Dòng chảy dầu mỏ dường như đã không còn là tâm điểm của dư luận, cũng như không còn là yếu tố quyết định ngôi vị trên thương trường. Dữ liệu thông tin mới là yếu tố quyết định.

Con mắt của Thượng đế

Ngũ đại gia này đã thu được lợi nhuận ròng hơn 25 tỷ USD chỉ trong quý I năm 2017. Amazon chiếm một nửa số tiền chi tiêu trực tuyến ở Mỹ. Google và Facebook gần như “nuốt trọn” toàn bộ phần tăng trưởng doanh thu quảng cáo số ở Mỹ năm ngoái. Dữ liệu thông tin - loại hàng hóa mới đã tạo ra một ngành công nghiệp phát triển nhanh và sinh lợi khổng lồ - đang đặt các cơ quan quản lý chống độc quyền trước những nhiệm vụ mới đầy thách thức.

Bản thân quy mô lớn không có lỗi. Những người khổng lồ như Google hay Facebook mang lại nhiều lợi ích thiết thực và miễn phí cho người tiêu dùng. Thử tưởng tượng cuộc sống và công việc của biết bao người sẽ gặp khó khăn như thế nào nếu không có công cụ tìm kiếm của Google. Hàng trăm triệu người tiêu dùng sẽ vất vả hơn rất nhiều nếu dịch vụ giao hàng trong 24h của Amazon đột nhiên “biến mất”. Hàng tỷ người sẽ buồn biết mấy nếu dòng tin tức của Facebook dừng chảy, dù chỉ một ngày. Và vẫn có những công ty “bé hạt tiêu” sống sót dưới cái bóng của những người khổng lồ nọ, như Snapchat...

Nhưng trong thời của "nền kinh tế dữ liệu", cần có một cách tiếp cận mới. Điện thoại thông minh và Internet đã làm cho dữ liệu phong phú, phổ biến và có giá trị hơn rất nhiều. Cho dù bạn đang xem truyền hình, ngồi trên xe hơi, hoặc thậm chí đang chạy bộ, bạn cũng góp phần vào việc tạo ra thông tin - nguyên liệu thô cho các “nhà máy chưng cất” dữ liệu. Ước tính một chiếc xe tự lái sẽ tạo ra 100 gigabyte thông tin mỗi giây. Trong khi đó, các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (chẳng hạn như học máy) có năng lực vô tận trong việc tạo ra giá trị từ dữ liệu. Sử dụng thuật toán, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự đoán được thời điểm mà khách hàng sẵn sàng chi trả để mua hàng, các dịch vụ cần chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ một bệnh nhân có nguy cơ cần cấp cứu… Trên thực tế, dòng chảy thông tin đã biến các tập đoàn công nghiệp truyền thống như GE và Siemens trở thành các bên bán dữ liệu khổng lồ.

Sự phong phú của dữ liệu làm thay đổi bản chất của cạnh tranh. Những người khổng lồ công nghệ hưởng lợi từ hiệu ứng mạng: càng có nhiều người sử dụng Facebook thì việc đăng ký trở thành Facebooker càng hấp dẫn hơn đối với những người còn đang ngập ngừng trước ngưỡng cửa “đế chế” này. Nhờ kho dữ liệu lớn của nhân loại và phương tiện kết nối mạng, công ty có nhiều dư địa để cải tiến sản phẩm, thu hút thêm người dùng, từ đó lại tạo ra nhiều dữ liệu hơn...

Đây cũng chính là cách mà Tesla đang làm. Thu thập, phân tích dữ liệu từ những chiếc xe tự lái do chính mình sản xuất, Tesla có cơ sở để hoàn thiện sản phẩm của mình tốt nhất. Nhờ đó, dù chỉ mới bán được 25.000 xe trong quý đầu tiên năm 2017, Tesla có giá trị vốn hóa cao hơn cả GM - bán được tới 2,3 triệu chiếc xe trong cùng kỳ.

