Giá xăng tăng liên tiếp 2 lần trong tháng 8 vừa qua là một trong những nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao.

Thông tin trên vừa được nhóm nghiên cứu Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đưa ra trong báo cáo mới nhất của mình.

Theo đó, lạm phát tăng tốc khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92%, mức cao nhất kể từ 9/2013. CPI tháng 8 cũng mở rộng mức tăng lên 3,35% sau 6 tháng liên tiếp thu hẹp biên độ tăng. Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, chỉ số CPI trung bình tăng 3,84% trong khi chỉ số CPI lõi tăng 1,47%.

Theo KIS, có bốn nguyên nhân chính khiến CPI tháng 8 tăng cao.

Thứ nhất, việc điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tại 17 tỉnh, thành phố đẩy chỉ số giá nhóm này tăng 2,86%.

Thứ hai, hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu khiến chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,13% sau 4 tháng giảm liên tiếp.

Thứ ba, sự phục hồi giá các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn và rau xanh góp phần đẩy chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%.

Thứ tư, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,27%; giá gas tăng 8,91% và giá dầu hỏa tăng 5,14%.

Mặc dù CPI bình quân 8 tháng năm 2017 mới chỉ tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, vẫn thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra, song sự tăng tốc khá nhanh của lạm phát không khỏi khiến các chuyên gia lo ngại cho mục tiêu này.

Nhóm nghiên cứu của KIS nhận định: Tháng 9 này, "động lực" tăng của lạm phát đến từ các nhân tố chính như: Giá thuốc và dịch vụ y tế tiếp tục được điều chỉnh tăng; Lộ trình tăng học phí cùng nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho năm học mới; Nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở trong các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, rủi ro giá xăng dầu tăng trong các tháng cuối năm cùng sự hồi phục của đồng USD trong trường hợp FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Bởi vậy, KIS cho rằng cần phải hết sức thận trọng với lạm phát.