Tễ công bố, PGS TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp giới thiệu Chương trình đánh giá "Chỉ số Khung năng lực Doanh nghiệp” và công bố Báo cáo "Chỉ số Kinh doanh - Năng lực tài chính 2017". 

PGS TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp

PGS TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp

Theo PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, “năng lực” và “nâng cao năng lực” là chủ đề được rất nhiều người quan tâm và cũng là đối tượng được chú ý nghiên cứu ở nhiều cấp độ trong một số năm gần đây vì ý nghĩa thiết thực của chúng. Thứ hạng là kết quả thường được trích dẫn, tuy nhiên, mục đích chính của các nghiên cứu là phản ánh năng lực của đối tượng thông qua các chỉ số và chỉ số so sánh thu được thông qua những phép đo được thừa nhận.

Ở cấp độ quốc gia, trong những nghiên cứu điển hình ở phạm vi quốc tế, hay trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competiveness Report) hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của hơn 100 nền kinh tế. Theo Báo cáo này năm 2017-2018, Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016-2017, lên thứ 55 lên và 20 bậc so với năm 5 năm trước (2012-2013)...

Trong đó, phát triển năng lực doanh nghiệp – INDEXBUS là bộ công cụ được xây dựng trên cơ sở kế thừa và tích hợp một số bộ công cụ phân tích chỉ số năng lực tổ chức, được áp dụng khá phổ biến trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. “Lõi” của INDEXBUS là Bộ Chỉ số Tín nhiệm CIS của APEN. Các chỉ số của CIS được bổ sung và hoàn thiện thêm từ các bộ công cụ khác như “khung năng lực”, “chỉ số năng lực thực hiện công việc” KPI, “Thẻ điểm Cân bằng” BSC, để có thể phản ánh chính xác hơn thực trạng năng lực hoạt động của doanh nghiệp trên các mặt khác nhau của công tác quản lý như tiếp cận thị trường, nhân lực, công nghệ, tổ chức, tài chính, quản lý và điều hành.

INDEXBUS cũng bao hàm cả những chỉ số quản trị mới như “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” CSR, “văn hóa doanh nghiệp” DOCS. Cách tiếp cận “theo dự án” (project-based) có thể giúp xác định khả năng quản lý một cách linh hoạt, trong môi trường thay đổi nhanh. Một bộ phận các chỉ số có thể cung cấp thông tin để xác minh “năng lực hấp thụ” (kiến thức, công nghệ, vốn, chính sách) cũng như “năng lực đổi mới, sáng tạo” của doanh nghiệp.

Bộ Chỉ số “Khung năng lực Doanh nghiệp” INDEXBUS gồm 2 phần: Thứ nhất, năng lực tài chính, phản ánh năng lực hoạt động của doanh nghiệp thông qua các chỉ số về kết quả hoạt động (Key Result Indicators, KRI) trên phương diện tài chính, vì vậy ấn phẩm mang tên "Chỉ số Kính doanh - Năng lực tài chính”). Thứ hai, năng lực thực hiện công việc phản ánh năng lực hoạt động của doanh nghiệp thông qua các chỉ số khả năng tác nghiệp đo bằng 5 nhóm năng lực tác nghiệp (Key Performance Indicators, KPI) như: Marketing/Bán hàng, Công nghệ, Nhân sự, Tổ chức/Tác nghiệp, Quản trị/Điều hành, thể hiện qua cá báo cáo mang tên "Chỉ số Kinh doanh - Năng lực Thực hiện".

Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và phần mềm chuyên dụng, số liệu thu thập từ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, quy mô, loại hình doanh nghiệp khác nhau được tự động xử lý một cách thống nhất và được “quy đồng” về cùng một mặt bằng để tiện cho việc so sánh, tương tự như cách làm của WEF, GII. Kết quả phân tích, so sánh được thể hiện trong các “Phiếu Sức khỏe Doanh nghiệp” cho từng doanh nghiệp và qua các ấn phẩm, báo cáo tổng hợp.

Khác so với nhiều công bố về chỉ số doanh nghiệp xuất hiện ở Việt Nam gần đây, mục đích nghiên cứu của INBUS là nhằm xác lập một khung nghiên cứu về tình trạng “sức khỏe doanh nghiệp” theo chuẩn mực hội nhập quốc tế và qua đó, phát hiện những mô hình doanh nghiệp tiêu biểu về năng lực tổ chức, điều hành làm “khuôn mẫu” cho các doanh nghiệp khác tham chiếu. Nghiên cứu của INBUS không nhằm mục đích xếp hạng doanh nghiệp. Các kết quả về thứ tự chỉ là các chỉ số kỹ thuật giúp người nghiên cứu sàng lọc, lựa chọn mô hình doanh nghiệp, không mang nghĩa so sánh về năng lực. Đây cũng là điều thường thấy trong các nghiên cứu của WEF, GII và nhiều nghiên cứu quốc tế khác. (Vị trí số 2 của Singapore, đứng trên Mỹ ở vị trí số 3 theo xếp hạng của WEF 2017-2018, không có nghĩa nền kinh tế Singapore áp đảo nền kinh tế Mỹ).

