5 cách thúc đẩy doanh số trong thương mại điện tử
Bên cạnh các yếu tố thuộc về thiết kế website, thương mại điện tử (TMĐT) còn cần rất nhiều yếu tố khác nhằm thúc đẩy doanh số, Molly Reynolds - Trưởng bộ phận PR của Công ty Quảng cáo Trepoint, cho biết.
Dưới đây là một số cách tận dụng tiếp thị kỹ thuật số để thúc đẩy doanh số mà các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cần lưu tâm.
1. Cải thiện tốc độ tải trang
Tốc độ tải trang có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ chuyển đổi từ ghé thăm website đến thực hiện hành động mua hàng của khách hàng.
Theo một báo cáo của Hãng Aberdeen Research Group, trung bình việc tải trang bị chậm 1 giây thì tỷ lệ chuyển đổi sẽ bị giảm bớt 7%. Đồng thời, nếu phải mất nhiều hơn 3 giây để tải một website, 40% khách hàng sẽ rời khỏi website đó, theo báo cáo của Akamai.
Có rất nhiều công cụ hỗ trợ DN kiểm tra tốc độ tải trang. Chẳng hạn như nền tảng Maxly có thể cung cấp liên tục thông tin về tốc độ tải trang và cập nhật cụ thể (theo giờ) những yếu tố làm chậm websie của DN.
DN cũng có thể kiểm tra tốc độ tải trang hoàn toàn miễn phí (không có thông tin cập nhật hằng giờ) bằng tài khoản Google Analytics, hoặc so sánh website của mình với top 1.000 website được truy cập nhiều nhất nhờ công cụ Fasttimes của Maxly.
Tốc độ tải trang không những ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi mà còn ảnh hưởng đến thứ hạng của website trên các công cụ tìm kiếm (chẳng hạn như Google). Tốc độ tải trang càng nhanh, website càng được đánh giá cao.
2. Chú ý đến những hoạt động của đối thủ
Bạn sẽ không thể đánh bại đối thủ nếu không biết họ đang làm gì. Vì vậy, đừng quên cập nhật liên tục thông tin về chiến dịch kinh doanh của những đối thủ trực tiếp.
Kompyte là công cụ khá hiệu quả trong việc cung cấp những thông tin trên website, mạng xã hội, các chiến dịch quảng cáo và thư thông tin (newsletter) của các DN đối thủ. Bạn sẽ nhận được thông báo một khi các DN này ra mắt một chiến dịch mới, thay đổi giá cả sản phẩm, hoặc khi có một DN mới gia nhập thị trường và muốn san sẻ "miếng bánh" với bạn.
3. Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng
Mỗi khi khách hàng truy cập vào website, Amazon sẽ "chào" họ bằng cách sử dụng tên cụ thể và hiển thị sản phẩm theo sở thích của họ (căn cứ vào những lần mua hàng trước đây).
Trong một chiến dịch quảng bá cho ứng dụng Slideshark 3.0, Hãng BrainShark đã dùng nền tảng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng mang tên Evergage để tối ưu lượng người sử dụng bản dùng thử của ứng dụng này.
Dựa vào hành vi, thói quen của khách hàng trên internet, Slideshark đã giới thiệu các tính năng để thuyết phục họ vào thời điểm thích hợp nhất đối với từng đối tượng riêng biệt.
Kết quả là doanh số của BrainShark đã tăng lên gấp 9 lần và số lượng người sử dụng bản dùng thử tăng lên 150%. Trong tổng giá trị quy trình bán hàng của BrainShark, các chiến lược cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng chiếm đến 1,1 triệu USD.
4. Tận dụng truyền thông xã hội một cách sáng tạo
Công ty chuyên sản xuất thiết bị kỹ thuật số dành cho người bơi lội Finis được thành lập bởi John Mix và vận động viên bơi lội từng đoạt huy chương vàng Olympic Pablo Morales. Để quảng bá và phát triển thương hiệu, Hãng Finis đã từng "nhờ cậy" sự giúp sức của những người hâm mộ.
Họ sử dụng công nghệ của nền tảng ReadyPulse để xác định 1% những người có tương tác nhiều nhất với mình trên truyền thông xã hội. Sau đó, Finis cho chạy chiến dịch "Giới thiệu chính mình" và thu về 1.511 mẩu nội dung từ các kênh mạng xã hội.
Những từ khóa có liên quan đến thương hiệu tiếp cận được 2,2 triệu người và kết nối được với 38.459 khách hàng. Sau cùng, Finis cho hiển thị những dòng nội dung chia sẻ của khách hàng trong chiến dịch này lên website của mình, đồng thời kèm theo nút "Mua hàng".
Qua phân tích cho thấy, có 16% khách hàng truy cập website của Finis đã nhấp chuột vào những dòng nội dung chia sẻ trên mạng xã hội. Một kết quả còn ấn tượng hơn nữa là giá trị đơn đặt hàng trung bình trên trang của Finis đã tăng đến 73% khi thực hiện chiến dịch tận dụng truyền thông xã hội này.
5. Đừng bỏ qua những người mua chưa thanh toán đơn hàng
Theo số liệu thống kê của Baymard Institute, trung bình có đến 65% đơn hàng trực tuyến bị khách hàng "bỏ quên", nghĩa là họ vẫn lựa chọn hàng hóa nhưng không thực hiện bước thanh toán cuối cùng. Tuy nhiên, DN đừng vội bỏ qua những khách hàng này mà ngược lại, hãy chăm sóc họ tốt hơn để thúc đẩy họ thực hiện hành vi mua hàng.
Hãng Liftopia cung cấp cho khách hàng chương trình khuyến mãi cực lớn: giảm giá đến 85% cho các hoạt động leo núi và trượt tuyết. Tuy nhiên, họ không hiểu lý do tại sao tỷ lệ khách không thanh toán đơn hàng vẫn ở mức rất cao. Các phương pháp phân tích cho thấy, Liftopia đã mất gần 1,3 triệu USD lợi nhuận mỗi tháng trong suốt mùa cao điểm.
Sau đó, họ quyết định tiếp tục "bám sát" những khách hàng này bằng nền tảng Rejoiner. Liftopia gửi cho khách hàng một email nhắc nhở vào thời điểm 30 phút sau khi họ "quên" thanh toán đơn hàng, và một email khác vào thời điểm 24 tiếng sau đó. Tần suất gửi email không quá dày như vậy là khá hợp lý vì sẽ không khiến khách hàng cảm thấy bị quấy nhiễu.
Khi khách hàng nhấp chuột vào đường dẫn trong email nhắc nhở, giỏ hàng cũ của họ sẽ được khôi phục nguyên hiện trạng để có thể hoàn tất việc mua hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhờ chiến lược này, Liftopia đã lấy lại được 17% tổng lợi nhuận, thu về hơn 714.000 USD trong vòng 4 tháng và tỷ lệ người mua hoàn tất thanh toán đơn hàng đã được nâng lên hơn 50% so với thời gian trước đó.
Ý kiến của bạn