Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong thời gian 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất năm 2018 (từ 14 đến 20/2), xuất khẩu máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 243 triệu USD, chiếm tới 84% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cho dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính và linh kiện vẫn đang ở mức rất cao, song đã có những cảnh báo về việc không thể chỉ trông chờ vào các nhóm hàng này, cũng như vào đơn lẻ các doanh nghiệp - ví như Samsung - để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh từng lo ngại, lúc nào DN FDI cũng xuất siêu còn Việt Nam được gì? Họ xuất siêu thì lợi nhuận đi vào túi của họ. Và tới lúc giảm hoặc hết ưu đãi, liệu ta có phải ngậm ngùi nhìn họ rút đi?

Cách thu hút vốn FDI hiện nay khiến lợi ích đất nước bị thu hẹp, do ưu đãi lớn cho họ về thuế, đất đai… Ví dụ như chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, do DN FDI chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên phần nhập khẩu đầu vào họ cũng được miễn, giảm. Còn DN trong nước hầu như không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu đầu vào bởi lý do các DN chỉ sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa.

Do đó,theo ông Trinh chúng ta phải tạo ra cơ chế bình đẳng giữa các loại hình DN để nâng cao sức cạnh tranh của DN nội địa. Nếu không, sẽ còn tiếp diễn tình trạng xuất siêu của khu vực FDI lên tới 72% tổng xuất khẩu, họ được hưởng lợi lớn, còn chúng ta cho họ mượn địa điểm để sản xuất với chi phí rẻ, lời lãi lớn, mà ta không giữ lại cho mình được gì.

TS Ngô Tuấn Anh - Khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng dẫn chứng năm 2016, riêng Samsung Việt Nam chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này thể hiện sự yếu kém của các DN nội địa.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ góp ý, cần cố gắng cải thiện trình độ để tăng tỉ lệ nội địa hóa trong mỗi sản phẩm, qua đó giúp nền kinh tế được hưởng lợi thực sự từ hoạt động giao thương.