Sở hữu kho dữ liệu lớn, các công ty dễ dàng chiếm thế thượng phong trong các cuộc cạnh tranh nhờ “con mắt của Thượng đế”. Google có thể biết được những gì mọi người tìm kiếm. Facebook nhìn thấu những gì họ chia sẻ và Amazon biết tỏng những gì hàng triệu người đã, đang mua sắm mỗi ngày. Họ có thể dự báo khá chính xác về mức độ hấp dẫn của một sản phẩm hoặc dịch vụ, kịp thời nắm lấy cơ hội hoặc đơn giản là mua lại những công ty mới nổi trước khi những nhân tố mới này trở thành mối đe dọa thực sự đối với vị thế của mình. Nhiều nhà quan sát cho rằng thương vụ Facebook bỏ ra đến 22 tỷ USD mua lại WhatsApp vào năm 2014, thời điểm đó WhatsApp chỉ kinh doanh một ứng dụng nhắn tin với vỏn vẹn chưa tới 60 nhân viên, chính là một kiểu thâu tóm nhằm loại bỏ đối thủ tiềm năng.

Làm sao để chống độc quyền trong thời 4.0?

Tình thế hiện nay làm cho các biện pháp chống độc quyền trong quá khứ không còn hữu hiệu. Dù có buộc Google phân thân thành 5 công ty “Googlet” thì với hiệu ứng mạng, họ cũng sẽ nhanh chóng liên kết, tập hợp thành một thế lực không thua kém ban đầu. Vì lẽ đó, các cơ quan chống độc quyền cần phải tự đổi mới cách thức hoạt động cho phù hợp với kỷ nguyên số. Ví dụ, khi xác định các trường hợp cần can thiệp, không nên quá coi trọng yếu tố quy mô mà cần tính đến tài sản dữ liệu của công ty khi diễn ra giao dịch. Giá mua cũng có thể là tín hiệu cho thấy một bên đang tìm cách giải thoát mình khỏi một mối nguy tiềm ẩn. Theo cách đó, câu hỏi về độc quyền sẽ phải đặt ra với trường hợp của Facebook và WhatsApp.

Các cơ quan chống độc quyền cũng cần thu thập nhiều dữ liệu hơn khi phân tích động lực thị trường của các doanh nghiệp, chẳng hạn sử dụng kỹ thuật mô phỏng để phát hiện ra các trường hợp thông đồng về giá hoặc để xác định giải pháp tốt nhất nhằm thúc đẩy cạnh tranh.

Nguyên tắc thứ hai là nới lỏng sự “kìm kẹp” mà các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến áp đặt lên người sử dụng và kiểm soát các nhà cung cấp dịch vụ nhiều hơn. Cũng cần yêu cầu các công ty sở hữu dữ liệu tiết lộ cho người tiêu dùng về những thông tin họ nắm giữ và lợi nhuận kiếm được từ kho dữ liệu đó. Chính phủ có thể khuyến khích sự ra đời của các dịch vụ mới bằng cách mở một số kho dữ liệu của mình hoặc biến nhiều hợp phần quan trọng của nền kinh tế dữ liệu thành cơ sở hạ tầng công cộng (như cách Ấn Độ đã làm với hệ thống nhận diện số Aadhaar). Cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp chia sẻ một số loại dữ liệu nhất định, với sự đồng ý của người dùng. Châu Âu đang thực hiện việc yêu cầu các ngân hàng cho phép bên thứ ba truy cập được một phần kho dữ liệu khách hàng của họ...

Tất nhiên, việc chống độc quyền trong thời đại thông tin không dễ dàng và rất có thể việc chia sẻ dữ liệu nhiều hơn tiềm ẩn những rủi ro mới - rủi ro xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng nếu các chính phủ không muốn nền kinh tế bị một vài gã khổng lồ thống trị, họ sẽ phải nghĩ cách và hành động sớm.