Theo số liệu của Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng đường tồn kho trong nước hiện đã trên 300.000 tấn. Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) hiện có 3 nhà máy tại Hậu Giang và Cà Mau và nắm giữ hơn 38% cổ phần tại công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng là đơn vị chủ lực trong ngành mía đường tại vùng ĐBSCL cũng đang tồn kho hơn 30.000 tấn đường.

Theo ông Phạm Quang Vinh, tại ĐBSCL, trong một vài năm qua, một số vùng mía nguyên liệu đã bị xoá sổ hoặc thu hẹp, một số doanh nghiệp mía đường đã phải đóng cửa do sức cạnh tranh yếu.

- Đâu là nguyên nhân khiến các nhà máy này đóng cửa, thưa ông?

Toàn vùng trước kia có 10 Nhà máy đường (NMĐ) trải dài từ Long An đến Cà Mau, nhưng đến nay đã có 3 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được (1 nhà máy tại tỉnh Long An, 1 nhà máy tại tỉnh Kiên Giang, 1 nhà máy tại tỉnh Cà Mau) 1 Nhà máy đang tạm dừng sản xuất vụ này và hiện nay chỉ có 6/10 nhà máy tham gia sản xuất vụ 2017-2018 .

  Theo cam kết hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, kể từ năm 2018 trở đi, sản phẩm đường từ các nước trong khối ASEAN sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu vào Việt Nam, mặc dù vẫn chịu thuế nhập khẩu là 5%.

Điển hình như ở Hậu Giang, chi phí sản xuất mía luôn ở mức 72 triệu đồng đến 86 triệu đồng/ha, trong đó chi phí chiếm tỉ lệ cao nhất là nhân công lao động (chiếm 60 % tổng chi phí ). Giá nguyên liệu cao, năng suất chữ đường thấp đã làm cho giá đường sản xuất trong nước cao hơn nên yếu sức cạnh tranh so với đường nhập khẩu. Đây là bài toán "đau đầu" của ngành mía đường.

- Theo ông, đối thủ nào "đáng gờm" nhất khi Việt Nam chính thức gỡ hạn ngạch nhập khẩu đường từ các nước Asean?

Trong các nước ASEAN, Thái Lan là nước xuất khẩu nhiều nhất và có chi phí sản xuất thấp nhất , là nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 trên thế giới (chiếm14,8% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu ).

Đường Thái Lan sở dĩ rẻ hơn Việt Nam là do ở Thái Lan giá mía mà các doanh nghiệp chế biến đường thu mua chỉ ở mức 30-35 USD/tấn, tương đương 650 - 750 đ/kg mía. Trong khi tại Việt Nam giá mía mà các doanh nghiệp mía đường thu mua luôn ở mức 800 - 1.000 đ/kg mía.

Trong sản xuất đường thì chi phí mía nguyên liệu mía chiếm từ 70-80% giá thành sản xuất . Vì vậy, với giá nguyên liệu mía cao đã làm cho giá thành sản xuất đường Việt Nam cao hơn Thái Lan khoảng 2.000 - 3.000 đ/kg đường.

- Ngành mía đường phải làm gì nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới, thưa ông?

Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp mía đường. Đồng thời cũng kiến nghị các cấp chính quyền đồng hành, có những biện pháp hỗ trợ cho ngành mía đường như: qui hoạch vùng mía nguyên liệu, đầu tư hệ giao thông và thuỷ lợi nội đồng nhằm giúp bà con nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất,thu hoạch mía. 

Kiến nghị chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp nông dân trồng mía có thể thực hiện được việc dồn điền đổi thửa hình thành các cánh đồng mía lớn, hợp tác xã sản xuất lớn để có thể sử dụng cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch. Song song đó ngành chức năng cũng cần tăng cường phòng chống buôn lậu đường, tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đó cũng chính biện pháp nhằm bảo vệ ngành đường, bảo vệ nông dân trồng mía tồn tại trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

- Xin cảm ơn ông!