Nền kinh tế kỹ thuật số sẽ tạo nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, đồng thời đem lại sự phát triển bình đẳng, bền vững cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang gặp khó khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế kỹ thuật số do những khó khăn về truy cập internet và truyền dẫn băng thông rộng, tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, bà Jillian DeLuna, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

Những việc APEC đã làm cho tới thời điểm hiện tại, cũng như những gì mà ASEAN đang làm là để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia nền kinh tế.

Hơn thế, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang lan rộng, với sự phát triển của Internet, ranh giới về quy mô với sức ảnh hưởng của doanh nghiệp dường như đã thay đổi. Môi trường kinh doanh Internet và sự phát triển của công nghệ đang làm doanh nghiệp nhỏ lớn lên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể hiện diện và trở thành chủ thể trên thị trường toàn cầu, bình đẳng với doanh nghiệp lớn. Mọi việc càng trở nên rõ ràng hơn khi Tuyên bố chung của các Bộ trưởng về doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC 2017 và 2 sáng kiến sẽ được trình lên Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã ghi tên các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tại APEC 2017, Việt Nam đề xuất 4 ưu tiên: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường hội nhập kinh tế và kết nối khu vực; nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang đứng trước cơ hội thực sự để phát triển vững vàng hơn.