
- Công tác quy hoạch điểm tập kết rác thải ở không ít nơi chưa hợp lý, khoảng cách từ điểm tập kết rác đến khu dân cư không bảo đảm, nhất là ở những địa phương mật độ dân cư đông đúc như khu vực thị trấn, thị tứ...
V. Một số khuyến nghị
- Đẩy mạnh xã hội hóa việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, tạo điều kiện thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn(BVMT).
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, đặc biệt người dân trong việc chuyển đổi hành vi thu gom rác thải và BVMT nông thôn. Biến công tác BVMT thành nhận thức, hành động có sự tham gia của cộng đồng và huy động cộng đồng tham gia bảo vệ và cải thiện môi trường một cách tích cực, chủ động, thường xuyên.
- Có cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn. Từng bước tiến tới thành lập HTXMT hoặc Công ty TNHH MT nông thôn.
- Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương: Thực hiện phân công trách nhiệm quản lý Nhà nuớc giữa các cấp trong quản lý và BVMT nông thôn;
- Lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng để phổ biến áp dụng;
- Nâng cao vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác quản lý và BVMT nông thôn. Huy động đóng góp về tài chính, nhân lực, đầu tư kinh phí xây dựng khu thu gom rác thải tập trung đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cho khu vực nông thôn;
- Các địa phương cần xây dựng qui chế bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rác thải sinh hoạt nông thôn; Xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn.
- Cần lồng ghép các nguồn tài chính hỗ trợ từ các doanh nghiệp, Quỹ Môi trường toàn cầu...cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh...để xây dựng quy trình và mô hình xử lý triệt để rác thải sinh hoạt tại cộng đồng vùng đồng bằng sông Hồng, từ đó nhân rộng mô hình toàn quốc.
Hà Nội, tháng 8/2016
Ý kiến của bạn