Báo cáo "Chỉ số Kinh doanh - Năng lực tài chính" là một sản phẩm thuộc Chương trình đánh giá "Chỉ số Khung năng lực Doanh nghiệp" của INBUS. Được tiến hành hằng năm bắt đầu từ 2013, với đối tượng là các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán Việt Nam. Trong số hơn 2.000 doanh nghiệp có thông tin tài chính công bố và có thể tập hơn được hằng năm, có trên dưới 1.300 doanh nghiệp (tùy theo từng năm) có báo cáo được kiểm toán. Thông tin từ các báo cáo tài chính do doanh nghiệp công bố của những doanh nghiệp được kiểm toán là tư liệu để phân tích. Công cụ sử dụng để phân tích là các chỉ số tài chính cơ bản có trong mọi cuốn sách giáo khoa về phân tích tài chính.

Báo cáo "Chỉ số Kinh doanh - Năng lực Tài chính" là một nghiên cứu được INBUS thực hiện hằng năm, bắt đầu từ 2013, với mục đích tổng hợp, phân tích so sánh kết quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp thuộc 32 ngành trong nền kinh tế, để qua đó hình thành một bức tranh tổng quan và chi tiết hơn về nền kinh tế, thông qua các phân tích doanh nghiệp trên các sàn chứng khoán. Đây cũng là cách làm truyền thống ở một số quốc gia trên thế giới. (Ví dụ, S&P Global là nguồn thông tin về thị trường tài chính của Mỹ mà hầu như tất cả các nhà nghiên cứu, đầu tư, quản lý trên thế giới đều biết đến tham chiếu. S&P Global không phải là công trình của UBCK hay cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, mà là công trình nghiên cứu thuộc Nhà xuất bản McGraw-Hill, Mỹ).

Đối tượng nghiên cứu của Báo cáo “Chỉ số kinh doanh – Năng lực tài chính” của INBUS là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có báo cáo tài chính được kiểm toán. Thông tin đưa vào xử lý được rút ra từ các báo cáo tài chính do chính các doanh nghiệp công bố công khai hằng năm. Các thông tin này được chuyển thành 21 chỉ số tài chính cơ bản, chia thành 6 nhóm, thông qua các phương pháp tính quen thuộc đối với các nhà phân tích tài chính. Các chỉ số được quy về giá trị tương đối nhằm tạo thuận lợi cho việc giúp so sánh doanh nghiệp có quy mô hoạt động khác nhau.

Trên cơ sở kết quả phân tích trong Báo cáo "Chỉ số Kinh doanh - Năng lực Tài chính" 2017, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (DĐDN) -VCCI và Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam (VAA) có sáng kiến phối hợp với Viện INBUS tiến hành lựa chọn những doanh nghiệp tiêu biểu và đại diện cho các ngành để giới thiệu và công bố với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, như một sự ghi nhận về những nỗ lực, thành tích của các doanh nghiệp được giới thiệu. Cùng với đó, kết quả trong Báo cáo "Chỉ số Kinh doanh - Năng lực Tài chính" hằng năm sẽ được sử dụng làm căn cứ tham chiếu khi phân tích hoặc đánh giá các doanh nghiệp không niêm yết và DNNVV cũng như sử dụng cho các mục đich hoạch định chính sách và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Những nghiên cứu nay vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện với sự tham gia tư vấn, phản biện của nhiều nhà chuyên môn, được thực hiện một cách độc lập, khách quan, vì mục đích khoa học, công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp một cách trung thực và thiết thực.

 

Ông Lê Văn Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Ông Lê Văn Nam – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là xếp hạng năng lực tài chính, tình hình hoạt động hiện tại và triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp thông qua đánh giá, từ đó xác định mức độ rủi ro không trả được nợ và khả năng trả nợ trong tương lai của doanh nghiệp.

Việc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp năm 2017 giúp Hòa Bình khẳng định uy tín, năng lực tài chính của mình đối với khách hàng, các chủ đầu tư cũng như  định hướng đầu tư của công chúng vào cổ phiếu của Hòa Bình và gia tăng niềm tin đối với cổ đông. Ngoài ra, còn giúp chúng tôi tổng hòa các lợi ích và là động lực cho triển vọng phát triển của Hòa Bình trong tương lai, từ đó gia tăng lợi ích tối đa cho các cổ đông cũng như mở rộng thị trường vốn trong và ngoài nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay; đồng thời bảo đảm duy trì sự ổn định của các nguồn tài trợ