Cởi nút thắt để doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trao đổi với báo chí nhân Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư năm 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sự phục hồi mạnh của các doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm nay và thời gian tới.
Đúng là không dễ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%. Với kịch bản này, 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. Đây là nhiệm vụ khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trên nhiều mặt trận và tích lũy từng thành quả trong từng lĩnh vực.
Chúng ta vẫn cần phải kiên trì các giải pháp căn cơ, mang tính bền vững, lâu dài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là nhân tố then chốt, trong đó, kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng, điều hành lãi suất và tỷ giá ngoại tệ theo hướng ổn định. Tập trung cao độ phục hồi đà phát triển của sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp và công nghiệp chế biến, tận dụng cơ hội của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu.
Thực hiện ngay các giải pháp để tăng cường giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp đáng kể vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP.
Một điều tôi nhắc cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là sự phục hồi của các doanh nghiệp sẽ trở thành động lực quan trọng, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và thời gian tới, nhất là với sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Chính phủ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm gỡ bỏ những nút thắt đối với doanh nghiệp, giải phóng sức phát triển cho các doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp yên tâm vào môi trường kinh doanh, yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.
Thưa Bộ trưởng, trong Cuộc đối thoại về chính sách đầu tư năm 2016 với các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới đây, Bộ trưởng đã nói rằng, doanh nghiệp đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới…
Điều này thể hiện rất rõ trong điều hành của Chính phủ. Chỉ trong vòng 1 tháng, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết về các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đó là Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Trong hơn 2 tháng vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo hoàn tất các văn bản hướng dẫn các văn bản luật, đảm bảo không có khoảng trống pháp luật. 50 nghị định về điều kiện kinh doanh đã được ban hành và có hiệu lực đúng ngày 1/7/2016 theo quy định của Luật Đầu tư, bãi bỏ toàn bộ các giấy phép con đã tồn tại khá lâu…
Tất nhiên, những giải pháp này có thể sẽ có độ trễ, hiệu ứng của các giải pháp này đến sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt trong triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành.
Chúng ta đã thấy con đường về đích của năm nay, điều quan trọng là chúng ta phải chạy về đích, càng nhanh càng tốt.
Là cơ quan đầu mối tổng hợp giúp Chính phủ trong thực thi các nghị quyết trên cũng như việc rà soát, bãi bỏ, hoàn thiện hệ thống quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng có hài lòng với kết quả của những thay đổi trong môi trường đầu tư - kinh doanh thời gian qua?
Chúng tôi biết có những lo ngại về chất lượng của các nghị định, lo ngại về việc nâng cơ học từ thông tư lên nghị định của các điều kiện kinh doanh.
Chúng tôi cũng biết, có những khoảng cách giữa sự quyết liệt của Chính phủ và việc thực thi của các cấp. Tuy nhiên, phải khẳng định rõ, chúng ta đang có quyết tâm chính trị rất cao trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này đang được lan tỏa từ cấp cao nhất tới các cơ quan thực thi.
Đơn cử, với việc rà soát điều kiện kinh doanh, Chính phủ không chỉ yêu cầu khắt khe về tiến độ của công việc này, để tránh khoảng trống pháp lý sau ngày 1/7/2016, mà còn rất quyết liệt về chất lượng của các văn bản. Nguyên tắc được đưa ra rất rõ là phải rà soát, xác định rõ điều kiện kinh doanh nào cần thiết, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật thì mới được ban hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết liệt đến cùng với các bộ, ngành để có được những sản phẩm tốt nhất trong thời gian ngắn.
Có thể nói, cuộc rà soát điều kiện kinh doanh vừa qua là đòi hỏi của giai đoạn phát triển với những yêu cầu mới từ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cũng trên tinh thần này, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nếu phát hiện những vấn đề vướng mắc, không phù hợp với yêu cầu mới của phát triển sẽ tiếp tục sửa đổi.
Chúng tôi cũng đang được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh. Những quy định không phù hợp với thực tiễn, chồng chéo, không tương thích, trái với xu thế đổi mới và hội nhập, cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ phải sửa đổi. Các luật chuyên ngành cũng sẽ phải được rà soát theo hướng này.
Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, thể chế tốt cần có những con người thực thi tốt, nắm được tinh thần của cải cách.
Trong Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ quán triệt tới toàn ngành nội dung các giải pháp để triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ-CP; Nghị quyết số 60/2016/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016…
Theo Đầu Tư
Ý kiến của bạn