1,5 tấn lòng thối ngâm hóa chất: Thẳng tay khởi tố xem có dám không?
Không biết bao vụ các trường hợp kinh doanh, buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, báo chí lên án mạnh mẽ nhưng cuối cùng chỉ bị tịch thu tang vật tiêu hủy và xử phạt vi phạm hành chính là cùng...
Ngày 16.11, Chi cục Thú y cùng Cảnh sát kinh tế thị xã Bến Cát (Bình Dương) kiểm tra cơ sở của bà Trần Thị Mỹ Nhiên thì phát hiện 18 công nhân đang chế biến hàng trăm kg lòng lợn thối bốc mùi trong bể xi măng đầy hóa chất. Nghiêm trọng hơn, theo cơ quan chức năng, 54 kg chất tẩy trắng, 5 kg bột màu bên ngoài ghi chữ Trung Quốc cũng được tìm thấy. Tổng cộng gần 1,5 tấn lòng lợn thối được tìm thấy và tiêu hủy trước khi số này kịp bán cho các quán ăn, nhà hàng, được chế biến thật hấp dẫn và “chui” vào bụng thực khách. Điều đáng buồn là vụ việc này chỉ là một trong số hàng trăm vụ buôn bán thực phẩm bẩn bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Số lòng lợn thối được ngâm tẩy trong bể xi măng hóa chất. VNE
Trong vụ việc này, tôi cảm thấy khó hiểu khi một cơ sở quy mô dù không có giấy phép kinh doanh, giấy tờ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... lại có thể hoạt động an toàn lâu tới vậy. Tôi cũng không hiểu vì sao hàng chục con người tại cơ sở này lại có thể “nhắm mắt nhận tiền” phục vụ cho hoạt động trái pháp luật và đạo lý như vậy.
Mỗi ngày quá đi, không biết bao nhiêu nhiêu vụ vận chuyển, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn chưa được phát lộ. Nói không ngoa là những người này đã vì đồng tiền mà bán “linh hồn cho quỷ dữ”, bất chấp tất cả, thu lợi nhuận trên sức khỏe và tính mạng của người khác.
Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, mỗi ngày, nước ta có 205 người chết vì ung thư, mỗi năm có khoảng 75.000 người chết vì bệnh ung thư, cao gấp 7 lần tử vong do tai nạn giao thông. Nghĩa là tai nạn giao thông ở ta thuộc vào hạng cao nhất thế giới chả thấm vào đâu so với số người “thất thủ” vì ung thư cả. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư là thực phẩm bẩn. Các hóa chất dùng để tẩy màu, khử mùi tồn tại trong thực phẩm bẩn, thông qua con đường ăn uống án ngữ trong cơ thể người. Các hóa chất độc hại sẽ tồn tại, tích tụ qua thời gian dài và gây ưng thư gan, phổi, trực tràng...
Tôi chợt nhớ tới những câu nói của cử tri, đại biểu Quốc hội thời gian qua và thấy nguyên giá trị. Như tại buổi tiếp xúc với cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cử tri Phan Quang Lập (phường Ba Láng, TP.Cần Thơ) đã so sánh: “Tác hại của thực phẩm bẩn còn nguy hại hơn cả bom nguyên tử vì bom nguyên tử chỉ có ảnh hưởng trong một phạm vi nhất định. Còn thực phẩm bẩn có thể làm con người chết ngay, chết từ từ và bệnh tật di truyền, không có thuốc chữa, ảnh hưởng đến cả giống nòi dân tộc”.
Hay như lời tỏ bày gan ruột của Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) trước Quốc hội rằng: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của người Việt Nam lại ngắn đến như vậy”.
Thực tế, không những chỉ đầu độc giống nòi, đầu độc người tiêu dùng, những người kinh doanh, buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn còn góp phần tiếp tay phá hoại sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại, mang tiếng xấu cho những người sản xuất, người nông dân chân chính, một nắng hai sương.
Cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hóa bắt giữ vụ vận chuyển thịt, lòng động vật không nguồn gốc. Ngọc Thọ
Một câu hỏi là dù các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng vì sao những hành vi kinh doanh, buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn lại không giảm, thậm chí có “xu hướng” gia tăng qua các vụ việc được phát hiện. Rõ ràng bên cạnh yếu tố lợi nhuận, bất chấp, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá thì còn một nguyên nhân chính yếu khác nữa là hậu phát hiện, xử lý theo pháp luật chưa đủ sức răn đe. Không biết bao vụ các trường hợp kinh doanh, buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, báo chí lên án mạnh mẽ nhưng cuối cùng chỉ bị tịch thu tang vật tiêu hủy và xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền phạt đôi triệu chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn. Và vòng xoay phát hiện - nộp phạt - tái phạm - tiếp tục - nộp phạt... cứ tiếp diễn, xoay đều. Còn người tiêu dùng vẫn cứ hàng ngày, hàng giờ phải “tống” vào mình những thứ hóa chất cực độc. Việc phát hiện ung thư chỉ là sớm hay muộn, hên xui mà thôi.
Việc các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ là cần thiết thế nhưng hơn bao giờ hết việc phát hiện rồi xử lý bằng mức phạt như thế nào mới là quan trọng. “Giơ cao đánh nhẹ hều” không những khiến những người kinh doanh thực phẩm bẩn không cảm thấy e ngại run sợ mà trái lại còn “nhờn” thêm. Nếu cứ phát hiện, đủ căn cứ, khởi tố thẳng tay để xem những người này có dám tái phạm hay không. Về phía mình, người tiêu dùng - đối tượng thiệt hại đầu tiên vì thực phẩm bẩn cũng cần phải mạnh mẽ lên án, đấu tranh, tố giác tới cơ quan chức năng, đừng để những cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn tồn tại “bên hông” và “giết hại” mình một cách từ từ như trên.
*TS Trần Duy Khanh hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC.
http://m.danviet.vn
Ý kiến của bạn